Nữ sinh chinh phục Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật

Vượt qua hơn 70 thí sinh đến từ 13 trường đại học ở phía Nam, thí sinh Nguyễn Thị Nữ, sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật Bản, Khoa Đông Phương học, Trường đại học Lạc Hồng đã xuất sắc đoạt giải nhất Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật các trường đại học khu vực phía Nam lần 7-2024.

Sinh viên Nguyễn Thị Nữ được nhà trường tuyên dương sau khi đoạt giải nhất Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật. Ảnh: NVCC

Hành trình chinh phục giải thưởng thành công đã giúp sinh viên Nguyễn Thị Nữ củng cố niềm tin vào quan niệm sống: “Bạn nghĩ mình là người như thế nào thì bạn sẽ trở thành người như thế đó”. Cô gái này tâm niệm, trong bất cứ trường hợp, hoàn cảnh nào thì bản thân cũng nên tự tin, cố gắng làm hết sức mình.

Kiên trì với mục tiêu

Chị Nguyễn Thị Nữ bắt đầu biết đến văn hóa, ngôn ngữ Nhật Bản từ những năm học trung học cơ sở thông qua các bộ phim anime (phim hoạt hình). Xung quanh cô học trò này, nhiều bạn bè, người quen cũng yêu thích, tìm hiểu văn hóa Nhật Bản và học ngôn ngữ của đất nước Mặt trời mọc. Chị Nữ cũng mon men học tiếng Nhật từ khi đó. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, chị ngưng học tiếng Nhật để tập trung cho việc học ở trường. Cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị mới có suy nghĩ nghiêm túc về việc học ngôn ngữ Nhật Bản để làm hành trang cho tương lai.

Tự trách nhiệm với lựa chọn của chính mình, chị Nữ nghiêm túc đầu tư cho việc học tiếng Nhật tại Trường đại học Lạc Hồng. Định hướng của nữ sinh này là có thể đi làm cho doanh nghiệp Nhật Bản ở trong nước hoặc sang Nhật Bản làm việc. Và mục tiêu xa hơn của chị là có thể trở thành phiên dịch viên.

Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật lần thứ 7 do Trường đại học Hiroshima, Quỹ Giao thông vận tải Komaru và Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đồng tổ chức. Đây là lần đầu tiên Trường đại học Lạc Hồng giành giải quán quân ở sân chơi này.

“Càng học, tôi càng nhận ra rằng muốn làm được công việc phiên dịch thì cần phải trang bị kinh nghiệm và có nhiều am hiểu. Vì vậy, nếu chỉ học ngôn ngữ trên sách vở mà không áp dụng trong thực tiễn thì không hiệu quả. Tôi rất mong muốn sẽ được làm việc trong môi trường văn hóa Nhật Bản để rèn luyện thêm ngôn ngữ mình đã học” - chị Nữ chia sẻ.

Cũng với mong muốn rèn luyện, thử thách bản thân và chứng minh năng lực, chị Nữ đến với Cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật. Chủ đề Ban tổ chức cuộc thi năm nay đưa ra là vấn đề về giao thông. Chị cho rằng, khi nói đến giao thông, đa phần mọi người sẽ nghĩ đến tai nạn giao thông, kẹt xe, hoặc “đặc sản” xe máy ở Việt Nam. Vì vậy, muốn được ban giám khảo chú ý thì cần có một góc nhìn khác. Đó là lý do mà chị chọn chủ đề bài luận của mình là Vỉa hè Việt Nam - từ điểm sáng đến nỗi nhức nhối. Bài luận thực sự đã tạo ấn tượng với ban giám khảo và được chọn vào vòng chung kết của cuộc thi.

“Đem chuông đi đánh xứ người”, phải cạnh tranh với các sinh viên đến từ trường đại học có bề dày trong đào tạo ngôn ngữ trên chính “sân nhà” của họ, chị Nữ gặp không ít áp lực tâm lý. Tuy vậy, cô gái này tự trấn an mình, tập trung tối đa cho phần thi và đạt được kết quả xứng đáng.

Tự tin chinh phục chính mình

Trải qua cuộc thi, bản thân chị Nữ đã tích lũy được cho mình nhiều bài học quý. Chị chia sẻ: “Tôi có thói quen nói nhanh và nghĩ rằng nói tiếng Nhật nhanh cũng là cách thể hiện năng lực ngôn ngữ của mình. Tuy vậy, khi dự thi, tôi nhận ra rằng điều quan trọng là phải phát âm chuẩn, tốc độ nói phải phù hợp để người nghe có thể hiểu được, không cần phải nói nhanh để thể hiện trình độ, năng lực ngôn ngữ của mình”.

Về tinh thần, chị Nữ cho rằng sự tự tin có thể lan tỏa, nếu bản thân tự tin thì người khác sẽ cảm nhận được, bản thân mình cũng sẽ làm tốt hơn. Đó là lý do mà mặc dù ban đầu chị không phải là sinh viên được đánh giá tốt nhất nhưng lại đi đến cuối cùng của cuộc thi với kết quả tốt nhất.

Không chỉ tự tin vào chính bản thân mình, chị Nữ còn là cô gái ham học hỏi và thích khám phá những điều mới mẻ. Hiện nay, ngoài học ngôn ngữ Nhật Bản, chị còn tự học tiếng Trung Quốc. Sinh viên này cho biết, sau khi hoàn thành chương trình tiếng Nhật, chị sẽ đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc học tiếng Trung để có thể sử dụng thêm 1 ngoại ngữ nữa.

Cô gái này cũng đã học đàn violin được 2 năm. “Tôi thích nghe nhạc cổ điển và violin nên đã dành dụm tiền mua đàn và đi học đàn. Đây là bộ môn khó, đòi hỏi phải kiên trì. Tuy vậy, tôi vẫn muốn theo đuổi sở thích cá nhân của mình. Tôi luôn muốn học cái mới và cũng là cách để tránh lãng phí thời gian” - chị Nữ cho hay.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202404/nu-sinh-chinh-phuc-cuoc-thi-hung-bien-tieng-nhat-7045f93/