Ðông về nhớ bếp quê

Mùa thu vừa cựa mình, ấy vậy mà đã qua rất nhanh, nhường chỗ cho mùa đông lại đến... Quê hương vào mùa đông, những cơn gió mùa Ðông Bắc đột ngột tràn về, lùa vào trong da, tê tái lạnh run người, những đàn chim đang bay mải miết về phương nam tìm gió và nắng ấm. Rồi đến những ngày tiếp theo, ban ngày trời âm âm u u, ít nắng và lạnh thấu xương, nhiều ngày trời chuyển mình, những làn mưa phùn kèm theo gió bấc thổi như găm kim vào da thịt. Bạn hay tôi đang ở ngoài đường hay ở nơi nào đó vì công việc, đều muốn nhanh nhanh về nhà để xà vào nơi bếp ấm, huơ đôi bàn tay lạnh cóng bên bếp lửa hồng, như thuở khi mới lên chín lên mười xa xưa…

Nhà quê ngày ấy, nhà nào cũng có một cái bếp riêng. Tuy hơi chật hẹp nhưng là nơi cả nhà từ ông bà, cha mẹ và anh em quây quần mỗi khi mẹ tôi nổi lửa nấu cơm. Trên bếp ba ông đầu rau được nặn bằng đất sét, lưng hơi còng còng chụm đầu vào nhau để mẹ nấu cơm, luộc rau, xào xáo các món ăn. Ðủ các loại cây làm củi, kể cả các cành tre mà cha tôi chặt ở bụi tre gai sau nhà, mỗi khi đun, các cây củi sủi bọt trắng kêu sèo sèo, và rơm và rạ cháy lem lém, tỏa ra không gian một mùi thơm dễ chịu. Mùi cơm chín, mùi khoai lùi thơm nưng nức, mùi thức ăn, mùi ngô nướng, lạc luộc thơm lừng… làm cho lũ trẻ chúng tôi thèm thuồng, miệng ứ nước miếng đòi mẹ cho ăn. Trên gác bếp mẹ thường treo lơ lửng đủ thứ, nào là rổ rá, chổi rơm…nào là hành, nào tỏi, ngô, thóc nếp… Cả nhà ông, bà, cha mẹ quây quần bên bếp lửa hồng ăn cơm. Ăn xong, ông và cha ngồi bên ấm trà vừa pha, khi rót ra chén mùi thơm quyến rũ của trà lan tỏa. Lũ chúng tôi thường ngồi quanh bà nghe bà đọc truyện Kiều, hay kể chuyện cổ tích, nhiều đứa vừa nghe vừa ngủ gật, có đứa còn lăn ra cái ổ rơm mà mẹ tôi đã trải sẵn mà ngủ…

Bây giờ thời hiện đại, nhà nào cũng có bếp ga, bếp điện, nồi cơm điện… bếp sáng choang nồi niêu bát đĩa sạch sẽ, đã thay thế, chiếm lĩnh và đỡ đần con người nhiều thứ. Tiện ích của thời đại công nghiệp là thế, nhưng với những người đã trải qua cái thời nghèo khó và lạc hậu ngày xưa lại hay nhớ về quá khứ. Chúng ta đã mất đi cái cảm giác hơi ấm của lửa nồng sưởi ấm tâm hồn con người suốt bao nhiêu thế kỷ qua. Những kỷ niệm ấu thơ bên mẹ hiền lam lũ, chan chứa tình mẫu tử. Mùa đông về lạnh thấu, không còn được huơ đôi bàn tay lạnh trên bếp lửa hồng vì nồi cơm điện, bếp điện, không còn bếp ấm của một thời nghèo khó, cất lên tiếng nói ấm nồng, tri ân quá khứ nghèo khổ mà ấm áp tình người quê Việt. Không còn bếp ấm, không còn thấy một thời gian khó, thân thương, một đi không trở lại, nó như một nét văn hóa phi vật thể đáng yêu về cuộc sống của cha ông.

Mùa đông về…lại nhớ nơi bếp ấm của mẹ, mà lòng bùi ngùi, không thể nguôi ngoai. Không còn bếp ấm, không còn thấy dáng tảo tần của mẹ hiền ngày nào. Mùa đông ơi! Mùa của nỗi nhớ, mùa của khói, mùa của ấm áp. Dù cho vật đổi sao dời, bếp ấm vẫn luôn hiện hữu trong ta, với tình mẹ, ấm áp chở che ta cả một thời gian khó.

Nguyễn Anh Ðào

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/210223/%C3%B0ong-ve-nho-bep-que