Ở nơi chỉ có buôn bán quan tài là nở rộ

Từng là một thành phố thịnh vượng ở Cameroon, Bamenda đã nhuốm máu trong đau khổ bởi cuộc chiến kéo dài 5 năm giữa phe li khai nói tiếng Anh và chính phủ đa số nói tiếng Pháp.

Bamenda là thành phố chết. Chỉ có việc buôn bán quan tài là sôi nổi. Thi thể ở khắp nơi, trong các hố chôn, trên đường phố và cả trên sông.

Các công nhân của Hội đồng thành phố phải đi thu gom xác và chôn người chết.

“Được chôn cất là một điều may mắn, chứ đừng nói đến có gia đình và bạn bè lo việc chôn cất cho", một nhân viên nghĩa trang nói khi anh đến lấy 10 chiếc quan tài rẻ tiền từ một nhà tang lễ.

Nhu cầu về những chiếc quan tài cầu kỳ một thời, được thiết kế như cuốn kinh thành, ôtô hay chai bia để phản ánh lối sống, sở thích, ước nguyện cuối của người chết đã giảm hẳn.

"Quan tài từng được bán với giá khoảng 1.500 USD/chiếc đã không còn được ưa chuộng vì người ta không đủ tiền để mua. Hầu như mọi người chỉ có thể mua quan tài với giá 76 USD", một người tham dự tang lễ chia sẻ.

Những đám tang của các nam thanh niên và trẻ em trai liên tiếp diễn ra là một lời nhắc nhở đau thương về cuộc xung đột ở các vùng nói tiếng Anh của Cameroon ở phía Tây Bắc và Tây Nam.

Mâu thuẫn từ xưa

Chỉ trong 5 năm, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, buộc hơn một triệu người bỏ chạy sang các vùng nói tiếng Pháp và hơn 80.000 người khác phải tị nạn ở nước láng giềng Nigeria.

Mối bất hòa xảy ra từ thời kỳ cuối cùng của chế độ thực dân, khi lãnh thổ do Anh kiểm soát được thống nhất với các khu vực nói tiếng Pháp để tạo ra Cameroon ngày nay.

 Cuộc xung đột ở Cameroon vẫn chưa ngừng kết thúc. Ảnh: AFP.

Cuộc xung đột ở Cameroon vẫn chưa ngừng kết thúc. Ảnh: AFP.

Kể từ đó, những người Cameroon nói tiếng Anh cảm thấy thiệt thòi và phản đối một chính phủ nói tiếng Pháp lãnh đạo, khi buộc họ phải từ bỏ lối sống cũ kể cả ngôn ngữ, lịch sử, giáo dục và hệ thống luật pháp.

Căng thẳng bùng lên vào năm 2016 khi người Bamenda và các khu vực nói tiếng Anh khác tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc sử dụng tiếng Pháp trong trường học và tòa án, không phát hành các văn bản nhà nước bằng tiếng Anh, mặc dù đây là một ngôn ngữ chính thức.

Tuy nhiên, chính phủ đã ra lệnh cho lực lượng an ninh đàn áp các cuộc biểu tình thay vì tổ chức đàm phán để giải quyết mâu thuẫn, nên các phần tử ly khai đã giương vũ khí để yêu cầu thành lập Cộng hòa Liên bang Ambazonia từ hai vùng nói tiếng Anh.

Giờ đây, các phương tiện quân sự, kể cả những loại có gắn súng máy liên tục ra vào Bamenda.

Người dân nói rằng binh lính đột kích vào nhà, bắt người, đốt chợ và thậm chí trưng bày thi thể nạn nhân, kể cả thi thể của chỉ huy dân quân tại các giao lộ chính để cảnh cáo người dân không theo phe ly khai.

Ai cũng tổn thất

Phía chính phủ cũng bị tổn thất nặng nề trong các cuộc xung đột này, khi thi thể của các binh sĩ được đưa ra khỏi nhà xác quân đội ở thủ đô Yaoundé liên tục hàng tuần. Các góa phụ than khóc trước hàng dài quan tài phủ quốc kỳ Cameroon trong những nghi lễ tang lễ quân đội.

 Những người phụ nữ trở thành góa phụ vì đàn ông đã thiệt mạng trong xung đột. Ảnh: AFP.

Những người phụ nữ trở thành góa phụ vì đàn ông đã thiệt mạng trong xung đột. Ảnh: AFP.

