Nuôi trâu chạy đồng

Chiều tối, trâu tụ lại chỗ lều bạt thành đàn theo thói quen. Ảnh: LÊ TRÂM

Cánh đồng Vĩnh Tròn thuộc phường 8, phường 9 (TP Tuy Hòa) - trước Bảo tàng tỉnh, cỏ mọc um tùm. Các chủ trâu ở vùng lân cận và ở huyện Phú Hòa lùa trâu đến đây chăn thả chạy đồng.

“Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ...”. Nhiều thế hệ người Việt đã thuộc nằm lòng bài học Chăn trâu, trong cuốn sách đầu đời Quốc văn giáo khoa thư.

Trâu đâu chủ đó

Những ngày hè này, đi dọc đường Nguyễn Trãi nối dài, đoạn qua phường 8, phường 9 có những lều bạt dựng lên giữa cánh đồng cùng đàn trâu, tạo nên hình ảnh vừa quen vừa lạ, như gợi nhớ bao ký ức về miền quê đang hiện diện trong lòng thành phố.

Sáng sớm, ông Nguyễn Văn Tùng ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) ra cánh đồng phường 9 tháo dây cột cho bầy trâu 8 con dàn hàng ngang ra đồng ăn cỏ. Ông Tùng nói: Cánh đồng này 2 năm nay không trồng lúa, cỏ chân vịt, cỏ gấu mọc lên xanh, trâu ăn cả ngày no bụng. Trâu ăn no rồi đến các vũng nước lăn ra đó tắm bùn. Chiều tối, tôi ra lùa trâu về. Theo ông Tùng, những tháng trước đây ở trên quê, khi cánh đồng bước vào mùa vụ, ông phải lùa trâu vào trong núi thả ăn lá cây rừng. Biết được cánh đồng ở đây nhiều cỏ, ông cùng một số người rủ nhau chịu khó lùa trâu đi ăn xa.

Ông Tùng thường lùa trâu ra đồng, đóng cọc dùng dây cột con trâu đực to nhất trong bầy không cho nó ức cái đi theo bầy khác. Số còn lại gồm trâu cái và nghé thả rông để chúng kiếm ăn tự do. Người chăn tìm chỗ có bóng mát ngồi trông bầy trâu. Đến nửa buổi sáng, xế, chiều, lại dời cọc con trâu đực đến đám cỏ khác…

Phía bên kia đường nội đồng, ông Bùi Văn Tiến ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) cũng chăn bầy trâu trên cánh đồng trống, không có chỗ tránh nắng nên ông vô ngồi mát dưới mái hiên của trại bán chậu cảnh nhìn ra. Ông Tiến cho biết, chăn trâu ở đây sướng vì cánh đồng rộng. Người chăn chỉ việc coi ngó không để trâu qua bên kia đường Nguyễn Trãi xuống bàu rau muống. Bầy trâu 5 chủ thì ban ngày chỉ 1 người trông coi thay phiên nhau như kiểu vần công qua lại. Còn ban đêm thì cả năm người đến ngủ cùng canh giữ trâu.

Chiều tối, trên cánh đồng Bình Kiến, phường 8 có đến 100 con trâu nằm gần đường Nguyễn Trãi nối dài, thấy người qua lại cứ nghểnh cổ lên nhìn. Bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Hòa Quang Nam đang canh đàn trâu cho hay: Ban ngày tôi chăn bầy trâu. Chiều tối, chồng xuống thay ngủ lại giữ trâu, tôi về nhà lo công việc gia đình.

Thu nhập ổn định từ nuôi trâu đàn

Ban ngày chăn trâu thả rông, ban đêm các chủ trâu dựng lều bạt tạm ngoài đồng để có chỗ nghỉ ngơi và trông giữ chúng. Ông Phan Văn Phú ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), đang lui cui căng lại tấm bạt mái lều ở đây cho hay: Lều bạt chỉ dựng tạm, qua một ngày là gió hất tung, phải sửa sang lại để tối có chỗ ngủ. Thường mỗi lều nằm 2 người cho có bạn và thay phiên nhau người này ngủ thì người kia thức.

Ông Phú kể, gia đình ông đã 3 đời nuôi trâu. “Ba tôi từ nhỏ đến lớn chuyên nuôi trâu. Tới giờ tuy tuổi tôi đã lớn nhưng vẫn đeo đuổi nghề này. Bởi không có trâu thì buồn lắm! Sáng, tôi lùa đàn trâu ra đồng ăn cỏ cho mau mập. Cánh đồng này lợi thế là có chỗ trũng nước cho trâu tắm bùn làm mát cơ thể khi trời nắng nóng. Khi nước khô dần chỉ còn lại nửa bàu rau muống, sau đó cạn luôn, cánh đồng rộng thêm ra, trâu thả rông tha hồ ăn cỏ, ăn rau…”, ông Phú chia sẻ.

Cạnh đó, bầy trâu của ông Phan Văn Vương cũng ở xã Hòa Kiến lớn nhỏ tổng cộng 11 con, có cả trâu cái và trâu đực. Đối với trâu cái, sau 1,5-2 năm nuôi vỗ béo, trâu bắt đầu sinh sản. “Từ khi trâu cái giao phối đến lúc đẻ con là 12 tháng. Trâu mẹ đẻ con, 1 tháng sau thì chịu đực lại, gọi là trâu năm một. Nghé từ 7-8 tháng xuất chuồng thì bán được khoảng 15-17 triệu đồng. Nuôi lớn hơn nữa thì có giá cao hơn. Hiện một con trâu trưởng thành nặng 3-5 tạ có giá 45-50 triệu đồng. Nuôi trâu mang lại thu nhập ổn định”, ông Vương cho biết.

Nuôi trâu bầy, chiều tối là trâu tự động tụ lại chỗ lều bạt thành đàn theo thói quen. Cánh đồng phường 9, phường 8 trở nên vui nhộn bởi người chăn trâu tụ tập về dựng lều, cùng dùng cơm tối. Con trâu là đầu cơ nghiệp của nhà nông. Chăn trâu lội ruộng, tối ngủ lều bạt nghe “nhạc” côn trùng, mặc sức ngắm trăng sao. Những khi thời tiết xấu, mưa gió bất thường có phần vất vả nhưng ông Vương, ông Tiến, ông Phú… vẫn gắng sức nuôi trâu để chăm lo cuộc sống gia đình.

Đàn trâu toàn tỉnh hiện có 6.050 con, tập trung ở các huyện Phú Hòa, TX Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Thời gian qua nắng hạn gay gắt, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, ở một số vùng nguồn thức ăn gia súc cạn kiệt. Để giữ vững và phát triển đàn trâu bò, mang lại nguồn thu nhập cho nông dân, Sở NN-PTNT khuyến khích nông dân tiêm phòng đầy đủ. Cùng với đó tập trung phát triển các trang trại và các cơ sở chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô phù hợp.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/280815/nuoi-trau-chay-dong.html