Nữ xạ thủ Thu Vinh và câu chuyện vượt qua mặc cảm

VĐV bắn súng Trịnh Thu Vinh đang là cái tên nhận nhiều sự quan tâm sau tấm vé dự Olympic Paris 2024 và HCV giải bắn súng châu Á 2024.

Nhưng ít ai biết, để có được thành quả như vậy, cô gái quê Thanh Hóa đã phải vượt qua nhiều thứ, trong đó có cả sự mặc cảm ngoại hình.

Nỗ lực cho đấu trường Olympic

Là một trong bốn VĐV Việt Nam đã giành vé dự Olympic Paris 2024, chị đã và đang làm gì để chuẩn bị cho đấu trường đỉnh cao này?

Tôi đang cố gắng bám sát phương pháp của ban huấn luyện đề ra, tập thêm thể lực bổ trợ chuyên môn và nỗ lực hoàn thành mục tiêu bản thân trong mỗi buổi bắn. Từ những buổi bắn, tôi rút kinh nghiệm, chắt lọc những kỹ thuật tốt nhất để đến với giải đấu thật tự tin.

Trịnh Thu Vinh đang là một trong những xạ thủ trẻ nhiều tiềm năng của bắn súng Việt Nam.

Chị có kỳ vọng mình sẽ làm được điều gì đó hay không, giành huy chương chẳng hạn?

Đã là VĐV, ai cũng muốn giành kết quả cao nhất lúc tranh tài. Khi được đại diện cho màu cờ sắc áo Việt Nam tại sân chơi tầm cỡ thế giới, khát khao chiến thắng càng mãnh liệt. Tôi sẽ nỗ lực hết mình, nhưng không nói trước được điều gì bởi để đạt được tấm huy chương còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả may mắn.

Nhiều người thắc mắc không biết ngày 8/3 của một VĐV bắn súng sẽ như thế nào?

Với tôi, ngày 8/3 cũng như bao ngày khác, vẫn sinh hoạt và tập luyện theo thời khóa biểu. Khác một chút là có thể các thầy trong bộ môn sẽ tặng các cô cùng VĐV nữ một món quà nhỏ để động viên.

Môn bắn súng có gì đặc biệt so với các môn thể thao khác?

Nếu so với các môn thi đấu đối kháng, bắn súng nhẹ hơn về thể lực nhưng căng thẳng đầu óc. Một buổi thi đấu có tổng cộng 60 viên, diễn ra trong 1 giờ 30 phút. Chúng tôi phải đạt điểm tối đa trong mỗi loạt bắn, nếu sai sót trật điểm 10 thì chỉ trong khoảng 10 viên mới có hy vọng giành huy chương.

Trong tập luyện hay thi đấu, VĐV bắn súng phải tập trung tối đa vào các kỹ thuật, động tác. Nếu bản thân thả lỏng dù chỉ một chút sẽ bị cắt ngang dòng suy nghĩ, dễ quên kỹ chiến thuật mình đang tư duy.

Ngày này qua ngày khác lặp lại như vậy, đã khi nào chị cảm thấy chán và muốn từ bỏ?

Thực ra tất cả giống như phản xạ tự nhiên, được hình thành qua nhiều năm tập luyện. Nhưng cũng có khoảng thời gian tôi bị stress vì thành tích tập luyện lẫn thi đấu đều không tốt. Thậm chí tôi đã từng suy nghĩ sẽ bỏ bắn súng nhưng đam mê vẫn còn, cộng thêm khao khát cống hiến cho thể thao nước nhà và tấm lòng của thầy cô đã đã kéo tôi lại.

Vượt qua mặc cảm

Bắn súng đã đem lại cho chị những gì?

Đầu tiên là bản lĩnh và ý chí vượt qua khó khăn, chiến thắng bản thân. Tiếp đến là kinh tế. Trong khoảng ba năm nay, thành tích của tôi khá ổn nên cũng giúp được gia đình, để bố mẹ đỡ khó khăn hơn trước.

Nhờ bắn súng tôi cũng được nhiều người biết đến. Sau khi giành vé dự Olympic, tôi ra đường nhiều bạn trẻ nhận ra muốn chụp ảnh chung, mọi người nói tôi trông ngầu lắm (cười nói).

Thu Vinh và Quang Huy giành HCV ở giải bắn súng châu Á.

