Ông Biden ký luật yêu cầu TikTok thoái vốn ở Mỹ, chuyện gì tiếp theo?

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký thành luật điều khoản buộc ByteDance (công ty mẹ của TikTok) phải thoái vốn khỏi Mỹ - động thái được cho là sẽ mở đường cho các căng thẳng giữa chính quyền Mỹ với công ty công nghệ Trung Quốc.

Chuyên gia dự đoán sắp có trận chiến pháp lý giữa chính quyền Mỹ và ứng dụng TikTok sau khi Mỹ thông qua luật hướng tới việc cấm ứng dụng này tại Mỹ.

Chuyện gì xảy ra với TikTok?

Ngày 24-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD thành luật, trong đó bao gồm điều khoản buộc chủ sở hữu Trung Quốc của mạng xã hội TikTok là công ty ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.

Điều khoản về TikTok cùng với điều khoản sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để viện trợ cho Ukraine được xem là các điều khoản đi kèm để dự luật viện trợ dễ được các đảng viên Cộng hòa bảo thủ chấp thuận, theo tờ The New York Times.

Theo lập luận của các nhà lập pháp Mỹ (bên đã soạn thảo dự luật), TikTok gây ra những lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ vì cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập dữ liệu của người dùng Mỹ - một cáo buộc mà TikTok nhiều lần bác bỏ.

Dự luật cho ByteDance thời gian 270 ngày để thoái vốn khỏi TikTok, nếu không TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ. Như vậy, hạn chót cho ByteDance là đến ngày 19-1-2025 (có thể gia hạn thêm 3 tháng nếu ByteDance cho thấy công ty đang đạt tiến bộ trong việc thoái vốn).

Logo của mạng xã hội TikTok. Ảnh: AFP

Phản ứng của TikTok

Ngay sau khi Tổng thống Biden thông qua dự luật, phía TikTok cho biết sẽ theo đuổi vụ kiện chống lại luật này.

“Hãy yên tâm - chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Sự thật và Hiến pháp đứng về phía chúng tôi và chúng tôi hy vọng sẽ thắng thế một lần nữa” - ông Châu Thụ Tư, Giám đốc điều hành TikTok cho biết trong một video đăng trên nền tảng này.

Bình luận về các diễn biến sắp tới, ông Jeff Kosseff - PGS luật an ninh mạng tại Học viện Hải quân Mỹ cho rằng chắc chắn sẽ có các vụ kiện tụng trong thời gian tới vì TikTok đã từng thắng trong trận chiến pháp lý tương tự vào năm 2020 dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Kosseff cho rằng TikTok sẽ tiếp tục sử dụng Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận như một lập luận chính trước tòa.

Tuần trước, phó chủ tịch chính sách công của TikTok - ông Michael Beckerman khẳng định công ty này sẽ theo đuổi cuộc chiến pháp lý.

“Rất may, ở Mỹ có Hiến pháp và các quyền của người dân trong Tu chính án thứ nhất là rất quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh vì tất cả người dùng trên TikTok” - ông Beckerman nói.

Các chuyên gia pháp lý nói với The New York Times rằng để chiến thắng TikTok, chính phủ Mỹ có thể cần phải đưa ra bằng chứng mạnh mẽ rằng việc ByteDance sở hữu TikTok sẽ gây lo ngại về an ninh quốc gia và việc hạn chế quyền tự do ngôn luận là cần thiết.

Theo các chuyên gia, trận chiến pháp lý này có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm.

Phức tạp trong việc thoái vốn

Các nhà phân tích ước tính giá của TikTok tại Mỹ có thể lên tới hàng chục tỉ USD.

Bản thân ByteDance là một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới, ước tính khoảng 225 tỉ USD, theo CB Insights, một công ty chuyên theo dõi đầu tư mạo hiểm.

Mức giá quá cao như vậy sẽ hạn chế danh sách những người có thể mua TikTok bởi vì những gã khổng lồ công nghệ như Meta (Facebook) hay Google có thể sẽ bị chặn mua vì lo ngại chống độc quyền.

Một gợi ý cho việc bán TikTok là các công ty cổ phần tư nhân hoặc các nhà đầu tư khác có thể thành lập một nhóm để huy động đủ tiền mua mạng xã hội này.

Tuy nhiên, ngay cả khi có bên mua TikTok, quá trình tách TikTok khỏi ByteDance cũng có thể sẽ rất lộn xộn.

Theo The New York Times, luật pháp nghiêm cấm mọi mối liên hệ giữa ByteDance và TikTok sau khi hoàn thành thương vụ chuyển nhượng. Tuy nhiên, công ty ByteDance là công ty toàn cầu nên rất khó để tách phần ở Mỹ ra khỏi phần còn lại vì mạng lưới nhân viên, công nghệ có liên hệ chặt chẽ với nhau.

Phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc

Có khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ cố gắng chặn việc ByteDance bán TikTok.

Trung Quốc có thể ban hành các hạn chế xuất khẩu để thuật toán của TikTok không bị bán cho nước ngoài nếu TikTok Mỹ không còn thuộc ByteDance.

Hồi tháng 3, sau khi Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật tương tự, các quan chức Trung Quốc đã chỉ trích dữ dội động thái của Hạ viện.

Hồi năm 2023, Bộ thương mại Trung Quốc cho biết sẽ “kiên quyết phản đối” việc ByteDance bán TikTok.

Trung Quốc cũng có thể nhắm vào các công ty Mỹ để đáp trả việc này.

Hôm 19-4, Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã yêu cầu công ty Apple xóa 2 mạng xã hội WhatsApp và Threads, cùng thuộc sở hữu của Meta, khỏi cửa hàng ứng dụng App Store ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc viện lý do an ninh quốc gia cho yêu cầu này.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-biden-ky-luat-yeu-cau-tiktok-thoai-von-o-my-chuyen-gi-tiep-theo-post787439.html