Nữ chuyên gia tư vấn tài chính chia sẻ cách đầu tư, dạy con về tiền

Với Đặng Lan Hương, giáo dục là yếu tố quyết định cách một người dạn dĩ đầu tư và làm chủ đồng tiền của mình.

Tốt nghiệp Cử nhân Tài chính Doanh nghiệp và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Đặng Lan Hương có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính với các ngân hàng, công ty chứng khoán và quỹ đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại, cô là chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân với chứng nhận chuyên nghiệp từ Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (ICF).

Trong bài viết này, Đặng Lan Hương chia sẻ với Zing trải nghiệm trong việc học quản lý tài chính. Cô cho rằng hiểu và tập trung vào giá trị nội tại là cách phụ nữ có thể sử dụng tiền hiệu quả, từ đó tìm thấy sự thịnh vượng bên trong tâm hồn.

Mẹ là tấm gương đầu tiên

Người đầu tiên cho tôi biết đến những khái niệm tài chính cơ bản có lẽ là mẹ. Ngày tôi còn bé, mẹ luôn có cuốn sổ ghi chép mọi chi tiêu trong gia đình. Vì từng làm thủ quỹ của hợp tác xã nên bà có thói quen cẩn thận, chịu khó theo dõi đồng ra, đồng vô.

Khi lớn hơn một chút và bắt đầu hiểu chuyện, tôi quan sát thấy nội dung mẹ ghi vào sổ rất chi tiết, từ khoản tiền mua thực phẩm hàng ngày đến chuyện mua trái cây cho đám giỗ, cho người khác mượn tiền,...

Đó cũng là thời điểm mẹ tôi bắt đầu buôn bán, những cuốn sổ cứ thế xuất hiện nhiều hơn, dày hơn. Đều đặn hàng ngày, dù chỉ bán một gói thuốc mẹ tôi cũng ghi chú rõ ràng. Tốc độ xài sổ tay của mẹ rất đáng nể.

Tôi hiểu cuộc sống của bố mẹ vất vả. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, họ sẽ không đủ tiền nuôi ăn, nuôi học 3 đứa con và chăm sóc ông bà lớn tuổi.

Chứng kiến quá trình quản lý thu chi của mẹ, tôi học theo và tự rút kinh nghiệm quản lý tiền trong gia đình. Tôi tập kiếm tiền từ thời đi học và thay vì sổ tay, tôi dùng Excel để theo sát chi tiêu.

5 năm đầu trong hôn nhân là khoảng thời gian tôi điều chỉnh thói quen tiêu xài, đặc biệt là khi chúng tôi vay ngân hàng để mua nhà và chuