Nước mắt của Hojbjerg

Khi tiếng còi kết thúc trận Đan Mạch thắng CH Czech vang lên, Pierre Emile Hojbjerg quỵ gối xuống sân khóc nức nở. Thomas Delaney và các đồng đội chạy đến, vây quanh an ủi anh.

Nước mắt của Hojbjerg dành cho hai người. Một là Christian Eriksen, tiền vệ gặp sự cố ngưng tim trong trận gặp Phần Lan. Ở bữa ăn tối trước khi "trận đấu đáng quên" này diễn ra, Hojbjerg ngồi cạnh Eriksen, họ còn cười đùa với nhau.

Những ngày sau đó, chiếc ghế bên cạnh Hojbjerg ở phòng ăn khách sạn Marienlyst (nơi đóng quân của đội tuyển Đan Mạch - PV) bỏ trống để thể hiện sự tôn trọng với Eriksen. Eriksen cũng chính là người Hojbjerg xin lời khuyên đầu tiên trước khi quyết định chuyển từ Southampton tới Tottenham mùa hè năm ngoái.

Người thứ hai xuất hiện trong suy nghĩ của Hojbjerg là cha anh, ông Christian, một nhà nhân chủng học. Ông Christian rất gần gũi với cậu con trai đến khi qua đời cách đây 7 năm vì căn bệnh ung thư dạ dày.

Lúc đó, ở tuổi 19, Hojbjerg chỉ có thể cố gắng trả tiền hóa trị ung thư cho cha bằng cách lọt vào đội một của Bayern Munich với các khoản tiền thưởng.

Hojbjerg là một trong những nhân tố quan trọng của tuyển Đan Mạch. Ảnh: Reuters.

Nước mắt cho người cha

Hojbjerg không dưới một lần công khai bày tỏ nỗi nhớ cha. Năm 2019, trong buổi phỏng vấn truyền hình, anh tiết lộ lúc bản thân đau buồn nhất, thì đó lại là khi mình ghi bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển Đan Mạch (vào lưới Armenia hồi tháng 9/2014 - PV).

“Nếu chỉ được chia sẻ cảm xúc mừng vui với một người, thì đó chắc chắn là cha tôi. Chỉ xin một giây thôi. Một cái đập tay. Một cái ôm. Tôi thấy ruột tôi quặn lên. Vài tuần và vài tháng sau đó, tôi không thể vui lên được”, Hojbjerg nói.

Năm 2015, sau trận thắng then chốt trước Serbia trên sân nhà Parken tại vòng loại Euro 2016, Hojbjerg cũng đổ xuống sân khóc như sau trận thắng CH Czech. Sân Parken nằm ngay gần bệnh viện cha anh đã làm hóa trị. Có lần, ông cầm tay Hojbjerg nói ước gì được xem cậu con trai khoác áo đội tuyển Đan Mạch đá trên sân này.

Bộ óc lý trí của đội tuyển

Nước mắt của Hojbjerg, trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence) biến anh trở thành hình tượng đẹp trong lòng công chúng Đan Mạch. Và trong đội tuyển, tiền vệ này trở thành nhân vật quan trọng thứ ba, chỉ sau thủ quân Kasper Kjaer và thủ môn lớn tuổi Kasper Schmeichel.

Các chuyên gia bóng đá Đan Mạch xem Hojbjerg, bên cạnh cầu thủ chạy cánh Joakim Maehle, là hai cầu thủ nổi bật nhất của đội từ đầu giải. “Dưới tay Pep Guardiola ở Bayern Munich, cậu ấy học rất nhiều để chọn vị trí sao cho thật tốt”, cựu tiền vệ Morten Bisgaard nhận xét.

Về mặt thể lực, Hojbjerg là lực sĩ, anh chạy chỗ không bóng rất nhiều. Trong khi đồng đội ở cùng tuyến giữa Delaney đều được rút ra nghỉ vào cuối trận, thì Hojbjerg chơi tất cả phút trên sân.

Cường độ hoạt động mãnh liệt này không xa lạ với các CĐV Tottenham. Hojbjerg không vắng mặt bất kỳ phút nào trong 38 trận ở giải Premier League mùa bóng qua. Chỉ có một cầu thủ khác cũng thực hiện được việc này, là tiền vệ James Ward Prowse của Southampton.

Sức bền bỉ của Hojbjerg không làm giảm đi hiệu quả đóng góp cho đội bóng. Ở Tottenham, anh chơi lùi, trong khi ở tuyển Đan Mạch, Hojbjerg đá cao hơn. Việc này cũng là do Eriksen không thi đấu được, Đan Mạch chuyển từ hệ thống 4-2-3-1 sang hệ thống 3-4-3. Ở hệ thống 3-4-3, Hojbjerg phải chơi cao hơn.

Tại Tottenham, các pha chạm bóng của Hojbjerg ở 1/3 cuối sân là 9,9%. Nhưng ở đội Đan Mạch, 19,4% pha chạm bóng của anh thực hiện tại khu vực này. Trong màu áo Tottenham, 32% đường chuyền của anh là lên phía trên. Tại đội Đan Mạch, con số này là 38%.

Thật ra, tiến lên phía trước là thiên hướng của Hojbjerg. Mẹ anh là người Pháp. Hojbjerg lớn lên với Zinedine Zidane là thần tượng. Trong đội U21, anh được xem như số 10. Sau này, Hojbjerg mới phát triển các kỹ năng như tắc bóng, chặn bóng, lấy lại bóng.

