Óc Eo - Ba Thê hướng đến Di sản văn hóa thế giới: Bảo tồn di sản

Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di tích cấp quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh An Giang, đang trong giai đoạn làm hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Để bảo tồn di sản của tiền nhân và trở thành điều kiện phát triển kinh tế bền vững là vấn đề cần quan tâm và sự đầu tư của các cấp, ngành.

Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê có tổng diện tích bảo vệ là 433,2ha, chia thành 2 khu: Khu A ở sườn và chân núi Ba Thê là 143,9ha, Khu B ở cánh đồng Óc Eo 289,3ha. Một số di tích tiêu biểu đã khai quật, bảo tồn, như: Di tích trong khu vực chùa Linh Sơn, di tích Nam Linh Sơn Tự, di tích Linh Sơn Bắc, di tích Gò Út Trạnh...

Điển hình như di tích Nam Linh Sơn Tự cách chùa Linh Sơn về phía Bắc 60m, có mái che bảo vệ toàn bộ diện tích đã khai quật, được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2002. Năm 1998 - 1999, di tích được khai quật làm xuất lộ toàn bộ kiến trúc có bình đồ trải rộng trên một diện tích hơn 350m2.

Di tích Nam Linh Sơn Tự có niên đại từ thế kỷ thứ I sau Công nguyên và tiếp tục tồn tại cho đến thế kỷ thứ IX sau nhiều lần xây dựng, là loại kiến trúc tôn giáo có quan hệ chặt chẽ với di tích khảo cổ ở chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc, Gò Sáu Thuận. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên phát hiện mộ chum hỏa táng trong 1 di chỉ văn hóa Óc Eo trên sườn núi, đã được chôn khá lâu trước khi xây dựng kiến trúc Nam Linh Sơn Tự.

Bảo tồn di tích là công tác quan trọng

Hay di tích Gò Cây Thị cách di tích Gò Óc Eo về phía Tây Nam khoảng 500m, cách Gò Giồng Cát về phía Đông Bắc khoảng 500m và cách di tích khảo cổ ở chùa Linh Sơn về phía Tây Bắc khoảng 2.000m. Di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2002, có mái che bảo vệ kiên cố toàn bộ diện tích đã khai quật và được phát hiện năm 1942, khai quật năm 1944 (ký hiệu là Kiến trúc A). Năm 1999, tiến hành khai quật lộ thiên, qua đó đã phát hiện có 2 kiến trúc riêng biệt trong cùng khu vực nên các nhà khảo cổ đặt tên là Gò Cây Thị A và B.

Năm 2014, Khu di tích này nằm trong “tốp 10” điểm du lịch ấn tượng, thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Với vai trò là địa phương trung tâm của nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho phát triển hạ tầng cơ sở; sớm hình thành Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, với nguồn nhân lực 30 người để bảo quản, phát huy giá trị di tích. Vì thế, việc nhận diện và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê rất quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh An Giang giai đoạn sắp tới.

P.L

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/oc-eo-ba-the-huong-den-di-san-van-hoa-the-gioi-bao-ton-di-san-a393341.html