Nuôi chó, mèo trong chung cư có thể bị phạt 160 triệu đồng

Theo luật sư, người nuôi chó, mèo trong chung cư gây tiếng ồn, vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị phạt tiền lên đến 160 triệu đồng.

Cô gái bị đuổi khỏi chung cư vì nuôi 19 con chó

Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng lan truyền clip cư dân bức xúc tập trung đông người trước sảnh của một chung cư ở quận 7, TP.HCM, yêu cầu cô gái nuôi 19 con chó chuyển nhà.

Nội dung đoạn clip cho thấy, một số cư dân bức xúc cho biết, việc cô gái nuôi 19 con chó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống ở chung cư R.P.

Mỗi ngày, họ phải chịu đựng tiếng chó sủa ồn ào, mùi hôi, mất vệ sinh từ căn hộ của cô gái. Thậm chí, một người đàn ông lớn tiếng, kêu gọi mọi người "chung sức" mời cô gái này chuyển nhà.

Mặc kệ mọi người phản ứng, chủ nhân của 19 con chó ra sức tranh cãi, thách thức. Để giải quyết vụ việc, cư dân đã thông báo cho công an phường Phú Thuận, quận 7 đến làm việc.

Đàn chó của chị N.P. Ảnh: MXH

Khi công an địa phương có mặt, cô gái vẫn không hợp tác, cho rằng cư dân chung cư hành xử không đúng.

Sau đó, trong clip, chủ nhân của 19 con chó nói rằng, chủ nhà và Ban Quản lý (BQL) chung cư thông báo quá gấp, không cho cô thời gian để tìm nhà mới.

Đại diện BQL đã đưa ra phương án tìm và thuê giúp cô gái một nhà kho gần chung cư. Tài sản và 19 con chó của cô sẽ được đưa vào đó bảo quản, chăm sóc trong lúc cô tìm nhà mới để thuê.

Thế nhưng, cô gái không đồng ý rồi bỏ đi, để lại 19 con chó cùng đồ đạc. Cô còn đòi kiện BQL, cư dân chung cư nếu làm mất mát tài sản và chó của cô.

Đến ngày 3/4, mạng xã hội xuất hiện thêm nhiều clip liên quan đến vụ việc. Theo những clip này, cô gái vẫn chưa quay lại đón 19 con chó và mang đồ đạc đến chỗ ở mới. Tất cả được quây lại ở phía ngoài sân chung cư. Thấy vậy, cư dân chung cư đã hỗ trợ đưa 19 con chó đến nơi mát mẻ và cho ăn.

Bị cư dân chung cư yêu cầu rời đi, cô gái vẫn nán lại tranh cãi. Ảnh cắt từ clip.

Được biết, chủ nhân của 19 con chó trong vụ việc kể trên là chị N.P (35 tuổi). Chiều ngày 3/4, chị P. đã quay lại chung cư R.P để chuyển đồ đạc đi nơi khác. 19 con chó cũng được một cơ sở chăm sóc thú cưng tạm thời nhận nuôi.

Nuôi chó, mèo ở chung cư có thể bị phạt 160 triệu đồng

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, việc cô gái sử dụng nhà chung cư để nuôi số lượng chó nhiều là không phù hợp với mục đích sử dụng của nhà chung cư, bởi tại khoản 3 điều 2 Luật Nhà ở 2014 định nghĩa về nhà chung cư quy định:

Nhà chung cư là nhà ở có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.

Đồng thời, tại khoản 1 điều 2 Luật Nhà ở 2014 định nghĩa: Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, cá nhân. Nhà ở được sử dụng vào mục đích để ở và mục đích không phải để ở mà pháp luật không cấm là nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp.

Như vậy, mục đích của nhà chung cư là để phục vụ mục đích để ở không phải phục vụ mục đích "trang trại" để nuôi con vật.

Thứ hai, khi ở nhà chung cư, cô gái cũng như tất cả mọi người trong tòa nhà chung cư đều phải tuân theo nội quy, quy chế của Ban Quản trị tòa nhà, Hội nghị cư dân tòa nhà đưa ra nhằm đảo bảo an ninh, trật tự trong tòa nhà và thỏa thuận trong hợp đồng với người thuê nhà về đảm bảo an ninh, trật tự. Tuy nhiên do cô gái nuôi số lượng chó lớn nên những con vật này gây tiếng ồn, ảnh hưởng tới sinh hoạt, nghỉ ngơi của cư dân khác trong tòa nhà.

Như vậy, ở đây cô gái có hành vi vi phạm quy định nội bộ của tòa nhà về đảm bảo an ninh trật tự, tiếng ồn và do có thể nuôi chó số lượng lớn, lượng phóng uế của chó hàng ngày gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng chất lượng môi trường cho những cư dân xung quanh căn hộ cô gái sinh sống, nên chủ sở hữu căn hộ chung cư chấm dứt hợp đồng thuê nhà với cô gái là có căn cứ.

Tại khoản 4 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nghiêm cấm hành vi: Gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; xả thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

Đồng thời, tại Điều 60 Luật này quy định: Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.

Như vậy, pháp luật nghiêm cấm các hành vi gây tiếng ồn ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh. Theo quy định của pháp luật, hành vi này của người nuôi chó, mèo trong chung cư có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

Về việc gây tiếng ồn, theo điều 22 Nghị định số 452022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì người nuôi chó, mèo trong chung cư có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng, bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại điều này gây ra.

Về ô nhiễm không khí (nếu có), người nuôi chó, mèo trong chung cư có thể bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 24 của Nghị định số 452022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Do đó, để tránh những hậu quả không mong muốn xảy ra, mọi người cần tuân thủ, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh. Tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của những người khác được Nhà nước, pháp luật bảo vệ.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nuoi-cho-meo-trong-chung-cu-co-the-bi-phat-160-trieu-dong-169240405215804344.htm