Nữ tiến sĩ kể chuyện bị quấy rối và cách vượt lên nỗi đau, giúp người cùng cảnh

Bà Hồng bị quấy rối từ rất sớm. Trong hầu hết những tình huống bị quấy rối, chỉ có một mình bà đối diện với kẻ thực hiện hành vi.

Lời tòa soạn:

Hành vi quấy rối tình dục ban đầu có thể chỉ là ánh mắt, lời nói, đụng chạm nhưng nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, kẻ tấn công có thể thực hiện những hành vi tiếp xúc cơ thể trái ý muốn, thậm chí tấn công tình dục nạn nhân.

Báo VietNamNet mở diễn đàn Quấy rối tình dục nơi công sở, trường học để cùng chia sẻ với các độc giả về những hành vi lệch lạc cần phải ngăn chặn này. Bài viết liên quan xin gửi về: bandoisong@vietnamnet.vn

Nạn nhân của QRTD luôn bị căn vặn bởi nhiều câu hỏi

TS Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết, những tranh luận xung quanh vấn đề quấy rối tình dục (QRTD) những ngày qua khiến bà nhận thấy mình cần lên tiếng với tư cách một người nghiên cứu và cũng là nạn nhân của hành vi trên.

Bà Hồng bị quấy rối từ rất sớm. Trong hầu hết những tình huống bị quấy rối, chỉ có một mình bà đối diện với kẻ thực hiện hành vi. Một số tình huống khác, dù có người xung quanh, bà cũng không được hỗ trợ. Do đó, bà hiểu rõ chỉ có thể thoát ra nếu chống trả hoặc tỏ thái độ quyết liệt đối với kẻ quấy rối mình.

Bà tâm sự: “Sau những tình huống bị quấy rối, tôi hầu như không kể lại với người khác vì thấy xấu hổ, e ngại. Khi còn nhỏ, tôi sợ mẹ mắng hoặc cấm không cho đi ra ngoài nữa.

Khi đã trưởng thành, tôi không muốn mình bị người khác căn vặn hoặc nghi ngờ hay coi mình là người xui xẻo. Có lẽ vì tôi thấy thái độ của mọi người không thoải mái để thảo luận về chuyện đó”.

Theo bà, khi vụ việc QRTD được công khai, mọi người thường căn vặn nạn nhân bằng những câu hỏi tại sao, như thế nào, tại sao lại là bạn, khi đó bạn đã mặc gì, nói gì, có cử chỉ/hành động nào khiến kẻ kia nghĩ là bạn "bật đèn xanh" cho hắn hay không…

Những câu hỏi như vậy, dù được hỏi với tông giọng như thế nào cũng có thể gây tổn thương ghê gớm.

Hầu hết nạn nhân của QRTD lựa chọn im lặng, dù họ là nam hay là nữ. Ảnh minh họa: P.X

“Tôi sợ mình bị hỏi những câu hỏi như vậy”. Giọng bà Hồng trầm xuống: “Tôi biết có những trường hợp người phụ nữ khi kể với chồng/người yêu của mình về việc bị quấy rối, thay vì được cảm thông, an ủi thì họ bị trách móc, thậm chí xúc phạm, có khi còn bị đánh".

Có thể sau đó nạn nhân của QRTD trở thành nạn nhân của bạo lực tinh thần từ người chồng/người yêu của mình. Họ có thể bị hạn chế tiếp xúc, đi lại, bị kiểm soát thường xuyên, bị nghi ngờ về phẩm hạnh.

Có vài mối tình đã tan vỡ khi sự việc cô gái bị quấy rối được tiết lộ hoặc vỡ lở. Trường hợp bớt tệ nhất là nạn nhân sẽ được cảm thông theo kiểu bạn là người xui xẻo, bất lực, đáng thương…

"Nhưng suy nghĩ mình bị thương hại, bị coi là không có khả năng tự bảo vệ hoàn toàn không dễ chịu chút nào. Đáng sợ hơn là nạn nhân trở thành chủ đề đàm tiếu của người khác, bị gán cho những động cơ xấu như lẳng lơ, có ý định lợi dụng …”, bà nói thêm.

Cảm xúc của TS Khuất Thu Hồng sau những tình huống bị QRTD là tự trách bản thân vì đã mất cảnh giác, hoặc đã không đủ nhạy cảm để nhận ra kẻ quấy rối trước khi hắn hành động.

Có lúc, bà bực tức với bản thân vì chưa đủ mạnh mẽ để có những phản ứng quyết liệt hơn nữa. Cũng có khi bà hối tiếc khi đã để bản thân rơi vào tình huống nguy hiểm…

Phân tích nguyên nhân khiến bản thân có những dằn vặt như vậy, bà chia sẻ: “Khi rơi vào những tình huống ấy, cảm giác chung của tôi là khó chịu, sợ hãi, xấu hổ.

