'Nuôi lớn' nhãn hiệu tập thể

Toàn tỉnh hiện có 72 văn bằng chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể (NHTT) được cấp cho các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là con số không nhỏ, khẳng định sự phong phú, chất lượng cũng như tiềm lực phát triển các thương hiệu sản phẩm của Thừa Thiên Huế trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm sau khi có bằng chứng nhận để phát triển tài sản trí tuệ mang tính tập thể này.

Chuối già lùn A Lưới được đầu tư về chất lượng quả,đa dạng các dòng sản phẩm từ chuối để mở rộng thị trường

Nhiều lợi ích mang lại

Chỉ cần nhắc đến mứt gừng, người dân cả nước đều nghĩ ngay đến mứt gừng Huế với mùi thơm và vị cay nồng, thanh đậm nhưng ấm họng mà nguyên liệu phải là gừng rẫy được trồng trên chính thổ nhưỡng của vùng Cố đô. Danh tiếng đã có, nhưng để bảo hộ thương hiệu cũng như thuận tiện cho khâu tiêu thụ, nhãn hiệu “Mứt gừng Kim Long” được HTX Nông nghiệp Kim Long đăng ký cấp và sử dụng. Đến nay, đã có hàng chục hộ sản xuất cùng đăng ký tham gia. Sản phẩm mứt gừng cũng ngày một có sự đổi mới, cải tiến về mẫu mã, cách chế biến để hợp khẩu vị, thị hiếu của người dùng khắp mọi miền.

Nhãn hiệu “Thanh trà Huế” sau nhiều năm được cấp NHTT và vào đầu năm 2024 được “thăng hạng” cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cũng đang chiếm “lợi thế” về thị trường tiêu thụ, giá cả cũng như chất lượng sản phẩm. Nhiều người dân trồng thanh trà ở Thủy Biều, Thủy Bằng (TP. Huế), Phong Thu (Phong Điền), Dương Hòa (TX. Hương Thủy), Hương Vân (TX. Hương Trà)... phấn khởi, nhờ có NHTT và nay được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, “tiếng thơm” của các miệt vườn thanh trà Thừa Thiên Huế lan tỏa khắp nơi. Doanh thu mỗi vườn sau khi lọt vào danh sách sử dụng nhãn hiệu “Thanh trà Huế” tăng lên gấp khoảng 10 lần so với trước. Thay vì mỗi quả thanh trà ngon trước đây chỉ bán với giá dưới 10.000 đồng thì nay tăng lên gấp 4 đến 5 lần mỗi quả. “Trước kia, đến mùa phải mang ra chợ bán lẻ tẻ. Còn bây giờ trước khi vào mùa thu hoạch, đã có thương lái đến đặt hàng, đặt cọc tiền trước với giá cao”, chị Nguyễn Thị Như Thủy, xã Phong Thu (Phong Điền) cho biết.

Tên tuổi “Rau má Quảng Thọ” từ nhiều năm nay được người tiêu dùng và thị trường trong, ngoài tỉnh biết đến và gần như đã trở thành sản vật đặc trưng gắn liền với địa danh Quảng Thọ, Quảng Điền. Trước đây, cây rau má xã Quảng Thọ được người dân trồng theo hướng tự phát, đầu ra không ổn định. Nhưng từ khi HTX Quảng Thọ 2, xã Quảng Thọ quy hoạch trồng, sản xuất rau má theo tiêu chuẩn VietGAP thì giá trị thương phẩm gia tăng thấy rõ. Gần 10 năm nay, cây rau má ngoài việc cung ứng thực phẩm chế biến các món ăn hàng ngày, HTX Quảng Thọ 2 huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống chế biến trà rau má và được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận sử dụng NHTT và Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp phép sản xuất. Các sản phẩm trà rau má đã được đơn vị cho thành lập các điểm cung ứng ở các tỉnh như: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Thương hiệu Dầu tràm Huế đã được khẳng định và tiếp tục xây dựng thành sản phẩm chủ lực quốc gia

Với hướng đi này, HTX đang bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho khoảng 300 hộ dân sản xuất rau má trong vùng. Bình quân mỗi ha rau má cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, hiệu quả cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Nhờ xây dựng NHTT rau má, đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Quảng Thọ được cải thiện, thu nhập ổn định hơn.

