Ðộc đáo nhà trình tường cổ ở Lộc Bình - Lạng Sơn

Nhà đất trình tường là lối kiến trúc tiêu biểu của đồng bào dân tộc tại Lạng Sơn, do cách làm và đất đỏ tương đối tốt nên ngôi nhà trình tường dù đã hơn trăm năm tuổi nhưng vẫn còn rất vững chãi.

Lộc Bình là một huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn, tính đến nay huyện có khoảng 85.000 người, trong đó chủ yếu là các dân tộc Nùng, Tày và một số ít người Dao… Đây là mảnh đất lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, trong đó nhà trình tường là một khía cạnh văn hóa nổi bật của xứ Lạng.

Nhà trình tường tiếng Tày, Nùng gọi là hờn xình/lườn trình, loại nhà trình tường phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh Lạng Sơn. Cùng với các loại nhà khác như nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất, nhà đất, nhà pháo đài, nhà gạch mộc… nhà trình tường có nguồn gốc từ lâu đời trong đời sống của người Tày, Nùng Xứ Lạng. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Nhà trình tường trực tiếp bằng đất sét. Loại nhà này sau khi chọn đất thì dùng khuôn gỗ dài gần hai mét, rộng hơn 40 cm, đưa đất vào khuôn rồi dùng chày nén chặt, hết lớp nọ đến lớp kia; khi đến giữa khuôn thì dùng một cây tre già làm tâm điểm kết nối từng khuôn, tạo thành bức tường vững chắc. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Dùng khuôn đúc như khuôn đúc gạch, khuôn rộng 40x40 cm, cao 10 cm, gạch được đóng bằng đất bùn trộn kỹ. Khi gạch khô thì đem về xây như kiểu nhà hiện đại nhưng chỉ khác là hồ và vữa để xây cũng chỉ bằng bùn và đất sét... Ðiểm nổi bật là, nhà trình tường mùa đông thì ấm, còn mùa hè thì mát. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Kết cấu nhà trình tường thường được bà con chia ra làm nhiều gian; ngăn này thông ngăn kia, có cửa gỗ kiên cố chia cắt từng ngăn để ở. Các bộ phận khác như: bếp, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm được nối liền với nhà chính bằng một hành lang cũng khép kín toàn bộ ngôi nhà. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Kiểu nhà trình tường hai tầng, thì tầng hai được lát bằng gỗ ván, vừa để ở, vừa để chứa các vật dụng trong gia đình như thóc, ngô... Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Móng nhà sâu khoảng 50cm, xếp đá với đất sét, tro, vôi và mật mía để tạo độ liên kết. Tường được trình bằng khuôn, độ dày tường thường khoảng 30-40cm, trong mỗi khuôn đều để 2 cây gỗ song song làm xương cho tường không bị nứt. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Những mái ngói âm dương nằm san sát trên những ngôi nhà trình tường được xây dựng hàng trăm năm ở Lộc Bình. Bộ nóc mái được làm từ gỗ và tre đã qua thời gian ngâm nước, ngói âm dương được làm từ đất sét nung. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Theo quan niệm của người Tày, một ngôi nhà trình tường tốt thì tường ngôi nhà đó mùa mưa không bị ngấm nước. Để tường đất không bị ngấm nước dù mưa dài ngày thì công trình nện đất tường phải công phu và cẩn thận. Có nhiều ngôi nhà riêng công đoạn nện đất trình tường thì phải mất hơn 3 tháng mới xong. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay, nhà trình tường vẫn còn ở các huyện biên giới như: Đình Lập, Văn Lãng, Tràng Định… với số lượng khoảng gần 1.000 ngôi nhà, trong đó, Cao Lộc và Lộc Bình là 2 huyện có nhiều nhà trình tường nhất. Trước sự phát triển của xã hội, nhiều nhà trình tường đang dần mai một. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/oc-dao-nha-trinh-tuong-co-o-loc-binh-lang-son/326582.html