Ðôi chân của Súa

Từ lúc Súa được bà đỡ mát tay nhất vùng đưa ra khỏi lòng mẹ, bà đỡ đã nhìn ra điều khác biệt của Súa với những đứa trẻ khác. Mẹ Súa sinh khó, cha nhất quyết đi mời bà đỡ. Chứ bình thường, người đàn bà bụng mang dạ chửa của họ Vàng nhà Súa phải lót ổ rơm cạnh hốc đá cao sau nhà, mẹ phải tự vượt cạn một mình chứ không có sự giúp đỡ của ai. Bố Súa là người đàn ông hiện đại, bố không chấp nhận điều ấy, bố bảo với mẹ 'cửa sinh cũng là cửa tử, không có ai giúp lúc người phụ nữ yếu đuối nhất thế là không coi trọng sinh mạng con người, thế là hủ tục. Ðã là hủ tục thì phải thay đổi, phải bỏ đi thôi'.

Súa lớn dần lên với dòng sữa mẹ đặc quánh nóng hổi, hai má hồng hào phúng phính, đôi mắt tròn đen lay láy, trong veo như nước suối rừng. Mọi chuyện đều ổn cho đến khi Súa tới tuổi tập đi, mẹ thấy Súa chỉ đặt đâu ngồi đấy chứ không tập bò tập đứng như những đứa trẻ khác. Dần dần đôi chân Súa cứ mềm oặt ra như cọng bún, không chịu đứng vững trên mặt đất như các anh chị. Mẹ Súa thì khóc, bố Súa sốt ruột bảo chờ thu xong vụ ngô này sẽ đem bé Súa đi xuống bệnh viện huyện để khám.

Ở bệnh viện huyện, bác sĩ lắc đầu bảo với bố mẹ Súa, đó là dị tật bẩm sinh, không thể chữa được. Mẹ Súa khóc không ngừng, bố Súa dường như vẫn chưa muốn tin lời bác sĩ nói. Bố đưa Súa lên bệnh viện tỉnh, đưa cả về trung ương khám, vẫn cùng một kết luận. Lẽ nào Súa phải chịu khuyết tật như vậy cả đời ư, tương lai của con sẽ thế nào đây Súa ơi. Nhìn đứa trẻ vô tư hồn nhiên cười xinh xẻo như muốn động viên bố mẹ, bố Súa đã không nén nổi mà chạy ra đầu nhà ôm mặt khóc.

Một ngày nọ, bố mang về hai miếng gỗ và mấy đoạn vầu xanh, bố hì hụi cả chiều ở sau nhà, tiếng cưa cứ xoèn xoẹt, tiếng búa đóng đinh “boong boong” làm Súa tò mò thích thú. Ðến gần tối, mồ hôi chưa kịp ráo, bố mang vào một chiếc ghế đẹp lắm, có dựa lưng, phía trước có một vách ngăn bằng gỗ thông thơm mát. Bố làm ghế cho Súa đấy, mắt bố sáng hơn ngôi sao treo trên đỉnh núi đêm qua, mắt Súa long lanh vui vẻ. Mẹ vừa nấu cơm ra, hơi cơm, hơi rau cải xào thịt treo gác bếp, mùi muối ớt tỏa ra thơm thơm... Sự ấm áp lan tỏa ra không khí quanh nhà, hòa quyện cùng khói bếp đuổi nhau tít lên xà nhà, luồn qua kẽ ngói bay tuốt lên trời cao. Phía xa xa, từng ngôi sao nhấp nháy như cũng đang cười vui.

Chiếc ghế được đặt trước cửa nhà, những lúc rảnh rỗi, mẹ ngồi khâu vá, đặt Súa ngồi bên cạnh. Những làn gió mát thổi qua lại, không gian thoáng đãng. Súa như bị hớp hồn vào những đường kim mũi chỉ của mẹ. Từ lúc có chiếc ghế, Súa đã có thể nghe tiếng chim hót từ bụi cây dâu ngoài vườn, nhìn ngắm những đám mây bay lãng đãng trên bầu trời trong xanh. Thoát khỏi chiếc giường với bốn bức vách gỗ màu cánh gián, với Súa đã là điều tuyệt vời lắm rồi.

