Nữ công nhân 'hai giỏi', giàu lòng nhân ái

Phong trào thi đua 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo' được các cấp công đoàn trong Binh đoàn 16 triển khai sâu rộng, thu hút và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của công nhân, viên chức, người lao động trong nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu trong phong trào này là chị Nguyễn Thị Tám, công nhân Đội sản xuất 3, Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16).

Là con út trong gia đình có 8 chị em, sinh ra và lớn lên tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, nhưng như duyên trời định, chị Nguyễn Thị Tám lại chọn miền biên giới làm nơi lập nghiệp và định cư. Chị Tám nhận khoán 1,5ha cà phê của Trung đoàn 726 đóng quân trên địa bàn biên giới thuộc huyện Tuy Đức (Đắk Nông), tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Những ngày đầu, gia đình chị Tám gặp không ít khó khăn trên vùng đất mới với các loại cây công nghiệp trồng trên đất đỏ bazan. Chị mạnh dạn đầu tư trồng khoai lang, nhưng kết quả mang lại không như mong muốn do thời điểm thu hoạch giá xuống thấp nên bị thua lỗ. Không nản lòng trước thất bại ban đầu, chị lại bàn với gia đình bằng mọi cách phải quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương thứ hai này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm mô hình trồng cây vú sữa, sầu riêng của gia đình chị Nguyễn Thị Tám.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm mô hình trồng cây vú sữa, sầu riêng của gia đình chị Nguyễn Thị Tám.

Để có vốn tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế, gia đình chị vay từ ngân hàng để chăn nuôi bò. Chăn nuôi bò cũng chỉ thuận lợi được thời gian ngắn thì dịch bệnh lở mồm long móng bùng phát tại địa phương khiến đàn bò của chị mắc bệnh. Cùng thời điểm đó, vườn tiêu bị chết, giá các loại nông sản xuống thấp nên cuộc sống gia đình chị gặp muôn vàn khó khăn.

Sau những thất bại, chị Tám quyết định thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng mô hình kinh tế đa cây: Trồng hoa lay ơn lấy củ giống xuất bán cho Đà Lạt; trồng khoai, tiêu, cà phê... Toàn bộ diện tích cây trồng đều được áp dụng kỹ thuật tiên tiến và tưới nước bằng hệ thống tưới tiết kiệm.

Bên cạnh đó, chị tìm tòi học cách chế biến phân hữu cơ vi sinh bằng nguyên liệu có sẵn như vỏ trấu, cà phê, lá cây... hợp thủy để tạo nguồn phân đầu tư cho vườn cây, góp phần tiết kiệm chi phí và cải tạo đất. Tận dụng nguồn nước ngầm, chị thuê nhân công đào ao nuôi cá, làm chuồng trại chăn nuôi bò và gà.

Nguồn chất thải từ chăn nuôi chị tận dụng làm phân bón cho cây trồng hoặc bán cho các hộ dân dùng làm phân bón khi cần. Mô hình sản xuất đa cây, đa con đã tạo ra nhiều nguồn thu nhập, giúp gia đình chị đứng vững trước tác động của dịch Covid-19 hay khi giá cà phê, tiêu xuống thấp.

Đến nay, trang trại của gia đình chị ngày càng mở rộng quy mô sản xuất với diện tích 10ha, trong đó 0,3ha chăn nuôi bò, gà; 1,5ha trồng cà phê; tiêu 2ha; bơ 1ha; sầu riêng 1ha; 4,2ha luân canh trồng hoa lay ơn lấy củ, khoai lang, chanh dây... Tổng thu nhập bình quân của gia đình chị đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Một thời lam lũ, bươn chải với cuộc sống mưu sinh nên chị Tám hiểu rất rõ nỗi khó khăn, vất vả của bà con trong vùng. Thế nên chị Tám bàn với chồng bố trí tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Cứ đến mùa giáp hạt hoặc ngày lễ, tết, gia đình chị đều dành hàng trăm suất quà tặng người nghèo, người lang thang cơ nhỡ.