Tình dục vốn là điều khó nói ở Việt Nam. Ở ngoài bối cảnh hôn nhân, tình dục thường bị xem là điều cấm kỵ, nhất là đối với phụ nữ. Để bản thân mình bị rơi vào tình huống liên quan đến loại tình dục đó, chẳng phải là điều hay ho gì.

Đó cũng là lý do khiến hầu hết nạn nhân của QRTD lựa chọn im lặng, dù họ là nam hay là nữ. Khi phụ nữ là nạn nhân của QRTD thì sự đoan chính của họ thường bị nghi ngờ.

Khi nam giới bị phụ nữ quấy rối, họ càng khó lên tiếng vì trong nền văn hóa hiện tại, chẳng mấy người tin điều đó.

Sẽ có nhiều giả định về người đàn ông nạn nhân. Anh ta có thể bị coi là bất lực, là ngu dốt (mồi ngon đến miệng mà còn không biết đường ăn), hoặc bị vợ kìm kẹp ghê quá nên không dám tận dụng cơ hội. Một giả định đỡ tệ hơn là kẻ quấy rối chưa đủ hấp dẫn.

Tệ nhất là tình huống người đàn ông bị một người đàn ông khác quấy rối. Nếu lên tiếng, anh ta sẽ có nguy cơ bị gán nhãn là đồng tính, hoặc bị những người đàn ông khác giễu cợt… Nhiều nam nạn nhân xem đó là điều nhục nhã không thể chịu đựng được”.

Bà Hồng thực hiện nghiên cứu về QRTD tại nơi làm việc và trường học vào năm 1998-1999 ở Hà Nội và TP.HCM. Trong nghiên cứu này, bà phỏng vấn và thảo luận với gần 200 người, cả phụ nữ và nam giới ở độ tuổi từ 15-60.

Vào thời điểm đó, thuật ngữ “quấy rối tình dục” mới “du nhập” vào Việt Nam. Song, bà khá ngạc nhiên khi tất cả những người tham gia nghiên cứu đều hiểu những ý chủ chốt nhất của khái niệm QRTD như: Hành vi có ý nghĩa tình dục, làm đối tượng khó chịu, bối rối, sợ hãi.

Họ cũng hiểu rằng QRTD có thể bao gồm những hành vi động chạm cơ thể, cử chỉ, ngôn ngữ, thậm chí là ánh mắt…

Trong cuộc nghiên cứu, có chị kể cho bà nghe chuyện ông sếp hay nhẹ nhàng đến đằng sau chị, thổi nhẹ vào gáy và hỏi: “Em có biết bộ phận nào của người phụ nữ là đẹp nhất không? Đó là gáy”.

Người phụ nữ kể lại mà vẫn rùng mình. Bà Hồng nhận thấy sự tủi hổ qua giọng nói run rẩy cùng ánh mắt nhìn xuống của chị.

Trong những ngày tháng đó, chị bị xem như thứ đồ vật để ông ta ngắm nghía và mơn trớn. Nhưng chị không dám phản kháng vì sợ mất việc, sợ chồng biết thì sẽ tan cửa nát nhà.

“Người phụ nữ đó đã phải chịu đựng sự tủi hổ trong một thời gian khá dài, cho đến khi ông ta chuyển lên vị trí cao hơn và tìm được nạn nhân mới.

Một chị khác là công nhân khâu giày bị tên kỹ thuật viên quấy rối và bị đồng nghiệp xì xào, dè bỉu. Sau đó, chuyện đến tai người chồng.

Anh ta đến nhà máy tìm kẻ quấy rối để “xử lý” một cách ầm ĩ. Chị càng bị chê cười và nhục nhã đến mức phải bỏ việc ở đó”, bà Hồng xúc động chia sẻ thêm.

“Hiểu rõ về QRTD là việc cần làm hơn cả”

TS Khuất Thu Hồng khẳng định, phụ nữ ở độ tuổi nào cũng có thể là nạn nhân của QRTD, bất kể hình thức của họ ra sao.

Nữ sinh có thể bị quấy rối bởi bạn bè hoặc những kẻ xa lạ. Khi các cháu nói với cha mẹ thì cũng bị mắng và bị hạn chế ra ngoài như một cách để tránh bị quấy rối.

Phụ nữ trưởng thành có thể bị quấy rối bởi đồng nghiệp, sếp, đối tác và cả những người không quen biết. Họ có thể bị quấy rối, thậm chí tấn công tình dục ở văn phòng, công sở, nhà máy, bãi gửi xe, nhà vệ sinh công cộng…

Phần lớn đàn ông trong nghiên cứu của bà Hồng xem việc nam giới quấy rối phụ nữ là ‘xưa như trái đất”. Họ tin rằng, tình dục là bản năng và đàn ông có nhu cầu tình dục cao hơn phụ nữ nên khó kiềm chế ham muốn của mình.

