Ông Đỗ Quang Hiển kể lại thương vụ sáp nhập Habubank sau hơn 10 năm

Ông Đỗ Quang Hiển cho biết SHB là một trong những ngân hàng đầu tiên nhận sáp nhập một ngân hàng khác năm 2012 và đến nay cơ bản đã tái cấu trúc thành công.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết sau 30 năm, đã đến lúc ngân hàng phải chuyển đổi toàn diện. Ảnh: SHB.

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra chiều 25/4, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, đã có những chia sẻ liên quan chiến lược kinh doanh của ngân hàng này trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh SHB đang đặt mục tiêu chuyển đổi toàn diện sau hơn 30 năm phát triển.

Cụ thể, ông Hiển cho biết trong bối cảnh thị trường hiện nay, HĐQT đã đặt ra chiến lược phát triển rõ ràng cho ngân hàng, trọng tâm trong đó là công tác chuyển đổi toàn diện.

Chuyển đổi toàn diện sau hơn 30 năm

Để hiện thực hóa điều này, ngân hàng đã thành lập khối chuyển đổi với các thành viên là lãnh đạo của các ngân hàng quốc tế lớn. “Các nhân sự này đã nhận lời về SHB, trực tiếp điều hành khối chuyển đổi và chuyển đổi toàn diện, toàn bộ ngân hàng. Sau 30 năm, SHB phải chuyển đổi”, ông Hiển nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo cho biết trong hơn 30 năm phát triển, SHB đã có những thành tích đáng tự hào, đặc biệt là trong hơn 10 năm trở lại đây khi đã tham gia nhận sáp nhập Habubank và tái cơ cấu thành công.

“SHB là một trong những ngân hàng đầu tiên nhận sáp nhập tái cấu trúc một ngân hàng khác vào năm 2012 và đã thành công”, ông Hiển nói và cho biết ở thời điểm nhận sáp nhập, Habubank cũng là một trong những ngân hàng lâu đời. Sau khi nhận sáp nhập, SHB đã phải tập trung nhiều nguồn lực để xử lý nợ xấu, đến nay cơ bản đã tái cấu trúc thành công.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, Chủ tịch SHB cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng thu từ dịch vụ và khách hàng cá nhân, đẩy mạnh tài trợ các chuỗi cung ứng, sản xuất, cùng các hệ sinh thái doanh nghiệp... Đồng thời, đưa những công nghệ chuyển đổi số mới để cạnh tranh, tạo sự khác biệt.

Năm nay, ban lãnh đạo SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22%; tổng tài sản đạt 701.000 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt 40.658 tỷ đồng, tăng gần 12%; và kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Trước hoài nghi của cổ đông về tham vọng lợi nhuận kỷ lục này, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết kế hoạch kể trên được đặt ra dựa trên tình hình kinh doanh thực tế của ngân hàng cũng như tiềm năng thị trường năm nay.

Theo nữ CEO, năm 2024, SHB dự kiến đa dạng hóa sản phẩm, tăng mạnh số lượng khách hàng và các sản phẩm số, đồng thời có các gói sản phẩm theo từng phân khúc khách hàng, từ đó có thể tăng nguồn thu cho ngân hàng.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đặt mục tiêu giảm chi phí vốn đầu vào thông qua cơ cấu lại nguồn vốn, kỳ hạn tiền gửi, tăng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn), từ đó cân đối lãi suất đầu vào hiệu quả.

Ngoài ra, bà Hà cho biết SHB cũng đặt mục tiêu gia tăng thu nhập phi tín dụng như dịch vụ, ngoại hối. Riêng thu nhập từ hoạt động ngoại hối năm 2023 của SHB đã tăng 143%, là tiền đề để phát triển cho năm 2024.

SHB cũng sẽ tập trung vào công tác xử lý và thu hồi nợ xấu. Dự kiến, việc thu hồi được các khoản nợ xấu trong năm nay cũng sẽ đóng góp vào kết quả lợi nhuận chung cả năm.

Về tình hình kinh doanh thực tế, Tổng giám đốc SHB cho biết lợi nhuận trước thuế quý I đã đạt 4.017 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 36% kế hoạch cả năm.

Sau SHB Finance, SHB Lào, sẽ chuyển nhượng vốn SHB Campuchia

Chia sẻ về các động lực tăng trưởng cho ngân hàng, ông Đỗ Quang Hiển cho biết SHB hiện còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết cả về tệp khách hàng, công nghệ cho đến xử lý nợ xấu.

Năm nay, ban lãnh đạo đã có chiến lược kinh doanh rõ ràng và đã triển khai ngay từ đầu năm. “Mong cổ đông tiếp tục đồng hành và có thể yên tâm về kết quả kinh doanh năm nay”, ông Hiển nhấn mạnh.

Cũng tại phiên họp, ông Hiển đã có thông tin cập nhật với cổ đông về các thương vụ thoái vốn của SHB tại nhóm công ty thành viên.

Trong đó, tại giao dịch bán 100% vốn công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance, ông Hiển cho biết giữa năm ngoái, ngân hàng đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn công ty này cho đối tác Thái Lan. Theo hợp đồng 2 bên ký kết, 50% vốn còn lại sẽ được chuyển giao trong 2 năm tiếp theo, tức năm 2025.

Trong thương vụ này, ông Hiển cho biết SHB đã đạt được thỏa thuận với mức giá cao top đầu trong các thương vụ bán vốn công ty tài chính cho nước ngoài.

Về thương vụ thoái vốn SHB Lào, vị chủ tịch cho biết ngân hàng đã ký thỏa thuận cơ bản với đối tác về chuyển nhượng toàn bộ vốn. Trong đó, khi tiến hành đàm phán, ngân hàng luôn đặt lợi ích của SHB và cổ đông lên hàng đầu và luôn tự hào vì “có deal chuyển nhượng với giá trị cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường”.

Theo ông Hiển, sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng vốn tại công ty tài chính tiêu dùng và SHB Lào, ngân hàng sẽ chuyển nhượng tiếp vốn tại SHB Campuchia và phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tại SHB Việt Nam.

“Thực tế, đã có nhiều đối tác đến đặt vấn đề làm cổ đông chiến lược của SHB nhưng khi đàm phán, chúng tôi luôn đặt lợi ích cổ đông lên hàng đầu. Vì vậy, thỏa thuận 2 bên luôn phải đảm bảo lợi ích cho ngân hàng trong cả ngắn và dài hạn”, ông Hiển nói và cho biết vì là lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài nên việc đầu tư cần đi kèm cam kết gắn bó lâu dài và mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-do-quang-hien-ke-lai-thuong-vu-sap-nhap-habubank-sau-hon-10-nam-post1472405.html