OPEC+ có thể điều chỉnh chính sách sản lượng

Ngày 20/2, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út Abdulaziz bin Salman cho biết, các quyết định của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác, còn gọi là OPEC+ dựa trên các nguyên tắc cơ bản của thị trường và không bị chi phối bởi yếu tố chính trị, đồng thời nhấn mạnh tổ chức đủ linh hoạt để điều chỉnh chính sách sản lượng khi cần thiết.

Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ đủ linh hoạt để điều chỉnh chính sách sản lượng khi cần thiết. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út Abdulaziz bin Salman cho biết OPEC+ đủ linh hoạt để điều chỉnh chính sách sản lượng khi cần thiết. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu của ông Abdulaziz được đưa ra sau khi OPEC+ nhất trí giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng dầu hiện này là 2 triệu thùng/ngày tại cuộc họp chính sách ngày 1/2 vừa qua, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc và triển vọng không chắc chắn về nguồn cung của Nga. Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Giám sát Chung cấp Bộ trưởng của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/4 tới.

Trước đó, tại cuộc họp chính sách tại thủ đô Vienna (Áo) hồi tháng 10/2022, Các Bộ trưởng Năng lượng OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ ở mức 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu.

Việc các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn trên thế giới giảm 2 triệu thùng/ngày đánh dấu mức cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ tháng 4/2020 của tổ chức này. Con số này tương đương với khoảng 2% nhu cầu dầu toàn cầu.

Trong báo cáo thị trường hằng tháng công bố ngày 14/2, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 101,87 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra trước đó. Trong báo cáo, OPEC cho biết, chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 là sự mở cửa trở lại của Trung Quốc sau các hạn chế đi lại phòng dịch COVID-19.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt nhu cầu trong nửa đầu năm nay, song lưu ý rằng cán cân có thể nhanh chóng chuyển sang thiếu hụt khi nhu cầu tăng trở lại và sản lượng dầu thô của Nga sụt giảm. Nga cho biết, nước này sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày (5% sản lượng) vào tháng 3/2023, sau khi phương Tây áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga. Sau khi tăng lên mức cao nhất trong 14 năm ở mức gần 140 USD/thùng vào tháng 3/2022, giá dầu Brent hiện đang giao dịch trong khoảng 80-85 USD/thùng.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Sáng kiến Dữ liệu Chung về Dầu mỏ (JODI), nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt 102% mức trước đại dịch COVID-19 vào tháng 12/2022, chủ yếu do nhu cầu gia tăng ở Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc./.

H.Hà (Theo Reuters, AFP)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/opec-co-the-dieu-chinh-chinh-sach-san-luong-632008.html