Nuôi dưỡng những trang viết cho trẻ thơ

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn mới chỉ có 'thâm niên' 4 năm nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, những nhà văn gạo cội viết cho thiếu nhi và những cây bút nhí. Trong bối cảnh văn học thiếu nhi đương đại đang thiếu vắng những tác phẩm hay thì Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã góp phần mang đến những sáng tạo mới mẻ cho trẻ thơ, nuôi dưỡng những trang viết - những tâm hồn thơ trẻ.

Tạo dựng thế giới trong trẻo của trẻ thơ

Năm nay, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn thu hút 121 tác phẩm/ chùm tác phẩm được sáng tác, hoàn thiện hoặc công bố trong khoảng thời gian từ 1/1/2022 đến 20/4/2023. Đây là các tác phẩm do các tác giả gửi dự thi hoặc do các nhà xuất bản trên cả nước cùng các thành viên Ban sơ khảo đề cử.

Top 10 Chung khảo năm nay đã xuất hiện 2 tác giả nhí với những tác phẩm được Ban sơ khảo đánh giá cao về tài năng với những phẩm chất sáng tạo chuyên nghiệp sớm được bộc lộ. Một trong số đó là Đoàn Lữ Thụy Phương, cô bé 10 tuổi vẫn thường được biết đến với những câu chuyện hài hước, thú vị về cuộc sống trong gia đình nhỏ, về người bố của mình, cùng những bức vẽ tuyệt đẹp.

Nhà văn Trần Đức Tiến được vinh danh Hiệp sĩ Dế Mèn.

Nhà văn Trần Đức Tiến được vinh danh Hiệp sĩ Dế Mèn.

Bên cạnh đó, là những tác phẩm gây "choáng" - lời của họa sĩ Thành Chương, thành viên Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Dế Mèn - của cậu bé 11 tuổi đến từ Lạng Sơn, họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang. Em sinh năm 2012, bắt đầu vẽ tranh từ năm lên 9 tuổi, đến nay đã vẽ được khoảng 40 bức tranh hoàn chỉnh, trong đó có nhiều tranh khổ lớn, phải đứng trên ghế, trèo lên thang để hoàn thành.

Họa sĩ Thành Chương đánh giá: "Tôi cũng từng chấm nhiều giải tranh thiếu nhi, tôi có thể khẳng định Hoàng Nhật Quang là một hiện tượng đặc biệt. Tranh của em có những nét hồn nhiên đúng chất trẻ thơ nhưng đồng thời cũng có những ý niệm, suy nghĩ rất già dặn của một nghệ sĩ thực thụ chứ không phải chỉ là một đứa trẻ con. Đó là điều làm cho tôi và nhiều người giật mình trước tác phẩm của em".

Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét: "Tranh của Nhật Quang lạ, hình họa, bố cục chắc chắn, ý tưởng sáng tác tốt, độc đáo, nhiều bức màu đẹp, sinh động, biến hóa". Có thể nói, họa sĩ nhí Nhật Quang là một phát hiện rất độc đáo của Giải thưởng Dế Mèn năm nay.

Nhưng Giải thưởng Dế Mèn không chỉ là sân chơi của các nghệ sĩ nhí, ở đó còn là khu vườn của những cây viết gạo cội cho thiếu nhi, một mảng đề tài quan trọng trong đời sống văn chương nghệ thuật nước nhà. Trong 10 tác phẩm lọt vào chung khảo, có nhiều tác phẩm đã được các nhà xuất bản in và phát hành như "Alo, cậu đấy à" của nhà văn Trần Đức Tiến, "Phù thủy sợ ma" - tập thơ của Thụy Anh, "Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ" của Lạc An, "Nghé Ọ hai xoáy" của Phạm Anh Xuân, "Khu rừng trong chai" - truyện tranh của Huỳnh Trọng Khang - Nguyễn Nhân...

Đáng chú ý là sau 2 năm liên tiếp không tìm được "Hiệp sĩ", năm nay, Giải thưởng Dế Mèn đã tìm được Hiệp sĩ Dế Mèn, nhà văn Trần Đức Tiến. Đây là giải thưởng được trao cho tác giả có bề dày cống hiến cho thiếu nhi, xét trong cả sự nghiệp, đồng thời phải có tác phẩm chất lượng cao được sáng tác hoặc công bố trong năm trao giải.

Giải thưởng Hiệp sĩ Dế Mèn đầu tiên (lần 1 - 2020) đã được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhà văn Trần Đức Tiến viết cho cả thiếu nhi và người lớn. Khá nhiều tác phẩm của ông đã được đưa vào sách giáo khoa như "Giọt sương đêm" (Ngữ văn 6, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo), "Cá chuồn tập bay" (Tiếng Việt 2, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo), "Bạn nhỏ trong nhà" (Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Kết nối tri thức)... Ông cùng với những tác phẩm của mình như "Xóm bờ dậu", và mới đây là "Alo cậu đấy à" và nhiều tác phẩm khác đã tạo dựng nên một thế giới trẻ thơ hồn nhiên và trong trẻo.

