Ông Hoàng Nam Tiến: 'Doanh nhân hôm nay chắc chắn phải là trí thức'

Phó chủ tịch Hội đồng trường - Đại học FPT nhận xét việc đọc, tự học rất quan trọng đối với mỗi cá nhân, dù là thế hệ trẻ hay tầng lớp doanh nhân.

Ông Hoàng Nam Tiến hiện là phó chủ tịch Hội đồng trường - Đại học FPT.

Bên cạnh sự nghiệp kinh doanh, giáo dục thành công, ông Hoàng Nam Tiến còn nổi tiếng là người ham đọc, thích viết, có nhiều câu nói truyền cảm hứng trong giới trẻ. Nhân dịp đầu năm mới, ông trò chuyện với Tri thức - Znews về tự đọc, tự học và văn hóa đọc trong doanh nghiệp, xã hội.

"Một trí thức là một người đọc sách"

- Ông từng chia sẻ có sở thích đọc sách từ nhỏ. Làm thế nào để ông nuôi dưỡng, dành thời gian cho sở thích này khi trưởng thành, nhất là khi bận rộn với công việc như hiện nay?

- Tình yêu đọc sách của tôi xuất phát từ truyền thống gia đình. Hồi bé tí, tôi đã thấy ông nội thường xuyên đọc sách. Sau đó là ba tôi, lúc nào rảnh rỗi cũng đọc sách và viết tài liệu. Đến khi bắt đầu biết đọc, chắc trong khoảng 6 tháng, tôi đọc hết những cuốn sách thiếu nhi quanh mình, sau đó là những cuốn sách có chữ. Thói quen đó cứ thế tiếp nối mãi về sau này.

Tôi phát hiện nhờ đọc nhiều, tôi thấy tiếng nói của mình được người ta lắng nghe hơn. Đọc nhiều thì vốn từ của mình cũng tăng lên, diễn đạt các ý tứ tốt hơn, biết cách nhấn mạnh những gì trọng tâm, tránh dông dài. Cũng vì đọc nhiều, tôi có thói quen khá hay là có thể nói lại cả một quyển sách dày trong 1-2 phút.

Tôi học về Công nghệ thông tin Đại học Bách Khoa, đến khi làm về kinh doanh thì thiếu hụt rất nhiều, mà để bù đắp thì chỉ có học thôi. Hồi đó chưa có Internet, các chương trình giáo dục online, chỉ có đọc sách và khả năng đọc sẽ giúp mình vượt trội so với người khác. Tôi nhớ những năm 1990-2000, nhờ khả năng đọc sách, những cuốn rất giá trị trên thế giới ngày đó về chiến lược, nghệ thuật bán hàng, marketing, tổ chức, ứng dụng công nghệ thông tin mà chúng tôi có những hiểu biết vượt trội so với nhiều công ty và doanh nhân ở Việt Nam.

- Vậy theo ông, đọc sách sẽ có vai trò như thế nào trong việc hình thành nên tầng lớp doanh nhân mới?

Những năm 1990-2000, nhờ khả năng đọc nhiều sách, chúng tôi có những hiểu biết vượt trội so với nhiều công ty, doanh nhân ở Việt Nam

Ông Hoàng Nam Tiến

- Vào bất kỳ thời gian nào, một người trí thức là phải đọc sách. Trước hết là phải đọc nhiều, hai là phải đọc sâu, ba là phải đọc rộng. Từ việc đọc sẽ chuyển được những thông tin từ cuốn sách trở thành kiến thức, ứng dụng được vào trong công việc, cuộc sống, xã hội.

Từ việc ứng dụng trong thực tiễn, từ những kiến thức đó, chúng ta có thể đúc kết được, đạt lên đến mức có thể chia sẻ được, đi dạy được, hướng dẫn được hoặc thậm chí viết những cuốn sách mới, lúc đó người ta mới gọi là trí thức. Một người trí thức phải biết biến những dữ liệu trong cuộc sống thành thông tin có giá trị, biết biến thông tin thành ứng dụng trong công việc, trong cuộc sống, trong xã hội để trở thành kiến thức và biết nâng tầm kiến thức lên để trở thành tri thức.

 Ông Hoàng Nam Tiến hiện là Phó chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học FPT.

Ông Hoàng Nam Tiến hiện là Phó chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học FPT.