Ở phía bên kia, các chiến binh ly khai cũng khét tiếng với những hành động tàn bạo đối với dân thường, như chặt đầu và tra tấn những người phụ nữ mà họ tố cáo là "phản bội cuộc đấu tranh".

Họ lưu hành video quay những hành động man trợ này để cảnh cáo người dân về hình phạt mà họ phải chịu nếu họ thông đồng với lực lượng an ninh.

Vào thứ hai hàng tuần, Bamenda trở thành một “thị trấn ma” vì không có ai ra đường, các khu chợ đóng cửa. Đó là một phần của chiến dịch bất tuân kinh tế dân sự có từ trước cuộc đấu tranh vũ trang. Những ngày này, nếu có ai dám phớt lờ lệnh đều bị bắn chết hoặc bị đốt cửa hàng.

Quân đội và cảnh sát cũng biến mất khỏi đường phố, để tránh trở thành mục tiêu trong tầm bắn của các chiến binh ly khai trong thành phố. Phe ly khai còn ra lệnh đóng cửa mọi trường học cách đây 4 năm trước.

Quân đội thực hiện lệnh giới nghiêm hầu như hàng đêm trong thành phố, khiến nhiều nhà hàng, quán bar và câu lạc bộ phải ngừng hoạt động.

“Việc 'chiên bỏng ngô liên tục' đã khiến mọi người bỏ đi", một nữ phục vụ nói kiểu ẩn dụ để mô tả âm thanh không bao giờ dứt của tiếng súng.

Cô ấy nói rằng nó cũng đã ngăn cản những người sống ở nước ngoài trở về nhà. Họ được gọi là "bushfaller", một thuật ngữ Pidgin dành cho những người đi săn (trong trường hợp này là tìm kiếm những đồng cỏ xanh). Thuật ngữ này để chỉ những người di cư chịu trách nhiệm về tình hình kinh tế của Bamenda, gửi tiền để đầu tư vào thương mại xây dựng và trở lại vào Giáng sinh để chia sẻ tầm nhìn phát triển rộng lớn của họ.

Nhưng giới chức buộc tội họ tài trợ cho cuộc nổi dậy của người Anglophone. Những ai trở về đều bị bắt, một số người đang ở trong các nhà tù an ninh ở Yaoundé hoặc Douala, trong khi những người khác biến mất. Tiền của bushfaller đã cạn kiệt và không ai trong số họ bây giờ trở lại.

Thích nghi với tiếng súng

Peter Shang, một cư dân lâu năm và yêu quý thành phố này nói rằng mọi người chỉ cố gắng sống hết hiện tại. Anh nói: "Như một cuộc xổ số, có thể hôm nay bạn nói chuyện với người này nhưng ngày mai người ta đã chết".

Nhưng với Marie Clair Bisu, cô ấy có nhiều thời gian bên chồng hơn vì anh ấy luôn phải về trước giờ giới nghiêm.

“Bây giờ anh ấy có thể chơi với lũ trẻ và kiểm tra sách vở của chúng. Cuộc xung đột này đã tái hợp chúng tôi. Vấn đề duy nhất là tiếng súng đêm khá phiền", cô nói.

Và sau mỗi đêm nổ súng, người dân phải gọi điện thoại và nghe ngóng tình hình giao thông để kiểm tra tình trạng an toàn trước khi ra ngoài. Tiếng súng đã trở nên quen thuộc ở Bamenda vào ban ngày đến nỗi mọi người không còn bỏ chạy nữa.

Một người phụ nữ nói rằng con cô đã quá quen với tiếng súng và con bé còn biết là ai bắn.

“Con gái tôi 7 tuổi, có thể phân biệt được âm thanh đó là từ súng máy của quân đội hay súng trường AK-47 của 'The Boys',” cô nói khi nhắc đến các chiến binh ly khai.

Một số nữ tu ở trung tâm thành phố nói rằng họ đang đợi taxi để đến Trại trẻ mồ côi Abangoh.

Cuộc chiến đã chứng kiến sự bùng nổ việc mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên. Một người giận dữ nói: "Hiếp dâm đang được dùng như vũ khí chiến tranh. Thật kinh khủng".

Mọi ngóc ngách của thành phố này đều cho thấy một nơi xa hoa một thời, giờ đã bị chôn vùi bởi đống rác, nồng nặc mùi hôi thối và tang thương của một cuộc chiến tranh không nên xảy ra.

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-noi-chi-co-buon-ban-quan-tai-la-no-ro-post1348073.html