Lựa chọn thể loại đồng thoại, nhà văn đã vẽ nên những hình tượng văn học gần gũi với tâm hồn trẻ thơ như Thằn lằn, Cóc tía, Sóc bông lau, tạo ra một cộng đồng hướng tới lối sống tử tế và thiện lương. "A lô, cậu đấy à" là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Đức Tiến viết cho thiếu nhi, chứng kiến sự "trẻ hóa" bất ngờ của ông. Khoảng cách giữa tác giả và những nhân vật nhỏ tuổi trở nên mờ nhòe khi ông ngày càng hồn nhiên, mơ mộng, hóm hỉnh, còn nhân vật có xu hướng trở thành những "ông cụ non".

Những tín hiệu vui về văn học thiếu nhi

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Dế Mèn cho biết: "Qua 4 mùa tổ chức, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn ngày càng chuyên nghiệp hơn, thu hút sự chú ý, sự sáng tạo của đông đảo văn nghệ sĩ và của thiếu nhi, đóng vai trò là chủ thể sáng tạo. Có rất nhiều tác phẩm tốt từ giải thưởng này góp thêm sự phong phú vào kho tàng văn học cho thiếu nhi".

Còn nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - thành viên Hội đồng Giám khảo nhấn mạnh: "Giải thưởng góp thêm hành động tốt vào câu chuyện chung tay để rồi chúng ta đều đồng thuận với nhau về tính hướng thiện và đi tới cùng để có một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ em và tương lai của chúng ta tươi sáng hơn".

Chúng ta vẫn hay nói đến câu chuyện về những đứa trẻ không chịu đọc sách, những đứa trẻ thiếu hiểu biết về quê hương, nơi chốn của mình, về văn hóa Việt Nam, những đứa trẻ có thể nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng mẹ đẻ nhưng không hiểu biết nhiều về nơi chốn mình sinh ra. Văn học - nghệ thuật chính là cầu nối để nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của các em, kết nối các em với quê hương, đất nước.

Trong xã hội đang bị xâm lấn bởi mạng xã hội, những đứa trẻ lớn lên trong thế giới của máy tính bảng, của bốn bức tường thì việc đọc sách và tiếp xúc với nghệ thuật là cách hữu hiệu để nuôi dưỡng tâm hồn các em. Sách thiếu nhi hiện nay được rất nhiều nhà xuất bản và các đơn vị tư nhân đầu tư, nhưng trên thị trường chủ yếu vẫn là sách dịch, truyện tranh. Phong trào đọc sách được kích hoạt từ gia đình, từ nhà trường và nhiều tổ chức xã hội. Nhưng có lẽ, quan trọng nhất với những đứa trẻ không phải là đọc nhiều hay ít mà đọc cái gì, xem cái gì.

Thiết nghĩ, văn học, nghệ thuật Việt Nam cho thiếu nhi vẫn là một mảng màu không thể thiếu trong hành trình lớn lên của mỗi đứa trẻ. Trẻ em Việt vẫn cần những câu chuyện của Việt Nam, mang tâm hồn và tình yêu xứ sở này. Vì thế, sách thiếu nhi Việt Nam là một mảng cần được chú trọng đầu tư và lan tỏa để trẻ em có nhiều cơ hội đọc, tìm hiểu. Nó góp phần nuôi dưỡng tình yêu của các em với quê hương đất nước, với những điều giản dị xung quanh thế giới mà em đang sống.

Mới đây, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng đã khởi động Giải thưởng Kim Đồng lần thứ nhất. Với mong muốn phát hiện thêm những cây bút tài năng viết cho thiếu nhi, có thêm những tác phẩm văn học mới, có chất lượng, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về con người, đất nước Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng đã thành lập giải thưởng mang tên Kim Đồng.

Đây cũng là nơi cho ra đời những tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển như "Búp sen xanh" (Nhà văn Sơn Tùng), "Bến tàu trong thành phố" (Nhà thơ Xuân Quỳnh), "Tuổi thơ im lặng" (nhà văn Duy Khán), "Dòng sông ấu thơ" (Nhà văn Nguyễn Quang Sáng) và nhiều tác phẩm khác. Đó là một tín hiệu vui cho thấy sự quan tâm của người lớn đến dòng văn học thiếu nhi, góp phần truyền cảm hứng cho những cây viết và bạn đọc nhí.

Hy vọng, trong thời gian tới tủ sách văn học thiếu nhi Việt Nam được góp thêm những tác phẩm, những cây bút mới. Bởi có lẽ, không gì giá trị hơn để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ nhỏ trong xã hội đầy bất an hôm nay bằng chính những trang viết nhân văn của các nhà văn cho thế giới của các em.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nuoi-duong-nhung-trang-viet-cho-tre-tho-i696141/