Nuôi hàu tự phát, lợi bất cập hại

Trong đầm Ô Loan, nhiều hộ dân tự ý làm bè nổi, lấn chiếm mặt nước để nuôi hàu trái phép tại khu vực chưa có quy hoạch. Điều này gây cản trở hoạt động đi lại của ghe, thuyền và ảnh hưởng đến việc đánh bắt thủy sản, đồng thời hủy hoại cảnh quan, môi trường sinh thái trên đầm.

Người dân dùng sõng câu chở hàu nuôi từ giữa đầm vào bờ. Ảnh: LÊ TRÂM

Đầm Ô Loan có diện tích mặt nước gần 1.250ha. Gần đây, các loại thủy sản tự nhiên cạn kiệt, người dân chuyển sang nuôi hàu sữa Thái Bình Dương.

Trên tuyến đường ven đầm từ thôn Tân Qui qua thôn Xuân Hòa (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An), nhìn ra giữa đầm, nhiều bè nuôi hàu nổi lên liền kề, rất dày. Ông Trần Văn Hùng, một người nuôi hàu ở Tân Qui cho hay: Đây là năm thứ 3, người dân ở đây nuôi hàu sữa Thái Bình Dương, chủ yếu để bán làm thức ăn cho tôm hùm.

Còn theo ông Trần Văn Trung ở thôn Xuân Hòa, lúc đầu vùng này chỉ có 3 người nuôi hàu Thái Bình Dương thí điểm. Thấy có lãi, nhiều hộ khác cùng thả nuôi, dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, con hàu bị rong giẻ, rong nhớt bó toàn thân không lớn nổi.

Nhìn những mảng bè nổi nuôi hàu thả dày ở đầm Ô Loan, ông Nguyễn Văn Long, một người dân ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) bức xúc: Bè nổi nuôi hàu gây cản trở việc đi lại trên đầm, nhất là vào ban đêm, bơi sõng đi đóng chấn rất khó.

Hàu được dồn vào bao bán lại cho người nuôi tôm hùm. Ảnh: LÊ TRÂM

Theo nhiều người dân địa phương, việc nuôi hàu tự phát còn ngăn dòng chảy làm cho rong giẻ, rong nhớt mọc nhiều, ảnh hưởng đến những loại hải sản khác. Sau một thời gian, lứa rong này già chết rục dưới đầm làm cho môi trường nước càng ô nhiễm nặng.

Ông Bùi Sinh Nhật, Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải cho biết, toàn xã có khoảng 113 hộ thả nuôi hàu ở đầm Ô Loan. Từ năm 2020, UBND xã đã thông báo cho người dân không được tiếp tục làm bè thả nuôi hàu trong khu vực đầm này. UBND xã cũng đã thành lập tổ kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hộ nuôi hàu trái phép trên địa bàn 2 thôn Tân Qui, Xuân Hòa. Đồng thời phối hợp với MTTQ, các hội đoàn thểxã, thôn và Đồn Biên phòng An Hải tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không tái phạm.

“Lãnh đạo huyện Tuy An cũng đã chủ trì buổi làm việc với UBND xã An Hòa Hải liên quan đến trường hợp nuôi hàu trái phép trên đầm Ô Loan. Theo đó, UBND huyện giao cho UBND xã An Hòa Hải rà soát, lập danh sách hộ dân nuôi hàu trái phép trong đầm Ô Loan, trong đó thông tin cụ thể diện tích bè nuôi, thời gian thả nuôi, để tuyên truyền vận động các hộ dân cam kết tự tháo dỡ bè sau khi thu hoạch xong vụ nuôi. Nếu hộ nào tái phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật...”, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho hay.

Theo Sở NN-PTNT, sở này đã phối hợp với UBND huyện Tuy An và chính quyền các địa phương liên quan phát động chiến dịch trồng rừng ngập mặn tại đầm Ô Loan. Rừng ngập mặn ven biển sẽ là nơi trú ngụ của các loại hải sản và các loài chim; hấp thu các chất độc hại trong nước, điều hòa khí hậu trong vùng... bảo vệ cuộc sống con người. Việc trồng rừng ngập mặn sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như cải tạo hệ sinh thái trong đầm Ô Loan. Đây cũng được xem là bể lọc sinh học các chất ô nhiễm hữu cơ từ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, giúp giảm ô nhiễm môi trường nước đầm Ô Loan.

Toàn xã An Hòa Hải có khoảng 113 hộ thả nuôi hàu ở đầm Ô Loan. Từ năm 2020, UBND xã đã thông báo cho người dân không được tiếp tục làm bè thả nuôi hàu trong khu vực đầm này. UBND xã cũng đã thành lập tổ kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hộ nuôi hàu trái phép…

Ông Bùi Sinh Nhật, Chủ tịch UBND xã An Hòa Hải

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/308003/nuoi-hau-tu-phat-loi-bat-cap-hai.html