Nước sạch cho đồng bào dân thộc thiểu số

Nước sạch là nhu cầu tất yếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình và là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

2 năm nay cuộc sống của 29 hộ đồng bào dân tộc Mông, thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) đã thay đổi hẳn, bà con không còn phải dẫn nước lần từ khe suối mà đã có công trình nước sạch ngay tại nhà. Ông Dương Văn Lồng, một người dân trong thôn phấn khởi cho biết, năm 2021, Nhà nước hỗ trợ kinh phí khoan giếng, lắp đặt đường ống dẫn nước. Giếng khoan, có nhiều nước nên đủ cho cả gia đình nhà ông và 5 hộ lân cận dùng chung.

Cùng tâm trạng phấn khởi như ông Lồng, bà Lý Thị Mỷ vui mừng bảo, “mấy nhà chung một giếng, nước nhiều và sạch lắm, hàng tháng bà con chỉ góp tiền để trả tiền điện bơm nước thôi, không còn lo thiếu nước nữa rồi”.

Người dân thôn 6 Minh Tiến, xã Minh Hương ( Hàm Yên) được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh.

Người dân thôn 6 Minh Tiến, xã Minh Hương ( Hàm Yên) được sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, do địa hình nên cụm dân cư thôn 1 A Thống Nhất luôn trong tình trạng thiếu nguồn nước sinh hoạt. Năm 2021 xã đã đề xuất với huyện đầu tư xây dựng 5 giếng khoan, với kinh phí xây dựng gần 17 triệu đồng/giếng. Đây là công trình cấp nước sạch phân tán phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, mỗi giếng sẽ cung cấp nước cho 1 nhóm hộ gia đình. Có công trình nước sạch, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt vào thời điểm tháng 3-5 hàng năm đã được giải quyết; người dân trong thôn cũng không còn mắc cách bệnh về mắt, đường ruột do nguồn nước không hợp vệ sinh.

Người dân thôn Phia Lài, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cũng đã có một cuộc sống mới kể từ khi công trình cấp nước sạch được đưa vào khai thác. Ông Quách Văn Binh bảo, “nước từ công trình cấp nước của thôn chạy theo đường ống về đến tận nhà rồi, vặn van là nước chảy ra à! Bà con dân bản không phải tìm nước từ các khe, lạch nữa, mừng lắm!” Ông Binh cho biết thêm, “nước chảy về tận nhà nên bà con quý lắm, bảo ban nhau sử dụng tiết kiệm để có nước dùng lâu dài”.

Toàn tỉnh có tổng số 383 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 227 công trình hoạt động. Các công trình khai thác nước hoạt động bền vững, với công suất khai thác hàng chục nghìn mét khối nước/ngày/đêm, đáp ứng cho trên 95% số hộ nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt phân tán cho 10.360 hộ hưởng lợi; xây dựng 20 công trình nước sinh hoạt tập trung cho các cụm dân cư, cơ quan, trường học ở các xã có đông vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư xây mới các công trình nước sạch, tỉnh cũng tiếp tục mở rộng đấu nối, tạo nguồn, dẫn nguồn nước ổn định phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Theo ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, công trình nước được xây dựng không những mang đến nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày hơn cả là nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, để các công trình nước sạch hoạt động hiệu quả, bền vững, chính quyền các địa phương cần tích cực, chủ động tham gia vào công tác quản lý các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn; đối tượng hưởng lợi nêu cao ý thức, trách nhiệm không chăn thả gia súc, canh tác trong khu vực đầu nguồn nước, giữ gìn, nguồn nước sạch, an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/nuoc-sach-cho-dong-bao-dan-thoc-thieu-so-173022.html