'Ông lớn' đầu mối xăng dầu có được ưu ái, hưởng đặc quyền?

Nhiều thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu phản ánh một số điều kiện trong Nghị định kinh doanh xăng dầu siết chặt đối với họ, song lại cho các đầu mối lớn hưởng đặc quyền. Điều này khiến nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, gia đình có truyền thống bán xăng dầu 2-3 đời có nguy cơ mất cả sản nghiệp vì chưa bao giờ kinh doanh khó như vậy.

Dự thảo Nghị định Kinh doanh xăng dầu tiếp tục là chủ đề mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đang rất quan tâm. Tại Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định, vấn đề công bằng đã được nhiều DN đề cập.

Bán xăng 2-3 đời nhưng đây là giai đoạn khó khăn nhất

Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Công ty CP thương mại Dầu khí Đồng Nai, phản ánh dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang dành quá nhiều ưu ái cho DN đầu mối như được nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước và bán cho các đại lý bán lẻ; còn thương nhân phân phối chỉ được mua của các đầu mối trong nước và bán cho cửa hàng trong hệ thống của mình, không được mua chéo của nhau.

Nhiều thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu phản ánh một số điều kiện trong Nghị định kinh doanh xăng dầu siết chặt đối với họ, song lại cho các đầu mối lớn hưởng đặc quyền.

Nhiều thương nhân phân phối, bán lẻ xăng dầu phản ánh một số điều kiện trong Nghị định kinh doanh xăng dầu siết chặt đối với họ, song lại cho các đầu mối lớn hưởng đặc quyền.

“Ở khu vực Nam Bộ, nhiều DN xăng dầu đóng cửa, chết hàng loạt”, ông Phụng phản ánh. Theo ông, tinh thần và nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định đi ngược và vi phạm các nguyên tắc cơ bản và nhiều quy định của Luật Cạnh tranh.

Ông nói: "Chúng tôi thấy rằng trong bối cảnh thực tế hiện nay, các DN kinh doanh xăng dầu đang không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường, đặc biệt trong tương quan giữa thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ, giữa DN lớn, siêu lớn thống lĩnh thị trường và DN vừa và nhỏ".

Chẳng hạn, có tập đoàn DN chiếm tới 51% thị phần và cùng với 6/32 DN lớn khác chiếm tới 88% thị phần. Tuy nhiên, từ quan điểm chính sách và pháp luật, Dự thảo Nghị định lại quy định theo hướng bất lợi và triệt tiêu khả năng cạnh tranh công bằng và bình đẳng của các DN nhỏ hơn là thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ.

Ví dụ, bắt buộc các thương nhân này phải có và/hoặc thuộc một hệ thống phân phối nhất định do một thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối làm chủ, hay đối với thương nhân phân phối “chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu”.

Với dự thảo Nghị định mới, ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn (Saigon Petroleum), bày tỏ ông cảm giác dự thảo này chưa mới vì cơ bản vẫn là quy định cũ của Nghị 83, 95 trước đây, có chăng chỉ bổ sung thêm một số quy định về quỹ bình ổn giá, hạn chế quyền kinh doanh của thương nhân phân phối, bán lẻ. Trong khi, dự thảo tập trung các quyền cho thương nhân đầu mối cả đầu vào và đầu ra.

Theo ông Hán, 2 năm nay, người bán xăng dầu như đang bị nằm trên “giường bệnh” - rất khó khăn. Nghị định 83 kêu gọi DN đầu tư, bỏ vốn ra. Nhiều người mang tài sản của mình, của người thân kinh doanh, nếu thị trường như hiện nay, khó khăn kéo dài. DN bán lẻ sẽ mất hết sản nghiệp chứ không chỉ mất tài sản.

Trong khi các DN đầu mối xăng dầu lớn vẫn phát triển mạnh, nhiều cửa hàng xăng dầu nhỏ có nguy cơ đóng cửa. Như hệ thống của ông từ đầu năm đến nay đã giảm 3 cửa hàng, không phải chuyển làm đại lý của thương nhân khác mà là đóng cửa.