Những điển hình tham gia vào hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sử dụng NHTT chứng tỏ nhiều lợi ích mang lại. Nhất là hội viên sử dụng NHTT không chỉ được quảng bá, bao tiêu sản phẩm, mà còn được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tập huấn và hỗ trợ thường xuyên về kỹ năng canh tác, cách phòng, chống dịch bệnh cho sản phẩm… Nhờ đó, sản phẩm làm ra có chất lượng đồng đều, đảm bảo, bán được giá, dễ vào các kênh phân phối lớn.

Sản phẩm dèng A Lưới ra thị trường

Liên kết để phát triển

Trên địa bàn tỉnh hiện có 72 tổ chức, doanh nghiệp, HTX được cấp chứng nhận sử dụng NHTT với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là sản phẩm chủ lực địa phương, đặc sản, sản phẩm OCOP. Thông dụng gồm các sản phẩm nông nghiệp, chế biến như: nước mắm, tôm chua, ruốc, ném, kiệu, nấm, gạo, mật ong, sen, rau hữu cơ, dầu lạc, ớt, mè xửng, chuối già lùn... và sản phẩm thủ công mỹ nghệ...

Bên cạnh những sản phẩm ngày càng “có giá” nhờ được gắn thương hiệu, nhãn mác, trên thực tế, hiện vẫn còn nhiều sản phẩm của các đơn vị, làng nghề sau khi được chứng nhận sử dụng NHTT vẫn chưa phát huy hiệu quả. Việc duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn bị xem nhẹ, không duy trì được vùng nguyên liệu sản xuất, quản lý chất lượng đầu ra cho sản phẩm còn chưa đồng đều, mẫu mã bao bì chưa thực sự phong phú, bắt mắt người tiêu dùng. Một số sản phẩm nông sản tiêu thụ dưới dạng thô, tiêu thụ tự phát, sức cạnh tranh yếu. Một số doanh nghiệp, HTX có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu chưa qua chế biến...

Cũng từ thực trạng chung, nhiều làng nghề như Làng nghề bún Vân Cù (Hương Toàn, TX. Hương Trà), Làng bún, bánh Ô Sa (Quảng Vinh, Quảng Điền), Làng nghề dầu tràm Lộc Thủy (Phú Lộc)... là những thương hiệu “đàn anh” được cấp NHTT từ rất sớm, nhưng đến nay gần như đang dần bị “lép vế” trên thị trường. Nguyên nhân do tập quán sản xuất cũ, manh mún, khó khăn về vùng nguyên liệu; cùng với đó là tình trạng làm giả, làm dối, không đảm bảo chất lượng, giá bán chênh lệch... đã làm cho thương hiệu mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Khi quyền lợi không được đảm bảo, ảnh hưởng đến những hộ sản xuất chân chính, nên tình trạng “mạnh ai nấy làm”, không còn mặn mà, tuân thủ phát triển NHTT cũng là điều dễ hiểu.

Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), việc đăng ký và được cấp NHTT là một quá trình dài và khó khăn, nhưng hiện vẫn còn nhiều NHTT không phát huy hiệu quả, khó trong phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, như: Nón lá Huế, Hoa giấy Thanh Tiên, Gốm Phước Tích, Tôm chua Huế...

Theo ông Nguyễn Phước Nhân, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và ĐMST, Sở KH&CN, muốn phát huy hiệu quả NHTT, trước hết, các cơ sở, HTX sản xuất đặc sản địa phương, các hội nghề nghiệp trực tiếp quản lý các nhãn hiệu cần quan tâm, đầu tư trong việc phát triển thương hiệu đã xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu, thống nhất quy trình sản xuất của một tập thể theo đúng quy chế hoạt động. Việc phát triển sau bảo hộ rất khó khăn, vì NHTT mang tính cộng đồng, nếu không có sự kết nối, duy trì thì khó có thể phát huy sức mạnh của tập thể. Nên, ngoài vai trò năng động, tích cực kết nối của người đứng đầu còn cần ý thức, trách nhiệm của các hội viên trong thực hiện quyền và nghĩa vụ khi tham gia sử dụng NHTT.

Hoài Thương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nuoi-lon-nhan-hieu-tap-the-140250.html