Vì thế, yêu cầu chơi hướng về phía trước hơn không khó đối với Hojbjerg. Anh tạo ra 16% cơ hội ăn bàn, đó là chỉ số cao nhất đội. Hojbjerg có 3 đường chuyền kiến tạo, chỉ ít hơn tiền vệ Thụy Sĩ Steven Zuber (4 lần).

Trong khi ở Tottenham, do được bố trí chơi nặng về đánh chặn, Hojbjerg chỉ có 4 đường chuyền thành bàn trong 38 trận đấu Premier League. Rõ ràng, khi được đòi hỏi lấp vào khoảng trống của Eriksen thì Hojbjerg đã làm rất tốt. Dù vậy, anh vẫn không quên nhiệm vụ chính của mình là phòng thủ.

Hojbjerg có tinh thần chiến đấu rất ngoan cường. Ảnh: Reuters.

Và trái tim đầy cảm xúc của đội bóng

Những năm đầu sự nghiệp, Hojbjerg không dễ được chấp nhận trong đội tuyển Đan Mạch. Anh rời Đan Mạch rất sớm để gia nhập Bayern nên không có nhiều kết nối với các cầu thủ lớn tuổi hơn.

Giọng nói nhẹ pha chút ngữ âm Pháp cộng với trí thông minh thừa hưởng từ người cha hàn lâm khiến Hojbjerg đứng tách biệt với nền văn hóa Đan Mạch, vốn coi trọng tập thể hơn là cá nhân.

Những cảm xúc không được giấu giếm của anh trên sân không phù hợp với đội tuyển Đan Mạch, lúc đó được lãnh đạo bởi thủ quân Daniel Agger, vốn là cầu thủ cứng rắn, không thỏa hiệp, xăm trổ đầy người. Nước mắt của Hojbjerg được xem là biểu hiện của sự mềm yếu, khiến đội bóng mất tập trung.

Sự thẳng thắn của Hojbjerg không phù hợp với HLV lúc bấy giờ là Age Hareide. Sau phản ứng giận dữ khi bị thay ra sân trong trận thua 0-1 trước Montenegro vào tháng 10/2016, Hojbjerg không được gọi lại vào ĐTQG trong 2 năm và bỏ lỡ World Cup 2018.

“Pierre có những suy nghĩ riêng về cách chúng tôi làm mọi thứ và tôi không hài lòng về điều đó,” Hareide nói sau trận thua Montenegro.

Bỏ lỡ World Cup là động lực để anh phấn đấu làm tốt nhất những thứ có thể cho Southampton. Năm 2018, ở tuổi 23, anh được trao băng thủ quân CLB này.

“Đó là sự thừa nhận lớn nhất mà tôi nhận được trong bóng đá, nó dập tan dư luận rằng tôi có thái độ không tốt và không phải là một cầu thủ vì đồng đội”, Hojbjerg nói.

Văn hóa trong đội tuyển thay đổi khi có HLV mới Kasper Hjulmand. Ông khuyến khích các cầu thủ bày tỏ cảm xúc thay vì im lặng và tỏ ra cứng rắn.

Chính Hjulmand đã khóc trước giới truyền thông sau sự kiện Eriksen. Bởi nó khuấy động cảm xúc các học trò của ông.

Trong đội tuyển Đan Mạch, không chỉ có Hojbjerg mất cha sớm, Yussuf Poulsen và Mathias Jorgensen cũng phải chịu cảnh tương tự.

Hjulmand, với tài hùng biện và sự đồng cảm, đang trở thành một HLV được cả các cầu thủ và công chúng yêu mến. Hojbjerg cũng vậy.

“Các CĐV yêu thích cảm xúc tự nhiên của cậu ấy. Cậu ấy dám cởi mở, chứng tỏ mình cũng như mọi người, không phải là siêu nhân. Họ cảm thấy cậu ấy cũng như họ, và cậu ấy giành được trái tim họ”, Bisgaard giải thích.

Sự đồng cảm là vũ khí mạnh mẽ ở người lãnh đạo. Mùa thu năm ngoái, Mourinho đã gọi Hojbjerg là “thủ quân không đeo băng thủ quân” và nói: “Chắc chắn một ngày nào đó cậu ấy sẽ trở thành HLV. Hojbjerg là mối nhức đầu thú vị của tôi trên sân tập khi luôn đặt câu hỏi về việc tại sao chúng tôi làm thế này thế kia”.

Tại Wembley rạng sáng 8/7 (giờ Hà Nội), Hojbjerg sẽ mang cường độ hoạt động lớn đến thành phố anh đang sống để chứng minh bản thân đã tiến bộ thế nào sau 1 năm chuyển đến. Và anh sẽ không ngần ngại bày tỏ cảm xúc của mình, dù kết quả có thế nào đi nữa.

Video CH Czech - Đan Mạch: Schick bắt kịp thành tích của Ronaldo Từ chấm phạt góc, Jens Stryger chuyền bóng kiến tạo giúp Thomas Delaney mở tỷ số cho tuyển Đan Mạch trong trận tứ kết Euro 2020 đêm 3/7 (giờ Hà Nội).

Chính Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nuoc-mat-cua-hojbjerg-post1235820.html