Ðám trẻ con trong bản cũng thường xuyên đến nhà chơi cùng với Súa, trong số đó có Ka và Dề. Ka và Dề bằng tuổi với Súa nhưng đã biết đọc biết viết. Súa thường được hai bạn kể cho nghe những câu chuyện cổ tích trong sách. Súa nghe và nhớ rất kỹ. Súa thầm ước mong sẽ có một ông bụt nào đó ban cho Súa một đôi chân khỏe mạnh để Súa được đi học, đi chơi, được vui đùa thỏa thích như các bạn.

Ngồi bên mẹ mà Súa rơm rớm nước mắt, Súa tủi thân phận mình sinh ra không được lành lặn như bạn bè cùng trang lứa. Mẹ thấy thế gặng hỏi. Súa nói muốn được đi học nhưng chân Súa như thế này thì làm sao đi được. Súa khóc. Mẹ ôm Súa vào lòng, nước mắt mẹ cũng rơi xuống tóc xuống mặt Súa. Lòng mẹ cũng đang đau thắt lại vì thương con gái.

Bố Súa biết chuyện, bố lẳng lặng xuống trường gặp thầy Phong. Bố muốn thực hiện ước muốn của con gái mình. Thầy Phong rất xúc động trước sự hiếu học của Súa. Trái với sự lo lắng của bố, thầy hoan nghênh Súa đi học, thầy chỉ ái ngại về việc Súa sẽ đi học như thế nào. Bố nói với thầy, bố sẽ đưa Súa đi học, bố tình nguyện làm đôi chân đưa Súa đi tìm cái chữ.

Bố về nói với Súa, tin Súa sẽ được đến trường đi học như các bạn. Súa sung sướng muốn hét lên thật to, nhưng không hiểu sao Súa lại khóc, mẹ cũng khóc, mắt bố cũng rưng rưng.

Ngay ngày hôm sau, bố cõng Súa lên xe máy, mẹ ngồi phía sau, cả nhà cùng đi chợ mua quần áo đẹp, mua sách vở cho Súa, lòng Súa mong ngóng, hồi hộp.

Ðến chợ, bố mẹ đưa Súa đi ăn phở, đi ngắm quanh chợ, đến hàng đồ chơi, hàng quần áo, hàng tạp hóa. Súa được tự mình lựa chọn những món đồ Súa thích. Là bố cõng Súa đi với bờ vai vững chãi, là mẹ đeo lù cở đựng những vật dụng đã mua. Súa hạnh phúc nghĩ về ngày đầu tiên đi học.

Buổi sáng bố đưa Súa đi học, buổi trưa Súa ăn cơm ở trường cùng các bạn, buổi chiều Ka và Dề thay nhau cõng Súa về nhà. Cái chữ như phép màu kỳ diệu thổi vào đầu óc Súa, Súa đã tự mình đọc được, Súa còn biết làm toán nữa. Súa học rất nhanh, Súa được thầy Phong khen trước cả lớp.

Tin Súa được học bổng Vừ A Dính lan đi khắp bản. Người lớn, trẻ con, người già đến nhà chia vui với gia đình Súa, mọi người đều vui mừng, ngưỡng mộ trước sự cố gắng của Súa. Bố mẹ vui mừng ra mặt, tươi cười đón tiếp mọi người. Trong trái tim Súa, Súa luôn nhắc nhở mình rằng thành công của Súa đến từ tình yêu thương, sự giúp đỡ của bố mẹ, bạn bè. Những lời động viên, khích lệ mọi người dành cho Súa ngày hôm nay, Súa sẽ mang bên mình làm động lực để tiếp tục cố gắng hoàn thiện ước mơ bay cao bay xa của mình.

Truyện ngắn của Ðặng Thùy Tiên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/van-hoa/209990/%C3%B0oi-chan-cua-sua