Chúng ta đều thấy là trên đời không có ai hoàn hảo cả, không có ai tự nhiên giỏi mọi thứ, biết tất cả mọi thứ. Để làm được điều đó thì phải học. Học đầu tiên là đọc sách, vì vậy việc đọc là việc làm đầu tiên, cơ bản để có học. Chúng ta nói rằng thực học và lao động là nền tảng của mọi thành công, thế thì để có thực học đầu tiên là phải biết đọc sách, đưa những thông tin kiến thức trong sách vào trong cuộc sống, xã hội để biến thành kiến thức.

Thế hệ doanh nhân mới có thể ứng dụng việc đọc sách vào phát triển bản thân, vào hỗ trợ việc kinh doanh như thế nào?

Thế giới này đang thay đổi quá nhanh, bất cứ ai nếu bằng lòng với những kiến thức cũ kỹ, không liên tục cập nhật, không liên tục đọc sách thì sẽ đánh mất cơ hội phát triển của mình. Với doanh nhân, lãnh đạo và những ai đang phấn đấu trên con đường này, tôi tin việc đọc càng quan trọng trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, quản trị tổ chức và đóng góp cho xã hội.

Mọi việc đều cần tri thức, trí tuệ, sự nhanh nhạy và trực giác lãnh đạo. Chúng ta tìm được rất nhiều tri thức trong các cuốn sách, tác phẩm kinh điển.

Tất nhiên việc đọc bây giờ khác ngày xưa, ta có thể đọc trên Internet, có thể dùng ChatGPT tóm tắt các cuốn sách, thậm chí không cần đọc mà nghe sách nói cũng được, vừa chạy bộ, tập gym có thể nghe sách, biến đó thành thời gian hữu ích. Tôi không nặng việc phải đọc sách bằng cách nào, nhưng quan trọng là phải kết nối tri thức trong sách với kinh nghiệm bản thân và bài toán kinh doanh, lãnh đạo, quản trị mà mỗi doanh nhân phải đối mặt.

Doanh nhân ngày hôm nay chắc chắn phải là một người trí thức. Không nhất thiết cứ phải học qua trường lớp mới giỏi được, chúng ta có thể tự học. Tự học sẽ đảm bảo cho người doanh nhân thực sự trở thành một người trí thức.

Nhờ ChatGPT để đọc sách hiệu quả hơn

- Trong quãng thời gian ông giữ vị trí lãnh đạo tại FPT Telecom, doanh nghiệp có những chương trình hoặc chính sách cụ thể nào để khuyến khích nhân viên đọc sách và thúc đẩy văn hóa đọc trong tổ chức không?

- FPT rất chủ động xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ đầu. Một trong những đặc trưng văn hóa doanh nghiệp quan trọng nhất của FPT là: chúng tôi là một tổ chức học tập. Chúng tôi có một câu nói mà tôi rất thích rằng "Company is campus" (công ty là trường học).

Từ những người ở vị trí bình thường nhất đến anh Trương Gia Bình - chủ tịch tập đoàn - đều cho rằng việc tự học và đọc sách là điều bắt buộc đối với mọi thành viên của FPT. Bản thân anh Bình (ông Trương Gia Bình - PV) cũng làm gương về việc đó, anh luôn đọc những cuốn sách mới nhất, hay nhất sau đó chia sẻ, giới thiệu cho mọi người.

Cá nhân tôi, ngoài chỉ đọc, khi hoàn thành cuốn sách nào đó, tôi luôn viết tóm tắt lại trong vòng 10-15 trang, chỉ ra những cái hay của nó có thể áp dụng trong công việc để chia sẻ với đồng nghiệp.

Chúng tôi cũng luôn yêu cầu tất cả lãnh đạo phải đọc những cuốn sách và có trách nhiệm giống tôi, tóm tắt lại và phổ biến chia sẻ cho mọi người. Thậm chí rất nhiều lãnh đạo trong chúng tôi đọc được các cuốn sách tâm đắc đã mang đi dạy, chia sẻ với mọi người.

- Ông có gợi ý nào dành cho các doanh nhân để có phương pháp, tận dụng thời gian đọc sách hiệu quả?