Nhiều người đã ngạc nhiên, hỏi bà Hồng tại sao lại nghiên cứu về chủ đề này vì việc đàn ông trêu ghẹo, tán tỉnh phụ nữ, kể cả động chạm vào cơ thể phụ nữ là chỉ dấu của một người đàn ông “lành mạnh” và phản ánh bản năng tự nhiên của họ.

Theo bà, phát hiện quan trọng nhất của nghiên cứu trên là hầu hết mọi người không hiểu khái niệm ‘đồng thuận’ có ý nghĩa như thế nào khi xem xét một hành vi có là QRTD hay không.

"Nam giới hay nói rằng phụ nữ mới đầu thường tỏ ra không đồng ý hoặc không thích những hành vi trêu ghẹo, tán tỉnh vì họ phải tỏ ra như vậy để chứng minh là mình đoan chính nhưng rồi họ sẽ quen, sẽ thích. Vả lại, chỉ trêu ghẹo, tán tỉnh hoặc động chạm chút thì “có gì đâu” mà nói.

Phụ nữ không hiểu rằng, họ có thể nói không và ngay cả khi họ không thể cất lời thì sự im lặng của họ cũng không thể được hiểu là sự chấp nhận tự nguyện.

Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị tấn công bất ngờ, bị tê liệt hoặc bối rối không biết nên phản ứng thế nào nên đã im lặng. Vì đã im lặng vào lúc đó nên sau này họ không dám kể lại", bà nói.

Cuộc nghiên cứu không có quy mô lớn nhưng nó giúp bà hiểu sâu sắc hơn về QRTD, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này và hậu quả của nó. Cũng từ đó bà Hồng thường lên tiếng khi những vụ việc QRTD xảy ra.

Nhiều người tin rằng, việc phái mạnh quấy rối tình dục bằng cách trêu ghẹo, tán tỉnh kể cả động chạm vào cơ thể phụ nữ là chỉ dấu của một người đàn ông “lành mạnh”. Ảnh minh họa: Shutterstock

Bà cười: “Có người cho là tôi nhiều chuyện, quan trọng hóa một vấn đề vớ vẩn, là nhập khẩu nữ quyền phương tây cứng nhắc vào nền văn hóa Việt Nam…

Tôi không ngại những chỉ trích như vậy. Tôi thấy cần phải lên tiếng và mong muốn có nhiều người cùng lên tiếng với mình.

Tôi muốn bản thân mình và con cháu mình được sống trong một xã hội mà mọi người tôn trọng nhau và được tôn trọng, nơi con người thân ái, tử tế với nhau mà không phải cảnh giác và lo sợ. Phấn đấu để một xã hội như thế trở thành hiện thực thì có bị “mang tiếng” như trên tôi cũng sẵn lòng.

Do vậy tôi tích cực tham gia vào các diễn đàn phòng chống QRTD, phòng chống bạo lực giới và đóng góp vào các hoạt động tham vấn trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật về phòng chống QRTD nói riêng và phòng chống bạo lực giới nói chung.

Trên trán người quấy rối tình dục tiềm năng không ghi điều đó và nhiều người quấy rối không hề biết là họ quấy rối, mà cứ nghĩ đó là cách thể hiện sự quan tâm hay quý mến đối với nạn nhân.

Để xác định từ đầu ai là người “sẽ” quấy rối để tránh là việc rất khó. Có lẽ việc cần làm hơn cả là hiểu rõ QRTD là gì, để có thể nhận biết mình có đang bị quấy rối/hoặc đang quấy rối không để ứng phó hoặc dừng lại.

Còn khi biết mình đang bị quấy rối thì hãy phản ứng lại một cách dứt khoát bằng cách yêu cầu ngừng ngay hành vi/lời nói quấy rối, nói rõ mình không chấp nhận hành vi đó. Bỏ đi chỗ khác.

Nếu hành vi quấy rối lặp lại thì có thể báo cáo với cấp trên. Thu thập các bằng chứng nếu có thể. Nếu việc lên tiếng là khó khăn, không có bằng chứng vật lý về sự quấy rối, hãy ghi chép lại những hành vi đó mỗi khi nó xảy ra - một chuỗi ghi chép chi tiết cũng có giá trị như bằng chứng.

Yêu cầu sự chứng nhận của những người chứng kiến (nếu có). Điều quan trọng nhất bạn nên nhớ là bạn không có lỗi, kẻ quấy rối mới là người có lỗi”.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-tien-si-ke-chuyen-bi-quay-roi-va-cach-vuot-len-noi-dau-giup-nguoi-cung-canh-2272808.html