Ong rừng Minh Hóa lên ngôi

Sở hữu một lượng lớn diện tích đất rừng tự nhiên cùng tiểu vùng khí hậu đặc trưng, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) đang trở thành miền đất lành cho những đàn ong rừng được thuần hóa để nuôi lấy mật. Với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm, nghề nuôi ong ở đây đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương.

Một góc vườn ong của ông Đinh Long.

Một góc vườn ong của ông Đinh Long.

Biến ong rừng thành ong nhà

Chủ nhân của ngôi nhà khang trang nhất nhì thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa là một lão nông đã gần 70 tuổi, nhưng có dáng người rất nho nhã, an nhàn. Nhìn qua, cứ tưởng ông là cán bộ "thoát ly", nay về hưu vui thú điền viên, nhưng không, "tôi suốt ngày, hết trong vườn lại ra bờ ao chăm sóc những đàn ong. Nông dân chính hiệu chứ có cán bộ, cán bèo gì đâu!..." -

Ông Đinh Long, người được dân nuôi ong ở vùng núi Minh Hóa tôn làm "sư phụ", phân trần với giọng hài hước. Tiếp chúng tôi trong gian phòng khách rộng rãi, tiện nghi, sau chén trà nóng "giãy môi", tôi hỏi ông Đinh Long theo nghi lễ thông thường: "Gia đình ta có được đông các anh, các chị không?...". "Tám! Ngoài 3 đứa đầu không may mắn được đi học khi gia cảnh còn nghèo khó, còn lại đều đã qua đại học…" - Ông Long nhẹ nhàng đáp lời.

Nghe ông Long nói, trong đầu tôi rộn lên câu hỏi: ở đất miền núi này, một gia đình đông con như thế thì chạy gạo ăn cũng đã toát mồ hôi, rạc cả cẳng. Không hiểu ông Long xoay xở, chèo chống thế nào để con cái được no đủ, khỏe mạnh và được học hành, phương trưởng như ngày nay? Như đọc được suy nghĩ của tôi, ông Long bảo: "Tất cả là nhờ nghề nuôi ong mật! Cả gia tài nhà tui gồm nhà cửa, giường tủ, xe pháo, ruộng vườn, ao chuôm đều nhờ những con ong mình bé xíu đó…".

Ông Long cho chúng tôi biết, ít nghề sinh lợi nhanh, nhiều và nhàn như nghề nuôi ong, nhất là ong rừng. Thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, ở vùng núi rừng Minh Hóa, do nhiều người đổ xô đi săn ong rừng, với cách làm "lấy mật, giết ong non", làm ong cạn kiệt. Thấy vậy, ông tự đặt câu hỏi cho mình: Con người có thể nuôi nhiều loài động vật hoang dã, tại sao không thử thuần hóa ong rừng?

Nghĩ là làm, ông vào rừng tìm kiếm những tổ ong rồi dẫn dụ ong chúa về làm tổ ngay trong vườn nhà mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, vườn nhà ông đã có mấy chục tổ ong. Nhưng chỉ vài tháng, ong bắt đầu bỏ tổ, bay vào rừng hoặc chết dần và cũng không còn cho nhiều mật như trước. Không nản, ông lặn lội đến Trung tâm Khuyến nông huyện học hỏi kỹ thuật nuôi ong.

Cuối năm 1991, vay mượn được một số vốn, ông tiếp tục nuôi ong rừng. "Khi nắm được kiến thức, việc nuôi ong rừng có hiệu quả rõ rệt. Thời điểm ấy, có thể nói, không có gì "thắng" bằng việc nuôi thuần hóa ong rừng. Chăm một đàn ong, trong gần một tháng, có thể đã thu năm lời, có thời điểm thu tới hàng chục lời. Trước đây, khi mà gần như "độc quyền" về nghề nuôi ong rừng ở Minh Hóa, nhà tui kiếm được rất nhiều tiền. Nhờ thế mới có thể vươn lên được như hôm nay từ một hộ nghèo nhất xã..." - Ông Long tâm sự.

Cuộc hành trình còn xa

Bây giờ, ở xã Xuân Hóa nói riêng, huyện Minh Hóa nói chung đã có khoảng 30% số hộ làm nghề nuôi ong. Nhà nhà cùng nuôi ong, nên "nghề độc" của ông Long được san sẻ khắp vùng, nhưng vai trò của ông với nghề không vì thế mà "nhạt" đi, trái lại, ông vẫn đóng vai trò "truyền nhân" của nghề nuôi ong bằng việc cung cấp ong giống và hỗ trợ kỹ thuật cho hàng trăm hộ nuôi ong ở Minh Hóa.

