Ông Thaksin không còn 'bất bại'

Việc Pheu Thai thất thế cuộc tổng tuyển cử Thái Lan dường như phản ánh rằng ông Thaksin không còn khả năng vô song trong việc đọc bối cảnh chính trị và tình cảm của công chúng.

Chiến thắng gây sốc của đảng Tiến bước (MFP) trong cuộc bầu cử ngày 14/5 có thể đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho nền chính trị Thái Lan. Theo Nikkei Asia, đây sẽ là một kỷ nguyên ít bị chi phối bởi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Khoảng một tuần sau cuộc bỏ phiếu, MFP đã tập hợp được một liên minh gồm 8 đảng đối lập - trong đó có đảng Pheu Thai của ông Thaksin. Liên minh này chiếm 313 ghế trong Hạ viện gồm 500 ghế. Dẫu vậy, đó vẫn chưa đủ để ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến bước, lên làm thủ tướng.

Bên lề cuộc chiến để giành được tổng số 376 phiếu cần thiết, một cuộc tranh luận đã nổ ra trong liên minh. Tâm điểm của nó vẫn là một gương mặt quen thuộc.

Trong một video trên YouTube được đăng hai ngày sau cuộc bầu cử, ông Thaksin đã nói về đảng Tiến bước với cả những câu ca ngợi và lời lẽ chỉ trích.

Sân khấu của ông Thaksin

Theo ông, đảng này có thể đã sử dụng một mạng lưới để lan truyền tin đồn rằng Pheu Thai đang hướng tới một liên minh khác với liên minh của đảng Tiến bước, khiến một số cử tri mất lòng tin vào đảng của ông. Ông cũng gọi đảng Tiến bước là "kẻ phá bĩnh" vì việc họ khéo léo sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và nội dung do người dùng tạo.

Trong khi đó, phó lãnh đạo đảng Tiến bước Phicharn Chaowapatanawong bác bỏ cáo buộc, nói rằng đảng này không có ngân sách và không có ý định làm vậy.

Move Forward chiếm được cảm tình của cử tri trẻ với các chính sách cấp tiến như sửa đổi luật khi quân và chấm dứt nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, điều khiến hầu hết mọi người ngạc nhiên là sự thất thế của Pheu Thai.

Đảng này lần đầu nhường lại vị trí dẫn đầu sau năm chiến thắng liên tiếp trong các cuộc tổng tuyển cử kể từ khi ông Thaksin thành lập đảng Thai Rak Thai - tiền thân của Pheu Thai - năm 1998.

Sau đó, ông Thaksin tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong chính trường Thái Lan, ngay cả sau khi bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và phải sống lưu vong.

Tầm ảnh hưởng của ông được duy trì nhờ vào “kỹ năng vô song” trong việc đọc bối cảnh chính trị và cảm tình của công chúng. Các cuộc bầu cử trước đó đã mang đến cho ông một sân khấu để thể hiện tài năng này.

Điều đó bắt đầu vào năm 2001, cuộc bầu cử đầu tiên mà cử tri bỏ phiếu cho các đảng và cử tri riêng lẻ. Các đảng cũng phải trả lời cử tri về ý tưởng của họ về cách điều hành đất nước.

 Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ảnh: Nikkei Asia.

Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ảnh: Nikkei Asia.

Thai Rak Thai đã đưa ra một bản tuyên ngôn dễ hiểu và thu phục được công chúng bằng các chính sách nhằm hồi sinh nhiều vùng nông thôn và chống đói nghèo. Họ đã thắng một cách dễ dàng bằng cách khuấy động tinh thần của những người nghèo ở nông thôn.

Thai Rak Thai đã giành được 3/4 số ghế tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2005.

Năm 2007, sau cuộc đảo chính, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra lệnh giải tán Thai Rak Thai với cáo buộc gian lận bầu cử. Các thành viên đã chuyển sang đứng dưới ngọn cờ của đảng Quyền lực Nhân dân.

Tổng cộng 111 quan chức cấp cao của đảng Thai Rak Thai đã bị cấm tham gia chính trị, dường như khiến phe của ông Thaksin yếu đi nhiều.

Tuy nhiên, ông Thaksin đã chọn cựu Phó thủ tướng Samak Sundaravej, một người theo chủ nghĩa quân chủ xuất thân từ một gia đình thuộc tầng lớp quý tộc cũ, làm ứng cử viên cho chức thủ tướng.

Trong khi ông Samak bị chế giễu như một “di tích của quá khứ”, chính trị gia kỳ cựu này đã lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân giành được chiến thắng vững chắc.

Khi các cuộc biểu tình chống lại ông Thaksin lại bùng lên vào năm 2008, cựu thủ tướng rời khỏi đất nước và đảng Quyền lực Nhân dân bị giải tán vì những cáo buộc về hành vi sai trái trong bầu cử, một lần nữa mất quyền kiểm soát chính phủ.

Mặc dù các nhà lập pháp đã tập hợp lại dưới đảng Pheu Thai, vẫn có thêm 109 quan chức bị cấm tham gia chính trường.

Với 220 quan chức từ các đảng tiền nhiệm hiện không thể tham gia chính trường, Pheu Thai không được kỳ vọng nhiều trong cuộc bầu cử năm 2011. Tuy nhiên, sau khi ông Thaksin chọn em gái mình là Yingluck làm gương mặt đại diện cho đảng, với tư cách là nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, Pheu Thai đã giành chiến thắng áp đảo.

