Nuôi dưỡng mạch nguồn học tập suốt đời

BHG - Xây dựng xã hội học tập (XHHT), học tập suốt đời được tỉnh ta xác định là nhiệm vụ chiến lược, nội dung quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo yêu cầu phát triển của xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này, tỉnh ta đặc biệt quan tâm phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong việc xây dựng XHHT; bởi đây chính là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng XHHT, tỉnh ta đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về xây dựng XHHT. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Khuyến học các cấp làm nòng cốt trong việc liên kết, vận động toàn dân tham gia KHKT, xây dựng XHHT, nhất là ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Đến nay, tỉnh ta có 4.028 hội, chi hội, ban khuyến học với tổng số gần 318.000 hội viên (chiếm 34% dân số). Thời gian qua, Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các mô hình học tập với mục đích vận động người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời để bồi đắp tri thức, xây dựng XHHT, đóng góp trí tuệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện, toàn tỉnh có 138.810 gia đình đăng ký “Gia đình học tập” (chiếm 76% số gia đình trong toàn tỉnh); 1.704 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập” (đạt 62,12%); 1.627 cộng đồng đăng ký “Cộng đồng học tập” (đạt 78,6%); 746 đơn vị đăng ký “Đơn vị học tập” (đạt 89,44%) và 123.847 người (ước khoảng 19,5% số công dân trong toàn tỉnh, trừ trẻ mầm non, học sinh, sinh viên) đăng ký “Công dân học tập”. Theo đánh giá của nhiều cấp ủy trong tỉnh, các mô hình học tập trên đều là những mô hình đặc sắc, nội dung chứa đựng nét đẹp truyền thống được tôn vinh qua từng tiêu chí, chứa đựng tình cảm và sự sáng tạo của lớp lớp thế hệ làm công tác khuyến học. Đồng thời, cho thấy sự đón nhận và tham gia tích cực của nhân dân vào thực hiện các mô hình học tập cũng như công tác KHKT, xây dựng XHHT.

Gia đình bà Bàn Thị Lân, xã Tiên Kiều (Bắc Quang) kiểm tra việc học tập ở nhà của cháu nội.

Gia đình bà Bàn Thị Lân, xã Tiên Kiều (Bắc Quang) kiểm tra việc học tập ở nhà của cháu nội.

Tại thôn Sủng Trái A, xã Sủng Trái (Đồng Văn), gia đình ông Sùng Sính Dế được biết đến là gia đình vượt khó, hiếu học có tiếng trong đồng bào Mông khi cả 5 người con đều được nuôi ăn học; trong đó, 3 người con lớn của ông lần lượt theo học các trường chuyên nghiệp, trở thành công dân có ích cho xã hội. Chia sẻ về vai trò của gia đình trong việc hun đúc tinh thần vượt khó, ham học của các con, ông Dế bộc bạch: Tôi luôn động viên các con phải tự học thường xuyên, học tập suốt đời, trước hết là để thoát ly khỏi cuộc sống lam lũ như bố, mẹ; sau là để nâng cao nhận thức, học để làm việc, để chung sống, hoàn thiện bản thân mình, đón cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Nếu như “Gia đình học tập” là tế bào quan trọng để xây dựng XHHT thì “Dòng họ học tập” chính là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học, góp phần xây dựng XHHT. Thông qua các hình thức sinh hoạt dòng họ, nhất là trao học bổng cho con, cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập, vinh danh con, cháu tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã trở thành điểm nhấn đáng trân trọng của dòng họ; góp phần khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học và giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tiêu biểu có thể kể đến dòng họ Đàm ở xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang), dòng họ Đặng ở xã Hữu Sản (Bắc Quang) hay dòng họ Ma ở xã Thái An (Quản Bạ)...

Anh Sình Dỉ Chai, Trưởng dòng họ Sình học tập ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) cho biết: Dòng họ Sình được chính quyền địa phương công nhận “Dòng họ học tập” năm 2015; 16/16 gia đình trong dòng họ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 100% các thành viên trong dòng họ đăng ký “Công dân học tập”. Đến nay, trong dòng họ có hàng chục người tham gia công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh và có trên 20 người đang theo học tại các trường chuyên nghiệp trong cả nước. Để có được kết quả trên, chúng tôi đã phát huy vai trò của cá nhân, gia đình tham gia học tập; coi việc học là tài sản vô giá của mỗi gia đình và dòng họ. Đi liền với việc phát động các phong trào thi đua vượt khó học tập tốt, làm rạng danh dòng họ chúng tôi còn xây dựng nguồn quỹ hơn 30 triệu đồng để kịp thời khen thưởng con, cháu có thành tích học tập tốt, tạo động lực thúc đẩy việc học tập trong dòng họ. Ngoài chăm lo việc học cho con, cháu, chúng tôi động viên mọi thành viên trong độ tuổi lao động đi học bổ túc văn hóa, học nghề, tìm hiểu pháp luật để nắm chắc chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tiếp thu khoa học, kỹ thuật tiến bộ phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thông qua công tác KHKT, xây dựng XHHT đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mạng lưới trường học rộng khắp với tổng số 820 cơ sở giáo dục, 1.148 điểm trường mầm non, 757 điểm trường tiểu học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt từ 95 – 97%, tỷ lệ học sinh THCS tốt nghiệp đạt 99,76%, cấp THPT đạt trên 94%...

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202310/nuoi-duong-mach-nguon-hoc-tap-suot-doi-2e53258/