Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Cùng với việc UBND tỉnh Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Ia Pa, dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân.

Niềm vui sau gần 20 năm thấp thỏm

Do biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Ia Pa xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Theo thống kê, Ia Pa có đến 19 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 16 km, hàng năm sạt lở khoảng 23.600 m2 đất sản xuất và nhiều diện tích đất ở của người dân. Đặc biệt, tại các khu vực: Trạm bơm Chư Răng 2 (xã Chư Răng), thôn Quý Đức (xã Ia Trốk), cầu Ia Kdăm (xã Ia Mrơn), dòng chảy đã ép sát bờ sông, suối gây sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa lũ và có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Huỳnh Văn Trường (thứ 2 từ trái sang) trao đổi với các hộ dân về phương án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba trong thời gian tới. Ảnh: M.P

Không chỉ đe dọa đến đất ở, đất sản xuất, gây thiệt hại về tài sản của người dân, tình trạng sạt lở còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình hạ tầng như: đường dây điện, đường giao thông. Bà Đặng Thị Ánh (thôn Quý Đức, xã Ia Trốk) cho biết: “Tình trạng sạt lở ở khu vực này diễn ra gần 20 năm qua khiến người dân lúc nào cũng thấp thỏm. Vào mùa mưa lũ, dòng chảy lớn gây sạt lở dọc bờ sông khiến diện tích đất ở, đất sản xuất của bà con dần bị thu hẹp. Thậm chí, nhiều vị trí sạt lở lấn sát vào nhà dân, nhiều hộ không dám ở phải di dời đi nơi khác. Chính vì vậy, khi có thông tin Nhà nước triển khai dự án xây kè chống sạt lở bờ sông, chúng tôi rất phấn khởi”.

Còn ông Huỳnh Văn Thanh (thôn Đăk Chă, xã Ia Mrơn) cho hay: “Bà con đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri nhưng chưa được xử lý. Nay tỉnh khảo sát triển khai các phương án cấp bách để ngăn chặn sạt lở ở các khu vực sông, chúng tôi thấy yên tâm hơn. Người dân rất mong dự án sớm triển khai”.

Trước tình trạng sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của người dân, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, sạt lở bờ sông, suối tại các khu vực: Trạm bơm điện Chư Răng 2, thôn Quý Đức, cầu Ia Kdăm (huyện Ia Pa) để có cơ sở triển khai các phương án cấp bách ngăn chặn sạt lở sông Ba về lâu dài. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để triển khai và có giải pháp kịp thời khắc phục triệt để tình trạng sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đặc biệt, sớm triển khai dự án xây dựng kè chống sạt lở; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tranh thủ các nguồn vốn kết hợp với nguồn vốn 150 tỷ đồng được Trung ương hỗ trợ để thực hiện.

Tình trạng sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Ia Pa diễn ra rất nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản, đất sản xuất của người dân. Ảnh: Minh Phương

Tiếp tục đề xuất dự án xây kè chống sạt lở

Cũng như huyện Ia Pa, từ nhiều năm nay, tình trạng sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn huyện Krông Pa diễn ra rất nghiêm trọng. Theo ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Thực hiện đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, suối trên địa bàn, năm 2022, huyện đã triển khai thi công công trình khắc phục sạt lở cầu treo Ya Hjú (xã Chư Rcăm) với kinh phí hơn 3,9 tỷ đồng. Đáng chú ý, huyện đã hoàn thành dự án sắp xếp lại dân cư vùng sạt lở buôn HLang. Sau đó, huyện đã tổ chức di dời 96/102 hộ dân của buôn HLang và thôn Sông Ba bị ảnh hưởng do sạt lở sông Ba đến khu tái định cư mới tại buôn Du.

Khu tái định cư tại buôn Du nằm gần quốc lộ 25, cách buôn H'Lang cũ hơn 1 km, có tổng diện tích gần 4,5 ha. Bình quân mỗi hộ được cấp hơn 400 m2 đất ở, đất vườn và 20 triệu đồng để di dời nhà ở. Ông Ksor Xiêm vui mừng nói: “Nơi ở mới có đường giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt đầy đủ. Bà con yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, thoát được nỗi ám ảnh về mưa lũ, sạt lở đất”.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa: Trên địa bàn huyện còn 13 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 22,7 km dọc theo sông Ba và các suối thuộc lưu vực của hệ thống sông này. Trong đó, khu vực từ buôn Pan đến buôn Puk (xã Ia Rsai) có chiều dài hơn 1,8 km và khu vực từ hạ lưu cầu Lệ Bắc đến thôn Quỳnh 3, cầu Đôi (xã Chư Rcăm) dài hơn 2,4 km đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm. “Để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đề nghị tỉnh tiếp tục xem xét bố trí nguồn kinh phí dự phòng xây dựng khẩn cấp các công trình kè chống sạt lở bờ sông Ba tại các vị trí nêu trên”-ông Châu kiến nghị.

Khu vực từ hạ lưu cầu Lệ Bắc đến thôn Quỳnh 3, cầu Đôi (xã Chư Rcăm) dài hơn 2,4 km đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Ảnh: Minh Phương

Theo ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai 8 dự án, công trình phòng-chống sạt lở bờ sông, suối và 7 dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai để giúp người dân ổn định cuộc sống. Đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, suối đến năm 2030 của tỉnh cũng đề ra một số giải pháp trong việc tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông, suối bị sạt lở, bố trí tái định cư theo các hình thức xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, suối.

“Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, hỗ trợ kinh phí triển khai các dự án kè chống sạt lở bờ sông, suối tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cấp bách cũng như bố trí dân cư vùng sạt lở về vùng tái định cư mới”-ông An thông tin thêm.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/on-dinh-doi-song-nguoi-dan-vung-sat-lo-post276010.html