Ông Macron 'xây đê' ngăn cản người phụ nữ khiến cả EU và NATO lo ngại

Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên, khi 1/3 số phiếu bầu thuộc về phe cực hữu, nỗ lực của ông Macron nhằm thống nhất sự ủng hộ của cử tri chính thống đang bấp bênh hơn bao giờ hết.

Một ngày sau khi ứng cử viên đảng cực hữu Marine Le Pen nổi rõ vị trí thách thức nhất trong vòng cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra trong chưa đầy hai tuần tới, ông Emmanuel Macron ngay lập tức chuẩn bị xây dựng “đê” (dams).

"Dams" là từ ám chỉ cử tri chính thống Pháp. Đây là đối tượng hết lần này đến lần khác gạt bỏ những khác biệt chính trị sang một bên trong vòng hai và bỏ phiếu cho bất kỳ ai, ngoại trừ bà Le Pen, để từ chối một tổng thống cực hữu.

Trong bài phát biểu chiến thắng trước Bảo tàng Louvre cách đây 5 năm, ông Macron khởi động nhiệm kỳ tổng thống bằng cách cam kết đoàn kết người Pháp để “không có lý do gì bỏ phiếu cho những người cực đoan”.

 Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu tại Paris hôm 10/4. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu tại Paris hôm 10/4. Ảnh: New York Times.

Nhưng sau vòng đầu tiên, kỷ lục 32% cử tri Pháp ủng hộ các ứng cử viên theo tư tưởng cực hữu khiến “con đê” này trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Nếu bà Le Pen chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, điều này sẽ “không khác gì cuộc khủng hoảng” đối với Liên minh châu Âu (EU) và NATO, đặc biệt khi chiến sự Ukraine vẫn tiếp diễn.

Thành tích kỷ lục

Ông Macron - người nhận chỉ trích vì chiến dịch tranh cử thiếu nhiệt huyết - đã nhanh chóng tìm cách củng cố "đê". Hôm 11/4, ông trực tiếp thách thức bà Le Pen và đảng của bà, National Rally, khi tới miền Bắc nước Pháp. Đây là khu vực chứng kiến cảnh kinh tế suy thoái và bà Le Pen đã nhận được rất nhiều phiếu ủng hộ vào hôm 10/4.

Tại Denain, thành phố bà Le Pen chiếm ưu thế, ông Macron nói về những lo lắng của giới trẻ và các vấn đề xã hội. Ông cố gắng nhắc nhở cử tri về nguồn gốc cực đoan đảng của bà Le Pen và gọi bằng cái tên cũ.

Tại điểm dừng vận động ở vùng nông thôn Yonne, bà Le Pen nói rằng “con đê” là chiến lược không trung thực để giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử. Bà nhấn mạnh “đó là cách để tự cứu mình khi ông không xứng đáng với nó”.

Mấu chốt hiện tại phụ thuộc vào việc ứng cử viên nào sẽ nhận được sự ủng hộ từ cử tri của ông Jean-Luc Mélenchon - người đứng thứ ba trong vòng đầu tiên với tỷ lệ phiếu bầu là 21,9%.

Theo kết quả thăm dò gần đây từ Ipsos, một nửa cử tri của ông Mélenchon không thích cả bà Le Pen và ông Macron, trong khi nửa còn lại chia khá đồng đều cho cả hai người, nhưng vẫn ưu tiên ông Macron hơn.

Bản thân ông Mélenchon kêu gọi cử tri không bỏ phiếu cho bà Le Pen ở vòng thứ hai, nhưng cũng không ủng hộ ông Macron.

Thành tích kỷ lục của các ứng cử viên cực hữu vào hôm 10/4 là kết quả của nhiều yếu tố. Trong đó phải kể tới nỗ lực cải tạo hình ảnh của chính bà Le Pen, cuộc chiến văn hóa thành công do lực lượng bảo thủ tiến hành những năm gần đây và một loạt các cuộc tấn công xuất phát từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Pháp kể từ năm 2015.

 Bà Le Pen giao lưu với những người ủng hộ. Ảnh: New York Times.

Bà Le Pen giao lưu với những người ủng hộ. Ảnh: New York Times.

Bà Le Pen đã thay đổi hình ảnh kể từ cuộc bầu cử cách đây 5 năm. Bà sẵn sàng từ bỏ một số ý tưởng khiến các cử tri chính thống xa lánh.