Khi nhìn lại, cuộc bầu cử đó là nơi "phép thuật" bầu cử của ông Thaksin đạt đến đỉnh cao. Những canh bạc sau này của ông thường không mang lại nhiều tác dụng.

Vào tháng 11/2013, khi Pheu Thai thúc đẩy cuộc bỏ phiếu về một dự luật ân xá nhằm đưa ông Thaksin trở lại đất nước, các cuộc biểu tình quần chúng đã nổ ra sau đó. Giữa lúc không có biện pháp rõ ràng nào để thoát khỏi vòng xoáy bất ổn, quân đội đã tổ chức một cuộc đảo chính khác để loại bỏ chính phủ của bà Yingluck.

Kỷ nguyên mới?

Liên quan đến cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2019, chính phủ quân đội đã đưa ra các quy tắc gây khó khăn hơn cho một đảng giành chiến thắng quá đậm, nhằm kéo dài quyền kiểm soát và ngăn chặn sự trở lại của phe Thaksin.

Ông Thaksin đã tìm cách giải quyết vấn đề này bằng việc chia nhỏ Pheu Thai thành nhiều đảng. Dẫu vậy, nhiều người vẫn cho rằng đảng này đang phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn.

Nhằm lật ngược tình thế, cựu Thủ tướng Thaksin tung ra một nước đi bất ngờ khiến không chỉ người Thái mà cả cộng đồng quốc tế sửng sốt. Đảng Thai Raksa Chart, một đảng ủy nhiệm của Pheu Thai, đã đề cử Công chúa Ubolratana Rajakanya, em gái của Vua Maha Vajirusongkorn, làm ứng cử viên thủ tướng của đảng.

Tuy nhiên, chính nhà vua nói rằng việc hoàng gia tham gia vào chính trị là "không phù hợp" và Tòa án Hiến pháp đã giải tán đảng này trước cuộc bầu cử.

Bốn năm sau, bà Paetongtarn Shinawatra, con gái của ông Thaksin, được chọn là một trong những ứng cử viên thủ tướng của Pheu Thai với hy vọng lặp lại hiện tượng Yingluck hơn chục năm trước đó.

 Bà Paetongtarn là ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai. Ảnh: Reuters.

Bà Paetongtarn là ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai. Ảnh: Reuters.

Đảng này đã dẫn đầu trong cuộc thăm dò trong hầu hết thời gian của chiến dịch. Tuy nhiên, cuộc thăm dò trước bầu cử cuối cùng của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia, được công bố vào ngày 3/5, cho thấy tỷ lệ ủng hộ Pheu Thai giảm so với nửa tháng trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của đảng Tiến bước đã tăng.

Quan ngại về việc tỷ lệ ủng hộ sụt giảm có thể đã dẫn đến bước đi tiếp theo của ông Thaksin. Vào ngày 9/5, năm ngày trước cuộc bầu cử, ông tuyên bố sẽ trở lại Thái Lan vào ngày 26/7 (sinh nhật của ông).

Ông đã mở lời về khả năng này nhiều lần trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên cựu thủ tướng Thái Lan đưa ra một ngày cụ thể. Nỗ lực này có thể nhằm nâng cao tinh thần của đảng và những người ủng hộ ông, nhưng dường như nó đã có phản tác dụng.

Quốc hội tổ chức bầu chọn thủ tướng mới vào tháng 7. Các cử tri có thể nhận định rằng việc ông Thaksin không đợi đến khi chính phủ mới nhậm chức vào tháng 8 là bằng chứng cho tin đồn về một thỏa thuận bí mật giữa Pheu Thai và đảng cầm quyền thân quân đội để thành lập chính phủ liên minh.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Thaksin khẳng định việc mình thông báo về nước vào tháng 7 không liên quan đến kết quả bầu cử.

Cuộc bầu cử mới nhất đã ghi nhận con số kỷ lục 75,2% cử tri đủ điều kiện tham gia. Những người theo chủ nghĩa tự do không thích thỏa hiệp với phe ủng hộ quân đội có thể đã bỏ phiếu cho đảng Tiến bước, trong khi những người không thích ông Thaksin có thể thiên về liên minh ủng hộ quân đội.

Cuộc bầu cử gần đây đã tạo ra cuộc đọ sức giữa những người ủng hộ quân đội với phe đối lập, cũng như giữa những người ủng hộ ông Thaksin với những người gièm pha ông.

Pheu Thai là mục tiêu trong cả hai trận chiến. Kết quả bầu cử cho thấy Pheu Thai đã bị gạt sang một bên như một “di tích chính trị lỗi thời”, Nikkei Asia nhận định.

Cựu Thủ tướng Thaksin từ lâu đã là “lá cờ đầu” đại diện cho ý nguyện của nhân dân Thái Lan, nhưng huyền thoại về ông với tư cách là một chính trị gia "bất khả chiến bại" đã đi đến hồi kết.

Liệu sự kết thúc của một kỷ nguyên có đánh dấu một khởi đầu mới cho nền chính trị Thái Lan hay không là điều vẫn cần phải chờ xem, theo Nikkei Asia.

Vân Đinh

Theo Nikkei Asia

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-thaksin-khong-con-bat-bai-post1434417.html