"Làm ăn túc tắc, thảnh thơi, thế nhưng một năm, ông Long cũng có cả trăm triệu đồng đút túi nhờ việc nhân hàng trăm đàn ong, bán ra trên dưới 800 ngàn đồng/đàn. Nghề nuôi ong muốn đạt hiệu quả cao, điều quan trọng nhất là phải có kinh nghiệm và kỹ thuật. Là người nắm được cả hai yếu tố đó, ông Long đã phổ biến kinh nghiệm của mình cho rất nhiều người. Cũng nhờ "thầy" Long mà gia đình tôi có mức thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm từ nghề này..." - Ông Đinh Khách, một hộ nuôi ong ở xã Xuân Hóa cảm kích nói -

"Tuy không còn là người nằm trong "tóp" đầu phong trào nuôi ong ở địa phương, nhưng nói trộm vía, nhỡ sau này ông ấy có khuất núi, người ta vẫn ghi nhớ đến ông như là một người thầy về nghề nuôi ong…". Theo ông Khách, với hơn 140.000ha rừng tự nhiên, Minh Hóa là một trong những huyện của Quảng Bình có nhiều lợi thế trong phát triển nghề nuôi ong lấy mật. "Bây chừ, từ đầu làng đến cuối xã, chuyện thời sự nhất là làm giàu từ ong. Cứ nghe người ta sôi nổi kháo nhau nhà này, nhà kia thu tiền chục, tiền trăm triệu từ những đàn ong là đủ biết nghề nuôi ong ở đây phát triển rầm rộ tới mức nào…" - Ông Khách tỏ vẻ tự hào.

Những con ong nhỏ bé đã đem lại niềm vui, no ấm cho người dân Minh Hóa.

Những con ong nhỏ bé đã đem lại niềm vui, no ấm cho người dân Minh Hóa.

Quá trình tìm hiểu về nghề nuôi ong ở Minh Hóa, chúng tôi được biết, hiện ở địa phương có khoảng 3.000 đàn ong. Tính trung bình, thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật của mỗi hộ dân ở đây đạt từ 20-120 triệu đồng/năm. Xã Xuân Hóa, hiện vẫn đang duy trì vị trí quán quân với gần 1.000 đàn ong, thứ hạng tiếp theo gồm có Hóa Hợp: Gần 500 đàn, các xã Trung Hóa, Hóa Tiến, mỗi xã khoảng 400 đàn…

Điều đáng mừng là với sản lượng mật ước tính vài chục tấn mỗi năm, nhưng vẫn không đủ để cung cấp theo nhu cầu của thị trường. Mật ong của vùng núi Minh Hóa bây giờ đã có thương hiệu bền vững, không chỉ được tiêu thụ trong địa bàn tỉnh Quảng Bình, mà còn vươn ra thị trường trong nước và "ngao du" ra tận nước ngoài.

"Khách hàng mua mật ong với số lượng lớn ở xa đến được các hộ nuôi ong đón tiếp niềm nở. Chỗ tin cậy, nhiều khi thiếu tiền bà con ở đây cho thiếu nợ. Những gia đình nhân lực dồi dào, muốn thu từ gốc đến ngọn, thì mang mật ong đi giao khắp nơi, còn những nhà khan nhân công, cứ ung dung ngồi nhà hốt bạc…" - Ông Hồ Văn Chương, chủ một hộ nuôi ong ở xã Hóa Tiến khái quát lại "tầm vóc" của nghề mình đang theo như vậy.

Cũng theo ông Chương, gia đình ông, 4 bố con có tổng cộng 40 đàn ong, mỗi năm thu hàng trăm lít mật. Với giá cả khá ổn định như hiện nay, từ 300-350 ngàn đồng/lít, coi như cả nhà có thể sống tốt nhờ ong. "Nếu có kinh nghiệm trong chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh thì yên tâm "thắng quả đậm". Trước đây, chỉ vì không có kinh nghiệm và kiến thức mà có nhà nuôi ong bị chết hết. Bây giờ thi chẳng ai nuôi ong phải mất cả chì lẫn chài như thế. Tiếng lành đồn xa, nghề nuôi ong từ Mình Hóa bây giờ đã lan sang các vùng rừng núi Quảng Bình và cuộc hành trình của con ong chắc chắn sẽ còn vươn xa hơn nữa…" - Ông Chương khẳng định.

Nguyễn Quang Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ong-rung-minh-hoa-len-ngoi/