Nữ sinh khiếm thị thắp sáng ước mơ trở thành biên tập viên bằng sự nỗ lực đứng lên từ bóng tối

Sinh ra là một người khiếm thị với bao thiệt thòi và trở ngại trong cuộc sống nhưng Vũ Thị Hải Anh (sinh năm 2000) chưa từng có ý định đầu hàng trước số phận. Dẫu nhiều rào cản, nữ sinh đến từ Nam Định luôn tìm kiếm cơ hội trong thử thách để hiện thực hóa ước mơ trở thành một biên tập viên MC tỏa sáng trên sân khấu. Cô bạn đang là sinh viên năm nhất ngành Quan hệ Công chúng K68, Viện Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Khó khăn nối tiếp khó khăn

Hải Anh xuất thân trong một gia đình có điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, không chỉ vậy cô kém may mắn khi bị khiếm thị bẩm sinh. Chẳng thấy được ánh sáng, cuộc sống của nữ sinh bao trùm bởi màu đen tối tăm. Thuở nhỏ, không ít lần Hải Anh bị va đập khi di chuyển vì không thể quan sát được mọi thứ xung quanh. Những nỗi đau thể xác, tinh thần cứ ập đến, có lần cô bị ngã do chơi thả diều cùng anh trai, vết thương sâu chảy nhiều máu để lại sẹo đến thời điểm hiện tại.

Vũ Thị Hải Anh (sinh năm 2000) là sinh viên năm nhất ngành Quan hệ Công chúng K68, thuộc Viện Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

Vũ Thị Hải Anh (sinh năm 2000) là sinh viên năm nhất ngành Quan hệ Công chúng K68, thuộc Viện Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

“Đặc biệt, Hải Anh từng không được nhận vào lớp mẫu giáo để học bởi vì khiếm thị, khi đó cả bầu trời dường như sụp đổ. Với một mớ cảm xúc hỗn độn: tức giận, ức chế, thu hẹp bản thân mình lại,... và không giao tiếp với mọi người như trước.” - Hải Anh nhớ lại.

Thắp lên ước mơ nhờ "radio"

Khi đó, người bạn thân thiết nhất của cô gái khiếm thị là các chương trình truyền hình và chiếc đài radio. Khi không được đi học như các bạn đồng trang lứa, Hải Anh dành thời gian lắng nghe các chương trình trên tivi và nhớ từng thời điểm phát sóng. Với cô, radio mang tới vẻ đẹp của âm thanh, nhờ chương trình kết nối với thính giả nghe đài đã thôi thúc cô có thêm động lực nuôi dưỡng ước mơ biên tập viên. Mẹ chính là cầu nối giúp Hải Anh biết tới con chữ.

Cô chia sẻ: “Mẹ đã đi học chữ nổi và về dạy lại cho mình, sau khi biết viết mình có gửi một số đoạn thơ, văn cho các chương trình văn nghệ thiếu nhi, và các chương trình khác của VOV. Ngoài ra, mình cũng thường xuyên tham gia chương trình giao lưu trên VOV1 Hệ thời sự - Chính trị - Tổng hợp bằng cách gọi điện đến số điện thoại chương trình cung cấp. Từ đó, ước mơ của mình lớn dần lên, vượt qua nỗi sợ của bản thân thông qua những chương trình từ VOV cùng tình yêu thương của mẹ.”

Hải Anh được vinh danh tại Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt.

Hải Anh được vinh danh tại Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt.

Chính những ký ức đau thương đó là nguồn động lực để Hải Anh mạnh mẽ vượt qua khỏi bóng tối. Năm 13 tuổi, nhờ sự kết nối của một người quen đã giúp cô được đi học lần đầu tiên trong đời tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Đây là một ngôi trường dạy cả học sinh khiếm thị và không khiếm thị chung một lớp. Rời khỏi sự bao bọc của gia đình lên Hà Nội, Hải Anh học cách sống tự lập, đối mặt với những khó khăn. Cô dần bắt nhịp với guồng quay và tham gia các câu lạc bộ lớp vẽ, hát, đàn….

Minh chứng cho sự cố gắng, Hải Anh đã có những thành quả đầu tiên. Khi lên lớp 6, Hải Anh nhận học bổng toàn phần của tổ chức Samaritan’s Purse. Đây là một tổ chức hỗ trợ thành viên trong cộng đồng người khuyết tật, khiếm thị, trẻ em ở vùng cao. Không chỉ vậy, cô may mắn khi được chị Đào Thu Hương (là một người khiếm thị) - Thạc sĩ du học ở Úc, điều phối viên các hoạt động của tổ chức Sama tại Việt Nam.

Dẫu nhiều rào cản, nữ sinh đến từ Nam Định luôn tìm kiếm cơ hội trong thử thách để hiện thực hóa ước mơ trở thành một biên tập viên MC tỏa sáng trên sân khấu.

