'Nước rút' giải ngân vốn đầu tư công

Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ khép lại năm tài khóa 2023 nên nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay tỉnh xác định đó là “nước rút” giải ngân vốn đầu tư công; triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ để tránh tình trạng có tiền nhưng không tiêu được.

Nhận diện “nút thắt”

Nhằm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, tỉnh ta triển khai, thực hiện quyết liệt, khẩn trương các văn bản, kế hoạch, chỉ thị của T.Ư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn; đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm và dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển KT - XH; tổ công tác theo các quyết định của UBND tỉnh thường xuyên làm việc với các chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Các chủ đầu tư nâng cao năng lực quản lý, lập kế hoạch, cam kết triển khai, thực hiện dự án; đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, trang thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công dự án; đảm bảo nguồn nguyên vật liệu xây dựng các dự án.

Nhà thầu thi công huy động máy móc đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang.

Nhà thầu thi công huy động máy móc đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang.

Tính đến ngày 13.11, số vốn giải ngân của tỉnh trên 4.397 tỷ đồng, đạt 59,74% kế hoạch; trong đó, giải ngân kế hoạch vốn kéo dài thời gian thanh toán năm 2022 sang năm 2023 trên 765 tỷ đồng, đạt 57,41% kế hoạch. Tổng số vốn đã giải ngân năm 2023 (không bao gồm nguồn thu sử dụng đất, giao tăng nhiệm vụ thu và ngân sách tỉnh) được trên 3.560 tỷ đồng, đạt 59,58% kế hoạch; trong đó, nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giải ngân trên 701 tỷ đồng, đạt 74,72% so với kế hoạch; nguồn vốn ngân sách T.Ư giải ngân trên 1.004 tỷ đồng, đạt 45,51% hoạch; chương trình phục hồi và phát triển KT – XH giải ngân trên 1.094 tỷ đồng, đạt 81,64% kế hoạch; chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân trên 759 tỷ đồng, đạt 59,17% so với kế hoạch; vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia trên 769 tỷ đồng, đạt 36,7% kế hoạch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lương Văn Đoàn cho biết: Tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch đặt ra còn chậm; trong số các chủ đầu tư được giao nguồn vốn lớn, có 22 chủ đầu tư giải ngân trên mức trung bình; 12 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình. “Nút thắt” chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do vẫn còn một số sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm; khảo sát lập hồ sơ thiết kế dự án chưa phù hợp với thực tế… dẫn đến phải điều chỉnh dự án, thiết kế/điều chỉnh thiết kế xây dựng, làm chậm tiến độ thi công của dự án.

Quyết tâm tháo gỡ

Dự án đường nội thị thị trấn Vị Xuyên được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án.

Dự án đường nội thị thị trấn Vị Xuyên được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án.

Nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; đặc biệt, các chủ đầu tư có số vốn bố trí lớn, được giao quản lý các dự án trọng điểm đang đặt quyết tâm, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công, nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” nhằm giải ngân các nguồn vốn đã cam kết. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2023 đối với các dự án không có khả năng thực hiện và giải ngân bổ sung cho các dự án có khả năng giải ngân tốt. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Mặc dù là huyện có tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 55%, chỉ nằm ở tốp trung bình so với các ngành, địa phương trong tỉnh nhưng huyện Vị Xuyên đang nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để có thể bứt tốc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Hoàng Thanh Tịnh chia sẻ: Huyện đặt quyết tâm và cam kết thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất có thể. Tập trung giải quyết khó khăn về vật liệu, hoàn thành các thủ tục thanh, quyết toán các công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, để đảm bảo mục tiêu đặt ra về giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, các ngành chức năng của tỉnh đang tập trung hướng dẫn kiểm đếm, đo đạc diện tích đất đai, giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng sát với thực tiễn, đảm bảo bàn giao mặt bằng nhanh để thực hiện dự án đúng tiến độ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch đầu tư công bảo đảm đúng mục đích, chất lượng công trình. Đồng thời, có biện pháp xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu thi công vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; thay thế nhà thầu yếu về năng lực, không đáp ứng được yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm; công trình, dự án có tác động lan tỏa. Quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân từng dự án; coi đây là căn cứ để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn hành nhiệm vụ được giao năm 2023.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202311/nuoc-rut-giai-ngan-von-dau-tu-cong-b152acc/