Bao năm qua, bà con thôn 2, xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức) quen thuộc với hình ảnh tần tảo của chị Nguyễn Thị Tám. Nhiều người mến phục chị bởi tấm lòng nhân hậu, đảm đang, nhiệt tình, trách nhiệm; bởi chị là tấm gương “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Không quản sớm khuya, mưa nắng, chị kiên trì cùng các tổ chức đoàn thể đến từng nhà vận động người dân loại bỏ dần những hủ tục, thói quen sinh hoạt không phù hợp như đau ốm không đến cơ sở y tế mà ở nhà cúng lễ; trong việc cưới xin, ma chay...

Trung tá Đỗ Văn Tráng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 726 cho biết: "Gia đình chị Nguyễn Thị Tám luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, đặc biệt là Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Từ phong trào này, gia đình chị đã giúp đỡ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Những hộ khó khăn, chị cho vay vốn để giúp họ mua vật tư phục vụ sản xuất. Luôn ý thức mình phải làm gương đi đầu trong các phong trào thi đua thì người dân mới tin và làm theo nên năm 2019, gia đình chị đã hiến 900m2 đất ngay trung tâm đầu cầu Suối Sập để xây dựng hội trường thôn 2, góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Có thể nói, hành động hiến đất của chị Tám thể hiện sự hy sinh không nhỏ, bởi từ bao đời nay, người công nhân luôn nặng tình, nặng nghĩa với mảnh vườn, thửa đất mà họ có được, nhất là khi giá đất ngày càng tăng. Đất đai góp phần giúp họ mưu sinh, tạo dựng cuộc sống. Nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng mà chị Tám sẵn sàng hiến đất, không đòi hỏi quyền lợi gì.

Việc làm cao đẹp ấy của chị Nguyễn Thị Tám khiến bao người phải suy nghĩ. 900m2 đất mà chị hiến tặng trị giá tiền tỷ, góp phần mở đường liên thôn, xây dựng nông thôn mới, tạo diện mạo khang trang cho địa phương, giúp bà con có thêm điều kiện để “an cư lạc nghiệp”, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn.

Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Tám luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trên cương vị Chủ tịch Công đoàn bộ phận Đội sản xuất 3, chị luôn quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, giúp đỡ đoàn viên trong lao động sản xuất, nâng cao đời sống người lao động, tham gia xây dựng đơn vị.

Chị cũng tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương và phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Không chỉ hiến đất, chị còn vận động đảng viên, người dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Bên cạnh đó, chị còn tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào trồng trọt, chăn nuôi.

Thật đáng trân trọng, mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Tám đang được người lao động trong Trung đoàn 726 và người dân địa phương trên vùng biên giới huyện Tuy Đức học tập, noi theo.

Vượt qua bao khó khăn, vất vả, chị Nguyễn Thị Tám đã phát huy tốt truyền thống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà, làm được những việc có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống. Thế nhưng khi trò chuyện cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tám rất khiêm tốn: “Thành công của tôi hôm nay là do tập thể ủng hộ, giúp đỡ. Ban chỉ huy Trung đoàn luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi rèn luyện, phấn đấu và tham gia các hoạt động phong trào. Sự quan tâm, động viên của chỉ huy đơn vị là động lực để tôi nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Tiếng lành đồn xa, ngày 11-3-2023, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu đã đến tham quan một số mô hình trồng mắc ca, sầu riêng, vú sữa, cà phê.. và trao quà tặng gia đình chị Nguyễn Thị Tám.

Với những thành tích tiêu biểu đạt được trong những năm qua, chị Nguyễn Thị Tám vinh dự được công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở và nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là gương điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong Công đoàn Quân đội lần thứ V (giai đoạn 2017-2022); gương điển hình “Làm kinh tế gia đình giỏi" của Công đoàn Quân đội. Năm 2021, gia đình chị Tám đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Ngoài ra chị còn được các cấp chính quyền địa phương trao tặng nhiều phần thưởng khác.

Bài và ảnh: ROÃN THỊ HỒNG THẮM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nu-cong-nhan-hai-gioi-giau-long-nhan-ai-745077