Dẫu nhiều rào cản, nữ sinh đến từ Nam Định luôn tìm kiếm cơ hội trong thử thách để hiện thực hóa ước mơ trở thành một biên tập viên MC tỏa sáng trên sân khấu.

Qua đó, cô vinh dự được gặp gỡ, chia sẻ ước mơ và được chị kết nối với cộng đồng những người chung sở thích, có những buổi chia sẻ kỹ năng học tập. Hải Anh bộc bạch: “Mình vô cùng hạnh phúc và biết ơn khi được người thầy nhà báo Hoàng Văn Lý cộng tác viên kênh VOV giao thông – Chủ tịch Hội người mù quận Hoàn Kiếm dạy cho những kỹ năng đầu tiên trong nghề báo.”

Nối dài ước mơ “biên tập viên” tại Viện Báo chí và Truyền thông

Hiện nay, Hải Anh đang là sinh viên ngành Quan hệ Công chúng K68, Viện Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ban đầu, cô đặt nguyện vọng theo học chuyên ngành Phát thanh - Truyền hình nhưng bởi tiêu chuẩn ngành không nhận sinh viên khiếm thị nên nữ sinh chuyển sang theo học ngành Quan hệ Công chúng.

Qua tìm hiểu của nữ sinh quê Nam Định, đây là ngành học mở về tư duy và cách xử lý, lên kế hoạch chiến dịch dự án truyền thông. Ngoài ra, sinh viên có thể trau dồi thêm kỹ năng mềm và tìm kiếm cơ hội việc làm. Để hiện thực hóa ước mơ trở thành biên tập viên, Hải Anh đã thực hành thật nhiều công việc bản thân yêu thích như: thường xuyên nhận dẫn chương trình tại các tổ chức phi chính phủ, câu lạc bộ, thu quảng cáo, sự kiện, MC,...

Hải Anh (bên phải) đã thực hành thật nhiều công việc bản thân yêu thích để thực hiện hóa ước mơ biên tập viên, MC.

Hải Anh (bên phải) đã thực hành thật nhiều công việc bản thân yêu thích để thực hiện hóa ước mơ biên tập viên, MC.

Nhận xét về năng lực chuyên môn của Hải Anh tại một lớp đào tạo kỹ năng dẫn chương trình mà cô theo học, MC Mỹ Vân – Biên tập viên, MC Đài truyền hình Việt Nam, giáo viên đào tạo cho biết: “Hải Anh là một học viên có nghị lực phi thường. Em luôn vận dụng tối đa sự nhạy bén cùng khả năng sáng tạo trong quá trình học tập. Trong khi dẫn, Hải Anh có thể không cầm kịch bản trên tay nhưng vẫn dẫn chương trình trôi chảy, xử lý tình huống rất linh hoạt và gây ấn tượng với người xem. Sự nỗ lực ấy luôn được tôi cùng các thầy cô ghi nhận và đánh giá cao.”

Bên cạnh đó, sự nhiệt huyết trong việc dạy online kỹ năng thuyết trình cho các em nhỏ ở thành phố Nam Định của Hải Anh đã có kết quả. Sau một thời gian ngắn, các thành viên trong khóa học đã tự tin đứng trên sân khấu diễn thuyết.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà cho Hải Anh tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt Nam” năm 2022.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng quà cho Hải Anh tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt Nam” năm 2022.

Hải Anh cùng các bạn sinh viên tại lớp đại học.

Hải Anh cùng các bạn sinh viên tại lớp đại học.

“Viện Báo chí và Truyền thông Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là môi trường giáo dục vô cùng tuyệt vời. Mình luôn thầm cảm ơn khi đã chọn đúng mái nhà học đường để học tập, phát triển ước mơ và lưu giữ 4 năm thanh xuân tại đây. Nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình cùng trình độ chuyên môn cao của giảng viên tại trường đã giúp tân sinh viên như mình không còn thấy lạc lõng khi tiếp thu các kiến thức mới và luôn hướng tới những giá trị nhân văn trong cuộc sống.” - Hải Anh cho biết.

Nữ sinh năm nhất hạnh phúc khi được hòa nhập, không bị hạn chế bởi khiếm khuyết của bản thân trong các hoạt động tại lớp vì các bạn trong lớp vô cùng hòa đồng, vui vẻ thân thiện và sẵn sàng hỗ trợ.

Con đường đến trường còn lắm gian nan

Là một sinh viên khiếm thị, Hải Anh cũng gặp rất nhiều khó khăn, không thể đi xe nên mỗi ngày để đến trường Hải Anh phải mất tối thiểu là 50.000 đồng cho việc thuê xe ôm. Trong quá trình học, việc lĩnh hội bài giảng theo phương pháp thông thường cũng rất khó, bởi giáo trình học không có phiên bản dễ tiếp cận, không thể quan sát được slide trên bảng là những rào cản lớn mà Hải Anh đang phải đối mặt mỗi ngày.

Hải Anh với dự án “Cuộc diễu hành đầy màu sắc”.

Hải Anh với dự án “Cuộc diễu hành đầy màu sắc”.