"Một số người coi xăng dầu như nghề truyền thống, có gia đình 3 đời kinh doanh xăng dầu, như tôi cũng là 2 đời. Nhưng tôi thấy chưa bao giờ kinh doanh xăng dầu khổ vậy, khi bất ổn chính trị thế giới nguồn cung chỉ biến động 1 tuần, tuy nhiên giờ nguồn cung không biến động nhưng giá, cơ chế khiến DN suy yếu, xót xa vô cùng”, ông Hán nói

Cùng tình cảnh, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho biết kết quả kinh doanh giai đoạn 2023 – 2024 của DN này rất bi đát, chưa bao giờ khó khăn vậy. Dự thảo Nghị định chỉ cho phép, các thương nhân phân phối được mua đầu mối, không được mua bán của nhau, như vậy là hạn chế thị trường, vi phạm Luật thương mại, Luật Cạnh tranh…

Ông Dũng cho rằng như vậy là phân biệt đối xử DN, tại sao các thương nhân đầu mối được quyền nhập khẩu, mua bán với 2 nhà máy lọc dầu, trong khi thương nhân phân phối không được mua chéo với nhau, như vậy không thể cạnh tranh.

“Tôi còn nhớ năm 2023 khi không có hàng, tôi gọi điện thoại các kiểu nhưng thương nhân đầu mối nói là không có hàng để bán”, ông Dũng nói. Theo vị đại diện DN này, dự thảo Nghị định viết ra đang có lợi cho DN đầu mối, trong đó Petrolimex và PVOIL nắm giữ thị phần trên 50%.

Đề xuất dừng xây dựng Nghị định?

Những DN đầu mối có lợi thế hơn so với 300 thương nhân phân phối và 900 - 10.000 DN bán lẻ xăng dầu còn lại. “DN quá khổ, bức xúc, nên chăng không làm nghị định để chỉnh sửa mà cần có một Luật xăng dầu do Quốc hội ban hành để quản lý thị trường và DN tuân thủ theo luật”, ông Dũng đề nghị.

Phản hồi lý do hạn chế quyền mua hàng của nhà phân phối, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết mỗi một nhóm DN có điều kiện khác nhau, như đá bóng giải Ngoại hạng cũng có điều kiện nhất định, vì vậy trong phân phối, kinh doanh xăng dầu nếu thấy công đoạn nào phù hợp thì các thương nhân lựa chọn.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự, an ninh xăng dầu của một quốc gia được đảm bảo bằng chuỗi cung ứng, vì vậy Nhà nước cần can thiệp đảm bảo nguồn cung, chứ không phải can thiệp về giá như Việt Nam. Hiện, nhiều điều kiện kinh doanh xăng dầu là trói DN, trái Luật Đầu tư, Luật DN trên tinh thần tự do, tự chủ kinh doanh.

Theo đó, ông Lập kiến nghị xây dựng mô hình vận hành mới cải cách đột phá thị trường xăng dầu, học cách mà ngành viễn thông đã làm được. Đặc biệt, nếu cần xem xét một cách tiếp cận hoàn toàn khác, coi kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực đặc biệt nên tạm dừng soạn thảo nghị định, đề xuất Quốc hội xây dựng luật thay cho Nghị định.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc xây dựng Nghị định cần làm một cách thận trọng, tránh chắp vá. Mục tiêu của chính sách kinh doanh xăng dầu là đủ nguồn cung - tránh tình trạng xếp hàng mua xăng dầu. Thêm vào đó, giá xăng dầu không bàn đắt hay rẻ, cao hay thấp mà giá hợp lý.

Với kinh nghiệm của mình, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, đồng ý xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng mong ban soạn thảo soạn xem xét lại từng điều kiện, tránh tình trạng làm khổ DN.

Ông góp ý cơ chế giá đang tính ngược từ khâu bán lẻ lên trên, do đó các DN bán lẻ chịu ảnh hưởng đầu tiên, rồi tới phân phối và cuối cùng là đầu mối xăng dầu.

"Kinh doanh không thể tư duy ngược, giá phải đi với hàng", ông nói. Theo đó, cơ quan quản lý có thể làm theo cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước với tỷ giá, tức cơ quan này đưa ra tỷ giá tham chiếu và biên độ giao dịch, từ đó các ngân hàng niêm yết giá bán ngoại tệ trong hệ thống.

Trong khi đó, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng cần đẩy dần kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Thị trường nên để DN quyết định giá, giá mấp mô thì người tiêu dùng càng có quyền lựa chọn.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ong-lon-dau-moi-xang-dau-co-duoc-uu-ai-huong-dac-quyen-1099765.html