Chiến dịch của bà dựa vào một cam kết trọng tâm: Mang đến thu nhập nhiều hơn cho người Pháp, trong bối cảnh lo ngại lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.

So với năm 2017, tỷ lệ phiếu bầu ở vòng một của bà Le Pen đã tăng vài điểm %, bất chấp thách thức trực tiếp từ đối thủ mới Éric Zemmour - người kêu gọi ai ủng hộ ông bỏ phiếu cho bà trong cuộc đọ sức sắp tới.

Ở Yonne, bà Le Pen tiếp tục nhấn vào những chủ đề giúp bà lọt vào vòng 2. Gặp gỡ một nông dân trồng ngũ cốc, bà nói về việc giá nhiên liệu và phân bón tăng cao sau chiến sự ở Ukraine sẽ làm tăng giá các mặt hàng chủ lực tại siêu thị và ảnh hưởng tới những người dễ bị tổn thương nhất.

Chính sách làm phản tác dụng?

Tuy nhiên, các nhà phê bình cũng nói kết quả hôm 10/4 phản ánh chiến lược của ông Macron trong việc thay đổi cục diện bầu cử của Pháp. 5 năm trước, ông Macron được đánh giá là ứng cử viên trung tả.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông đã chuyển hướng sang phía cánh hữu khi cho rằng thách thức chính của ông sẽ đến từ bà Le Pen.

Sự thay đổi đó được thể hiện bằng một loạt luật nhằm tăng cường lập trường của Pháp về nhập cư, trao quyền cho cảnh sát và chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nhiều người Pháp cũng cảm thấy các chính sách kinh tế của ông ưu ái người giàu một cách bất công và khiến họ sống xa hoa hơn.

 Bức ảnh được chụp vào ngày 6 tháng 4 năm 2022 tại Marseille, cho thấy các tờ rơi bầu cử được gấp lại của các ứng cử viên đối thủ Emmanuel Macron và Marine Le Pen trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Pháp. Ảnh: AFP.

Bức ảnh được chụp vào ngày 6 tháng 4 năm 2022 tại Marseille, cho thấy các tờ rơi bầu cử được gấp lại của các ứng cử viên đối thủ Emmanuel Macron và Marine Le Pen trong cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Pháp. Ảnh: AFP.

Nếu ý định của ông Macron là nhằm giảm bớt sự “hấp dẫn” của bà Le Pen trong mắt các cử tri bằng cách kéo bà ra khỏi thông điệp cốt lõi của chính bà, thì các nhà phê bình cho rằng cách tiếp cận này đã phản tác dụng khi đưa quan điểm cực hữu lún sâu vào cuộc tranh luận chính trị chính thống.

Sau đó, bà Le Pen chuyển sang các vấn đề về chi phí sinh hoạt. Điều này thậm chí còn gây tiếng vang lớn hơn khi giá năng lượng tăng đột biến vì cuộc chiến ở Ukraine.

Người phát ngôn cho chiến dịch tranh cử của ông Macron, Sacha Houlíe, nói rằng tổng thống đang tăng cường chiến lược dựng "đê". Ông thừa nhận đã có "một số sai lầm", lưu ý thêm một số bộ trưởng đã chọn các chủ đề và cách diễn đạt được những người ủng hộ cực hữu cổ vũ.

Nhưng ông Houlíe phủ nhận ông Macron bình thường hóa các ý tưởng cực hữu. Chính phủ tổng thống Pháp chỉ cố gắng đáp ứng những lo ngại ngày càng tăng của người dân về tội phạm và nhập cư.

 Nhiều cử tri từng chọn ông Macron năm 2017 đang "quay lưng" với tổng thống trong lần bầu cử này. Ảnh: Reuters.

Nhiều cử tri từng chọn ông Macron năm 2017 đang "quay lưng" với tổng thống trong lần bầu cử này. Ảnh: Reuters.

Nhưng nhiều người, đặc biệt là đối tượng ủng hộ ứng cử viên cánh tả Mélenchon, cảm thấy bị phản bội. Điều này thậm chí có thể đi xa đến mức ông Macron khó có thể thuyết phục họ tham gia “xây đê” để chống lại bà Le Pen - người mà ông gọi là “mối nguy cho nền dân chủ”.

