Ô tô tông 17 xe máy ở Hà Nội: Nếu xe mất phanh, tài xế có được miễn tội?

Không ít độc giả thắc mắc, nếu ô tô bất ngờ mất phanh mà tông liên hoàn khiến18 người bị thương, thì tài xế có bị xử lý hình sự không?

Tài xế khai xe đột ngột mất phanh

Liên quan đến vụ ô tô tông 17 xe máy khiến 18 người bị thương tại ngã tư Võ Chí Công - Xuân La, bước đầu, nguyên nhân được xác định là do tài xế đạp nhầm chân ga.

Tại cơ quan công an, tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) - người điều khiển ô tô BKS 29A-083.12 gây tai nạn khai, chiều 5/4, khi xe ô tô di chuyển đến gần ngã tư Võ Chí Công - Xuân La bất ngờ mất kiểm soát về tốc độ.

"Lúc đó, vận tốc chiếc xe khoảng 50-60km/h. Tôi đã cố gắng hết sức để xử lý sao cho ít gây tổn thương cho những người xung quanh. Tôi dùng hết sức để đạp phanh chân. Thấy phanh chân không được, tôi kéo phanh tay nhưng cũng không hiệu quả. Sau đó, tôi đẩy cần số về số 0", ông Vĩnh kể lại.

Tài xế vụ xe ô tô tông liên hoàn xe máy ở đường Võ Chí Công khai đạp hết phanh nhưng không "ăn"

Tài xế vụ xe ô tô tông liên hoàn xe máy ở đường Võ Chí Công khai đạp hết phanh nhưng không "ăn"

Trước tình tiết này, không ít độc giả thắc mắc, nếu xe ô tô bất ngờ mất phanh mà gây tai nạn khiến nhiều người bị thương, phương tiện hư hỏng thì có bị xử lý không? Và nếu xử lý thì sẽ xử lý thế nào?

Nguyên nhân xe mất phanh không được coi là bất khả kháng

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, để xác định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với lái xe ô tô, cơ quan chức năng sẽ xem xét, làm rõ các tình tiết của vụ việc, nguyên nhân, hậu quả xảy ra.

Theo quy định hiện hành, phương tiện khi tham gia giao thông phải đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, đảm bảo an toàn.

Điều 10, Thông tư 53/2014/TT-BGTVT cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe trong việc kiểm tra tình trạng hoạt động đảm bảo an toàn kỹ thuật cho xe cơ giới trước khi tham gia giao thông.

Những cá nhân này phải kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên để nắm chắc tình trạng kỹ thuật của xe. Qua đó, kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động an toàn, ổn định.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật

"Như vậy, khi cá nhân lái xe tham gia giao thông mà để xảy ra tai nạn, nguyên nhân xe mất phanh không được coi là bất khả kháng mà xuất phát từ lỗi của chủ phương tiện hoặc người quản lý, sử dụng xe và người có trách nhiệm bảo dưỡng", ông Bình nói.

Chủ xe, tài xế vẫn phải bồi thường

Bên cạnh đó, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo Điều 601, Bộ luật Dân sự, xe ô tô được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.

Chủ sở hữu, tài xế (người được chủ sở hữu giao sử dụng) nguồn nguy hiểm cao độ (như ô tô) phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, ngay cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng.

Khi lái xe để xảy ra tai nạn, nguyên nhân mất phanh không được coi là bất khả kháng mà xuất phát từ lỗi của chủ phương tiện hoặc người quản lý

Khi lái xe để xảy ra tai nạn, nguyên nhân mất phanh không được coi là bất khả kháng mà xuất phát từ lỗi của chủ phương tiện hoặc người quản lý

"Như vậy, trong vụ tai nạn trên, nếu tài xế khai nhận do xe ô tô mất phanh, thì cũng không phải trường hợp bất khả kháng. Do đó, kể cả các nạn nhân trong vụ tai nạn có 1 phần lỗi thì chủ xe, tài xế vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm cho gia đình nạn nhân theo Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015", ông Bình nói.

Trường hợp nguyên nhân của vụ tai nạn không phải do xe mất phanh mà do lái xe đạp nhầm chân ga hoặc đi với tốc độ cao, vượt xe không đảm bảo an toàn, vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015.

"Dù nạn nhân không kiện mà hành vi của tài xế điều khiển phương tiện giao thông đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định pháp luật đồng thời phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do hành vi của mình gây ra', luật sư Bình thông tin thêm.

Vào khoảng 16h07 ngày 5/4, tại khu vực ngã tư Võ Chí Công - Xuân La, phường Xuân La, tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh điều khiển ô tô BKS 29A-083.12 lao với tốc độ rất nhanh, tông liên hoàn 17 xe máy.

Vụ tai nạn khiến 18 người bị thương, hiện nhiều người vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Qua kiểm tra, không phát hiện lái xe Vĩnh có nồng độ cồn và âm tính với chất ma túy. Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với tài xế này.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/o-to-tong-17-xe-may-o-ha-noi-neu-xe-mat-phanh-tai-xe-co-duoc-mien-toi-d587211.html