OCOP làm thay đổi diện mạo nông thôn

Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện mang đến cho người tiêu dùng, mà câu chuyện đó xuất phát từ chính người nông dân, ngay vùng bản địa. Khi đó, họ sẽ thấy tự hào, tâm huyết đầu tư nâng cao chất lượng và bảo tín sản phẩm mình làm ra…

Câu chuyện xây dựng thương hiệu và sự tự hào về sản phẩm OCOP, sản phẩm của nông nghiệp - nông thôn đã và đang được ngành Nông nghiệp, các địa phương và mỗi người nông dân đặc biệt quan tâm đầu tư. Nó không đơn thuần là sản phẩm hàng hóa mà bao hàm cả yếu tố văn hóa, con người. Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn TS Nguyễn Trọng Tùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT xung quanh nội dung này.

Ðồng chí Nguyễn Trọng Tùng

Ðồng chí Nguyễn Trọng Tùng

* Thưa ông, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai từ năm 2020. Mặc dù sau đó 2 năm liên tiếp bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng toàn ngành, các địa phương và nông dân rất quyết tâm. Ðến nay, Chương trình OCOP đã đạt được kết quả gì?

- Sau 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã thật sự lan tỏa, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành và cộng đồng địa phương. Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các sở, ban ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ. Lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp và chủ thể sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được tập huấn, đào tạo các chuyên đề chuyên sâu do tỉnh và trung ương tổ chức.

Chương trình này đã cho ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng, uy tín, chinh phục được người tiêu dùng - sản phẩm mang tem bảo chứng OCOP! Ðến nay, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP của 112 chủ thể, gồm 10 sản phẩm đạt 4 sao, 239 sản phẩm đạt 3 sao.

Bên cạnh những thành công bước đầu, trong quá trình thực hiện, chương trình còn có một số tồn tại, hạn chế nhất định. Kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Những điều này, chúng tôi thẳng thắn nhìn nhận, tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp, cùng quyết tâm thực hiện để ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP uy tín, chất lượng.

* Các sản phẩm OCOP của Phú Yên hiện nay được định vị ở đâu trên thị trường trong nước và thế giới, thưa ông?

- Các sản phẩm OCOP của tỉnh khá đa dạng, gồm các nhóm chính là thực phẩm đồ uống, dược liệu, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, du lịch cộng đồng - sinh thái.

Các sản phẩm OCOP Phú Yên đã được thị trường trong nước chấp nhận, số lượng sản phẩm sản xuất quy mô ngày càng lớn; một số sản phẩm tiếp tục đầu tư, nâng cấp tiến ra thị trường nước ngoài.

* Thưa ông, mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài của Chương trình OCOP là gì?

- Về mục tiêu chiến lược, Phú Yên xác định phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Mục tiêu cụ thể, Phú Yên phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất từ 2 sản phẩm đạt 5 sao, được công nhận là sản phẩm OCOP quốc gia. Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 70% làng nghề có sản phẩm OCOP, 90% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại. 100% cán bộ các cấp, lãnh đạo doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ hộ tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên đề…

Ðồ họa: TRẦN QUỚI

Ðồ họa: TRẦN QUỚI

* Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào sẽ triển khai trong thời gian tới để đạt được mục tiêu đề ra, thưa ông?

- Thời gian tới, chúng tôi tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành thực hiện Chương trình OCOP toàn tỉnh; tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, hình thành các sản phẩm đặc sắc; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó, chúng tôi nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP…

Về giải pháp, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; huy động tối đa các nguồn lực cho Chương trình OCOP; phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP…

* Với tư cách là một nhà quản lý, chuyên gia về nông nghiệp, ông thấy tâm đắc nhất điều gì khi triển khai Chương trình OCOP?

- Có thể thấy, OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Việc phát triển sản phẩm OCOP đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng; xây dựng thương hiệu, nâng cao chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Từ đó nâng cao đời sống thu nhập của người nông dân.

* Xin cảm ơn ông!

Mỗi sản phẩm OCOP phải được gắn với tính đặc hữu của vùng miền; là một câu chuyện gắn bản sắc văn hóa bản địa, và đằng sau nó là ý thức bảo vệ gìn giữ môi trường…

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên

THẾ NHƠN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/313093/ocop-lam-thay-doi-dien-mao-nong-thon.html