Nhà sử học Alexis Lévrier nói rằng khi đang cố gắng định hình lại nền chính trị Pháp bị chia rẽ sâu sắc giữa phong trào chính thống của ông và bà Le Pen, ông Macron đã vô tình “góp phần gia tăng thêm sức mạnh cho phía cực hữu”.

Một cư dân của Guyancourt - thành phố giàu có, thiên tả nằm ở phía tây nam Paris - Stéphanie Noury nói rằng vào năm 2017, bà đã bỏ phiếu cho ông Macron như một phần nỗ lực "xây đê" chống lại ứng cử viên cực hữu.

Tuy nhiên, giờ đây bà lại bỏ phiếu cho ông Mélenchon trong vòng một: "Ông Macron đã nhúng tay vào phe cực hữu".

"Tôi cảm thấy không đủ thuyết phục"

Cử tri Pháp lần đầu tiên hình thành "bờ đê" chống lại ứng cử viên cực hữu là vào năm 2002, khi cha bà Le Pen, Jean-Marie Le Pen, gây chấn động bằng tuyên bố đấu với Tổng thống lúc đó là Jacques Chirac. Một "con đê" khác đánh bại bà Le Pen vào năm 2017.

Aurélien Taché - nhà lập pháp từng là đồng minh với ông Macron - cho biết tổng thống đắc cử năm 2017 nhờ những cử tri đã gạt bỏ khác biệt chính trị sang một bên và đoàn kết chống lại bà Le Pen.

Ông nói rằng ông Macron đáng lẽ phải đưa nhu cầu của những người đã bầu cho ông - chủ yếu từ cánh tả - vào các chính sách sau này.

Ông Taché - người đã rời bỏ đảng của ông Macron vào năm 2020 do tổng thống chuyển sang tư tưởng cánh hữu - đặc biệt chỉ trích đạo luật mang tính bước ngoặt của chính phủ chống lại chủ nghĩa Hồi giáo ly khai. Đạo luật này vốn đã nhận chỉ trích từ cả trong và ngoài nước Pháp, bao gồm cả đặc phái viên Mỹ về tự do tôn giáo quốc tế.

 Bảng kết quả vòng một đặt tại Paris hôm 10/4. Ảnh: Reuters.

Bảng kết quả vòng một đặt tại Paris hôm 10/4. Ảnh: Reuters.

Ông Taché nói rằng luật này “làm cho người Hồi giáo và đạo Hồi trở nên vô hình”. Một số học giả, đối thủ chính trị và tổ chức Hồi giáo cũng chỉ trích đạo luật này là phân biệt đối xử với người Hồi giáo ở Pháp, dẫn đến việc đóng cửa một loạt nhà thờ, hiệp hội và trường học Hồi giáo.

Sự phẫn nộ đó giờ đây cũng có thể làm phức tạp thêm nỗ lực "xây đê" của ông Macron.

Chẳng hạn, để tái đắc cử lần này, ông sẽ phải thuyết phục cử tri ở những nơi như Trappes - thành phố có đông người Hồi giáo ở phía tây nam Paris - tham gia chống lại bà Le Pen.

Là thành trì lâu năm của những người ủng hộ ông Mélenchon, Trappes ủng hộ mạnh mẽ ông Macron trong cuộc đua năm 2017. Nhưng ý kiến của họ giờ đã khác.

Frédéric Renan - 47 tuổi, lập trình viên máy tính - cho biết ông sẽ bỏ phiếu trống trong cuộc đọ sức giữa ông Macron và bà Le Pen.

“Ông Macron đã mở ra cánh cửa cho tư tưởng cực hữu”, ông Renan nói, nhấn mạnh chính sách kinh tế của tổng thống làm tổn thương người nghèo.

“Tôi không thấy việc bỏ phiếu cho ông Macron sẽ giúp chống lại phe cựu hữu ra sao", ông nói. "Một số người sẽ nói rằng việc không tham gia dựng 'đê' là vô trách nhiệm, rằng mối đe dọa từ tư tưởng cực hữu còn lớn hơn những gì ông Macron đề xuất, nhưng tôi không thấy tính thuyết phục ở đây”.

Phương Linh

Theo: New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-macron-xay-dap-ngan-can-nguoi-phu-nu-khien-ca-eu-va-nato-lo-ngai-post1309096.html