Theo học ngành Quan hệ Công chúng, Hải Anh có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của lớp. Hiện tại, cô cùng nhóm sinh viên trong lớp Quan hệ Công chúng K68 đang thực hiện dự án với tên gọi “Cuộc diễu hành đầy màu sắc”, hướng tới khai thác vẻ đẹp đa dạng của mỗi người: vẻ đẹp của sự khiếm khuyết, vẻ đẹp về sự khác biệt trong giới tính,... Trong một tháng vừa qua, dự án đã thu hút được khá đông sự quan tâm của công chúng. Ở trường học, ban tổ chức đã tạo các bảng ghi giúp người tham gia chia sẻ suy nghĩ về sự khác biệt trong mỗi người và cái đẹp trong cuộc sống. Ngoài ra, dự án có thêm nhiều chương trình talkshow cùng các bài truyền thông trên fanpage hướng tới xóa bỏ định kiến “vẻ đẹp không phải luôn là những gì hoàn mỹ như mọi người vẫn nghĩ, vẻ đẹp đôi khi toát lên từ chính những khác biệt, những khiếm khuyết trong mỗi người”.

Nỗ lực làm việc để nuôi ước mơ

Vì sức khỏe bố mẹ đã yếu, anh trai thường xuyên đi viện, hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn. Từ năm lớp 8 Hải Anh đã tự đi làm để trang trải cho việc học của mình. Cho tới thời điểm hiện tại, nữ sinh Nam Định vẫn duy trì công việc làm thêm từ khi học cấp 2, cụ thể là: Vật lý trị liệu chăm sóc sức khỏe, xoa bóp bấm huyệt cho những khách hàng đau cơ xương khớp. Ngoài ra, Hải Anh làm đồng thời nhiều công việc khác: dạy kỹ năng mềm online, tư vấn chiến dịch truyền thông, chỉnh sửa văn bản, làm content cho nhiều trang website,... Mỗi công việc đều cho cô biết thêm nhiều kiến thức khác nhau cũng như hoàn thiện những điều bản thân còn thiếu sót.

Chia sẻ với chuyên trang Sinh Viên Việt Nam - Báo Tiền Phong, Hải Anh xúc động: “Những thành tích mình đạt được còn rất nhỏ bé, để hoàn thiện hơn và theo kịp các bạn mình phải cố gắng hơn rất nhiều. Trong chặng đường 10 năm đi học xa nhà, mình tự hào vì đến ngày hôm nay, bản thân đã can đảm dám làm những điều tưởng chừng như không thể và có được sự ghi nhận của cộng đồng xã hội. Hy vọng rằng, mỗi hành trình mới mình sẽ có thêm nhiều dấu ấn đáng nhớ tuyệt vời hơn.”

Thời gian tới, nữ sinh viên năm nhất cố gắng hòa nhập tốt hơn ở môi trường đại học, chuyển đổi bài giảng, giáo trình, tài liệu trở nên dễ tiếp thu hơn theo cách tiếp cận của bản thân. Đồng thời, Hải Anh cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi, phát triển các dự án cho người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung. Ngoài ra, cô luôn cố gắng làm tốt hơn điều bản thân mong mỏi là được giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng việc dạy học, dạy kỹ năng sống cùng nguồn năng lượng tích cực.

Chia sẻ về vai trò của thế hệ trẻ ngày nay trong việc kiến tạo xã hội, Hải Anh cho biết: “Người trẻ cần làm tốt trách nhiệm với gia đình, nhà trường, sau đó là xã hội, hãy bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất. Bên cạnh đó, mình rất hy vọng người trẻ có thể dành thêm thời gian quan tâm đến vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thiết lập cộng đồng và có thêm nhiều hoạt động phát triển môi trường, bảo vệ sự sống để có một sức khỏe tốt, cống hiến sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.”

Qua câu chuyện của bản thân, Hải Anh hy vọng rằng cộng đồng người khuyết tật sẽ có thêm niềm tin, động lực để bước ra khỏi giới hạn của bản thân hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, cô hy vọng một ngày không xa, toàn xã hội Việt Nam sẽ có cái nhìn khác về những người khuyết tật. Họ có thể không đầy đủ chức năng trên một cơ thể nhưng không có nghĩa họ là đối tượng yếu thế sống phụ thuộc vào gia đình, xã hội. Thay vì xa lánh, kỳ thị cản trở họ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống, hãy hỗ trợ đặc biệt như trao quyền để người khuyết tật được sống một cách bình đẳng, hòa nhập. Từ đó, tiếp thêm động lực cho họ cống hiến sức mình cho công cuộc xây dựng đất nước, kiến tạo một xã hội tốt đẹp, nhân văn.

Nguyễn Linh Chi

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-sinh-khiem-thi-thap-sang-uoc-mo-tro-thanh-bien-tap-vien-bang-su-no-luc-dung-len-tu-bong-toi-post1593270.tpo