- Nhiều bạn làm doanh nghiệp hay nói với tôi rằng bận quá, khó kiếm thời gian để đọc sách. Tôi hay có mấy cách này để chia sẻ:

Thứ nhất, chúng ta có trí tuệ nhân tạo, cụ thể là ChatGPT. Một cuốn sách chúng ta quan tâm nhưng thực sự không có thời gian đọc, hãy gõ dòng chữ "Hãy tóm tắt cho tôi 1.500 chữ về cuốn sách ABCD". Trong vòng 15 giây, bạn sẽ nhận được. Lúc đó có thể yêu cầu sâu hơn "Hãy nói rõ hơn cho tôi về chương số 3 và những cuốn sách liên quan", ngay lập tức nó sẽ trình bày chi tiết. Có lẽ là chỉ nhờ trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT giúp chúng ta được điều này.

 Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng có nhiều cách để hỗ trợ việc đọc sách hiệu quả.

Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng có nhiều cách để hỗ trợ việc đọc sách hiệu quả.

Cách hai là từ những người đồng nghiệp, như tôi, tôi hay đọc sách, thấy cuốn nào hay tôi sẽ viết tóm tắt lại. Tôi có thể hơn ChatGPT ở chỗ là bằng trải nghiệm của mình, tôi chia sẻ với đồng nghiệp và cộng đồng rằng cuốn sách này tôi sẽ áp dụng trong công việc như thế nào.

Thứ ba là dùng sách nói. Khi ở trên máy bay, ôtô, đang chạy bộ, tập gym, chúng ta có thể nghe sách nói. Điều này giúp chúng ta ít nhất mỗi tuần sẽ có một cuốn sách. Hay thậm chí cuối tuần rảnh rỗi, trong vòng 2 tiếng, nhờ ChatGPT, các bạn có thể đọc được ít nhất là 10 cuốn sách, điều mà có khi cả đời các bạn không làm được.

- Nhiều người nói giới trẻ hiện nay bỏ bê việc đọc sách và bị cuốn theo mạng xã hội nhiều hơn, ông nhận định ra sao về vấn đề này?

- Thứ nhất, mặc dù có rất nhiều điều tốt đẹp trong văn hóa Việt Nam nhưng một trong những điều tệ đó là chúng ta không có văn hóa đọc. Trước đây theo tôi biết, lượng sách trên đầu người Việt Nam khoảng 1 cuốn, bây giờ khá hơn rồi, 6 cuốn, như vậy có thể nói các lớp thế hệ hiện nay đọc nhiều đó chứ.

Về mạng xã hội, thực sự chúng ta phải thay đổi. Tất cả nghiên cứu gần đây nhất cho thấy các mạng xã hội như TikTok, Facebook đã trở nên rất thông minh, nhiều khi đón được mong muốn của chúng ta. Chúng ta ngày càng lười biếng, chúng ta đã thu cả thế giới về cái màn hình, chúng ta biết rất nhiều nhưng không biết sâu điều gì cả và phải thay đổi thôi, không có trí tuệ nhân tạo nào có thể giúp chúng ta điều này.

Làm thế nào để thay đổi?

 Bức tượng Self-made man tại Đại học FPT.

Bức tượng Self-made man tại Đại học FPT.

Thầy Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, có chọn hình tượng gọi là "Self-made man" (mô tả những cá nhân thành công nhờ vào sự kiên trì và cố gắng của chính bản thân), hình tượng của một người đàn ông mỗi ngày dùng búa tự đục đẽo bản thân, để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình qua mỗi ngày.

Chúng ta không có ai hoàn hảo cả, cuộc sống cũng không có điều gì là hoàn hảo nhưng ta luôn có thể trở thành những phiên bản tốt hơn. Việc tự học (self-learning), tự huấn luyện (self-coaching) phải là Lifelong learning (học tập suốt đời), sẽ làm cho chúng ta luôn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình và đảm bảo cho chúng ta không trở thành những người lỗi thời và lạc hậu.

Trong rất nhiều “cái búa” bạn dùng để “đục đẽo” bản thân, tôi tin rằng đọc sách luôn là một trong những lựa chọn tối ưu, hiệu quả và bền vững nhất.

Ánh Hoàng

Ảnh: Việt Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-hoang-nam-tien-doanh-nhan-hom-nay-chac-chan-phai-la-tri-thuc-post1456713.html