Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch và cái bắt tay với chính trị

Rupert Murdoch từng phải điều trần trước Thượng viện Mỹ để giải trình về những việc ông đã làm trong cuộc tranh cử tổng thống. Trong thời khắc khó khăn đó, ông vẫn rất bình tĩnh.

Rupert Murdoch có mối quan hệ hệ mật thiết với các chính trị gia khi còn hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Ảnh: The Daily Beast.

Cuối thập niên 1950, Rupert đã bắt đầu mở rộng đế chế truyền thông của mình thông qua những chuyến bay bất tận ngang dọc khắp nước Australia trên chiếc máy bay DC-3s. Thậm chí, người vợ đầu tiên của ông (vốn thường bị lãng quên), Patriccia Booker, là một tiếp viên hàng không.

Tới khi cưới người vợ thứ hai, Anna Torv, vào thập niên 1980, ông đã sở hữu hãng hàng không Ansett Airlines, nhờ đó giành được quyền kiểm soát kênh truyền hình mà tập đoàn này nắm giữ. Kênh truyền hình này chỉ là một sự bổ sung ngoài kế hoạch, nhưng về sau, nó nhanh chóng trở thành một đơn vị kinh doanh có lãi trong đế chế của Rupert.

Tuy nhiên, nó cũng là nguyên nhân khiến Rupert phải lần đầu tiên xuất hiện để điều trần trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ. Ông tự bảo vệ mình thành công trước những cáo buộc rằng ông đã lệnh cho các tờ báo của mình lên tiếng ủng hộ đương kim tổng thống Jimmy Carter khi đó đang thực hiện chiến dịch tái tranh cử nhằm đổi lấy một khoản vay chính phủ lãi suất thấp để mua một đội máy bay Boeing mới cho Ansett.

Tuy vậy, trên thực tế, mối liên hệ giữa gia đình Murdoch với lĩnh vực chính trị, kinh doanh, và những ràng buộc tình cảm trong lĩnh vực hàng không đã nhen nhúm nơi Keith từ 60 năm trước đó.

Keith Murdoch may mắn ở vào một vị trí hoàn hảo để được chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hàng không trong Thế chiến I. Anh có đặc quyền ra vào các nhà máy, sân bay huấn luyện, và các căn cứ quân sự ở Mặt trận phía Tây, đồng thời có mối quan hệ gần gũi với các phi công ưu tú, các nhà cách tân, và các chính khách nắm giữ vai trò định hình kỷ nguyên mới của ngành hàng không sau khi hòa bình được tái lập.

Đây là sợi dây liên kết kéo dài cho tới thập niên cuối cùng của đời ông. Ông từng thổ lộ với một cộng sự thân cận trong chuỗi kinh doanh của mình rằng: “Tôi cam đoan là chúng ta phải có một chiếc chuyên cơ ngay khi tất cả những thứ này trở thành hiện thực. Vì sao chúng ta lại không thể được tự do di chuyển chứ?”.

Việc phát hiện ra mình có niềm đam mê này từ sớm đã cho thấy Keith rất hào hứng trước triển vọng sử dụng hàng không vào các mục đích liên lạc, đồng thời cũng dành sự tôn sùng cho những nhà tiên phong dũng cảm trong lĩnh vực này. Nó cũng góp phần tạo điều kiện cơ bản cho một đoạn tình cảm cá nhân yểu mệnh: Không có nó, có lẽ cuộc hôn nhân đầu tiên của Keith đã không diễn ra.

Ngay từ năm 1916, Keith đã bắt đầu khơi dậy cảm hứng nơi các độc giả Australia về sự lãng mạn của những cỗ máy giúp “các phi công trẻ tuổi gan dạ của chúng ta chinh phục bầu trời”. Nhưng sau nỗi thất vọng trước thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về chế độ tòng quân cưỡng bức cùng với thực tế khắc nghiệt của cuộc chiến đang ngày càng lún sâu ở Mặt trận phía Tây, nước Australia cần đến một thế hệ anh hùng mới tràn đầy cảm hứng.

Năm 1917, Keith viết bài tường thuật những chiến tích lẫy lừng của “các phi công Anzac”, qua đó dựng lên một câu chuyện mới và đầy thú vị, khác hẳn cuộc chiến kinh hoàng dai dẳng cùng bùn đất. Đây là “công trình dành cho những chàng trai không biết sợ hãi... là hình thức căng thẳng nhất của một cuộc chiến tranh đầy căng thẳng”.

Keith cam đoan với các độc giả yêu nước của mình rằng phi công Australia là đội ngũ phi công có năng lực và sắc bén nhất thế giới. Anh dành thời gian ở Pháp với Quân đoàn Bay Australia vừa được thành lập nhưng “những chiến tích huy hoàng của họ... có thể khiến cả đất nước phải rung chuyển”.

Đó là những con người đáng ngưỡng mộ và học tập theo, là những người “quyết định rằng họ một lòng yêu thích và sẽ không bao giờ từ bỏ công việc hiểm nguy nhưng mỗi giây mỗi phút đều sảng khoái ly kỳ này”. Vốn luôn để tâm đến vấn đề tuyển quân nên Keith gửi điện tín về Australia, kêu gọi người tình nguyện tham gia đăng ký thông qua những bài viết thú vị trên, và anh tự tin cho rằng chắc chắn sẽ có hàng nghìn đơn đăng ký.

Trong mắt mọi người ở London, Keith được đánh giá là điển trai, có năng lực và giàu có, đồng thời phảng phất một chút lạ lẫm của nước Australia.

Tự hào với danh phận phóng viên chiến trường, anh trở nên uy nghiêm và lộng lẫy trong bộ quân phục sĩ quan khi tham gia giao lưu ở Câu lạc bộ người Australia dành cho các sĩ quan trên khu phố thời trang Piccadilly và chủ trì cho các bữa tiệc tối thứ bảy tại nhà hàng Piccadilly Grill. Trong mắt ông chủ của anh, Theodore Fink, Keith là “con đại bàng đang vút cánh bay lên trong nền báo chí mới nhất (và tôi hy vọng là tốt nhất)”.

Dĩ nhiên, anh cũng là tâm điểm chú ý của cánh phụ nữ. Lúc này, “cơn sốt quân nhân” đang diễn ra khắp nơi, một nhà bình luận cho biết anh ta từng thấy cảnh “một vài thanh niên trẻ tuổi người thuộc địa chạy bán sống bán chết để thoát khỏi sự truy đuổi của các cô gái như thể những con cọp cái”.

[...]

Tom Roberts/ Best Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-trum-truyen-thong-rupert-murdoch-va-cai-bat-tay-voi-chinh-tri-post1462671.html