'Nuôi dưỡng' nguồn thu ngân sách

Bám sát tình hình thực tế của từng giai đoạn cụ thể, ngành tài chính Lào Cai đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các phương án quản lý và điều hành thu, chi ngân sách, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Hằng năm, số thu ngân sách của tỉnh đều vượt kế hoạch, số thu năm sau cao hơn năm trước.

Sản xuất công nghiệp đóng góp lớn cho thu ngân sách địa phương.

Sản xuất công nghiệp đóng góp lớn cho thu ngân sách địa phương.

Tạo nguồn và tăng thu ngân sách

Những ngày đầu tái lập, Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Kết cấu hạ tầng bị tàn phá do chiến tranh, xuống cấp nghiêm trọng, chậm được khôi phục. Tỷ lệ đói, nghèo cao; trình độ dân trí thấp, các điều kiện về giáo dục, y tế còn nhiều bất cập… Thu ngân sách hằng năm chỉ đáp ứng 20% - 25% nhu cầu chi của tỉnh, vốn đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào nguồn Trung ương cấp.

Trước tình hình đó, ngành tài chính đã đưa ra lộ trình phù hợp với từng giai đoạn, đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Để tạo nguồn thu ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ chi, ngành tài chính Lào Cai đã tham mưu với các cấp ủy, chính quyền huy động tối đa các nguồn vốn trong toàn xã hội, các nguồn thu trên địa bàn vào ngân sách tỉnh; xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư trong Nhân dân, trong nước và nước ngoài; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất...

Theo đó, nguồn thu ngân sách tỉnh đã dần ổn định và đạt mức tăng trưởng cao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2000 đạt 400 tỷ đồng (tăng hơn 11 lần so với năm 1991), đến năm 2010 đạt 4.540 tỷ đồng (tăng 185,5 lần so với năm 1991 và gấp 8,6 lần so với năm 2000). Năm 2020, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 9.089 tỷ đồng, tăng 500 lần so với năm 1991. Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 1991 - 2000 đạt 68%/năm, giai đoạn 1991 - 2020 bình quân đạt 34,5%/năm, giai đoạn 2011 - 2020 đạt 13,2%/năm.

Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển

Dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã dành nguồn lực thích đáng cho đầu tư phát triển. Ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ trước và xây dựng nghị quyết nhiệm kỳ tiếp theo. Trải qua các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh (từ Đại hội XII đến Đại hội XVI), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đều xây dựng chương trình công tác trọng tâm, đề án, kế hoạch, nghị quyết chuyên đề.

Trong nhiệm kỳ gần đây, tỉnh cân đối, phân bổ hơn 9.790 tỷ đồng thực hiện 4 chương trình, 20 đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tăng 29,12% so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung nguồn lực lớn vào lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành tài chính và kế hoạch chủ trì Đề án số 5 về “Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025” với nhu cầu kinh phí 265 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động nguồn vốn nhà nước là 45 nghìn tỷ đồng, tương đương 17% (riêng vốn ngân sách nhà nước gần 37 nghìn tỷ đồng), vốn ngoài nhà nước 220 nghìn tỷ đồng, chiếm 83% tổng đầu tư toàn xã hội.

Nguồn lực cho đầu tư phát triển được huy động từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có như trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn viện trợ không hoàn lại được các tổ chức chính phủ và phi chính phủ tài trợ, vốn ngân sách nhà nước (ngân sách địa phương, thu tiền sử dụng đất, hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia…). Phấn đấu đến năm 2025, thu ngân sách nhà nước đạt 15.500 tỷ đồng, đảm bảo cân đối ngân sách.

Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngân sách

Sau 30 năm tái lập tỉnh, Lào Cai đã có được những kết quả ấn tượng về thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư... Những kết quả này có đóng góp không nhỏ của việc tập trung đổi mới, hiện đại hóa quy trình công tác quản lý, điều hành nguồn ngân sách nhà nước.

Ông Ngô Đức Ảnh, Giám đốc Sở Tài chính chia sẻ: Trong những năm qua, ngành tài chính luôn coi công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Các đơn vị trong ngành tài chính (Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Lào Cai, Kho bạc Nhà nước Lào Cai) triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin, ứng dụng hiện đại trong công tác quản lý tài chính - ngân sách, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, Sở Tài chính đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo quyết định của UBND tỉnh; trình UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý; thường xuyên rà soát các thủ tục cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 và cập nhật công khai trên hệ thống dịch vụ công của tỉnh, cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Cục Hải quan Lào Cai đã thực hiện hệ thống thông quan tự động (hệ thống VNACCS/VCIS); hệ thống giám sát tự động tại các kho, bãi, cảng (hệ thống VASSCM); triển khai hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia trên hệ thống nghiệp vụ hải quan, hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.

Kho bạc Nhà nước Lào Cai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đến ngày 30/6/2020 đã hoàn thành kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, là 1 trong 6 đơn vị trong cả nước hoàn thành sớm mục tiêu thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Những kết quả trong công tác cải cách hành chính của ngành tài chính đã góp phần đưa tỉnh Lào Cai nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) với tổng điểm 42,96; xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 với 85,55 điểm.

Để đảm bảo nguồn thu ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành tài chính tiếp tục làm tốt công tác quản lý, khai thác và nuôi dưỡng các nguồn thu nội tỉnh. Tham mưu cho tỉnh tạo môi trường thuận lợi, chính sách ưu đãi; tích cực xúc tiến, đẩy mạnh thu hút đầu tư; khai thác có hiệu quả nguồn thu từ các vùng, lĩnh vực có thế mạnh của địa phương như kinh tế cửa khẩu, du lịch, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, khai thác và chế biến các sản phẩm từ rừng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Có cơ chế, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế, mọi công dân có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, giải quyết việc làm. Điều chỉnh lại việc phân cấp nguồn thu giữa các cấp chính quyền địa phương, trong đó tăng cường phân cấp cho các xã nhằm khuyến khích nuôi dưỡng và khai thác các nguồn thu, chống thất thu ngân sách...

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348127-nuoi-duong-nguon-thu-ngan-sach