Và chắc hẳn vẫn còn những thiệt thòi, đúng vậy không?

Đương nhiên, đã gắn bó với thể thao chuyên nghiệp thì cuộc sống riêng sẽ bị hạn chế rất nhiều. Trong lúc bạn bè bay nhảy, đi đây đi đó thì tôi phải tập trung vào súng, đạn. Do đặc thù bắn súng, tay phải giơ liên tục nên tôi cũng bị lệch vai, bên to bên nhỏ.

Nói không mặc cảm về chuyện này thì hơi dối lòng. Vì phụ nữ, con gái ai cũng thích đẹp. Đôi khi đi mua áo, tôi ưng ý lắm mà lúc thử lại không vừa cái vai nên đành để lại. Nhưng để đánh đổi điều này với sự nghiệp thể thao thì tôi thấy là cái giá không hề đắt.

Được biết môn đầu tiên chị tập luyện không phải là bắn súng, vậy cơ duyên nào đưa chị đến với môn thể thao này?

Khoảng năm lớp 7, tôi xin vào đội điền kinh của trường vì thấy mấy bạn được đi chạy ở các cuộc thi cấp trường rồi cấp huyện. Sau đó, tôi thi đấu đứng thứ nhì ở huyện và được đi thi tỉnh.

Ở giải đấu đó, tôi có duyên lọt vào mắt cô Bắc (HLV cầu mây đội Công an nhân dân) đang tuyển quân tại Thanh Hóa. Cô đến hỏi số điện thoại của bố mẹ và giới thiệu tôi cho đội điền kinh Công an nhân dân. Vậy là từ năm 2014, tôi bắt đầu theo tập điền kinh các cự ly 800m, 1.500m và 5.000m.

Nhưng tập 3 năm mà không có thành tích nên thầy cô mới thử cho tôi tập bắn súng. Lúc đó, tôi cũng xác định nếu không theo được nữa thì nghỉ. Nhưng may mắn thầy cô đội bắn súng thấy tôi cũng có năng khiếu nên chọn vào đội và tôi gắn bó với bắn súng cho tới nay.

Gia đình có vai trò như thế nào trong sự nghiệp của chị?

Tôi còn nhớ giải đấu đầu tiên tôi thi không tốt nên đã khóc rất nhiều. Khi đó bố mẹ đã động viên để tôi đứng dậy và bước tiếp. Cho đến bây giờ, mỗi thành công hay thất bại của tôi đều có gia đình bên cạnh, tiếp thêm động lực.

Bố mẹ tôi ở nhà đều làm nông nghiệp, kinh tế khá eo hẹp nên tôi càng quyết tâm hơn bởi chỉ có đạt nhiều thành tích cao mới có thể giúp đỡ bố mẹ. Căn nhà ở quê cũng đã xuống cấp, tôi đang tiết kiệm để một hai năm tới cùng bố mẹ sửa sang lại.

Cảm ơn chị!

Trịnh Thu Vinh sinh năm 2000, tại thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.

Thu Vinh mới bén duyên với bắn súng từ năm 2017. Nhưng chỉ sau một năm, cô đã sớm cho thấy tiềm năng với 2 HCV (cá nhân, đồng đội), đồng thời lập kỷ lục trẻ quốc gia ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại Giải súng hơi thanh thiếu niên quốc gia 2018.

Cô bắt đầu nổi danh từ năm 2022 khi giành 2 HCV Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9; 1 HCB, 1 HCĐ SEA Games 31; 3 HCV Giải bắn súng vô địch Đông Nam Á (SEASA) tại nội dung 25m súng ngắn thể thao và 10m súng ngắn hơi nữ.

Cô cũng là một trong hai VĐV bắn súng đã giành vé dự Olympic Paris 2024 bên cạnh Lê Thị Mộng Tuyền nhờ đứng top 5 nội dung 10m súng ngắn hơi tại Giải bắn súng vô địch thế giới 2023.

Tiếp nối chuỗi thành tích ấn tượng, tháng 1/2024, tại Giải bắn súng châu Á, Thu Vinh cùng xạ thủ Phạm Quang Huy xuất sắc giành HCV nội dung đồng đội hỗn hợp nam - nữ súng ngắn hơi.

An Khuê

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nu-xa-thu-thu-vinh-va-cau-chuyen-vuot-qua-mac-cam-19224030801070806.htm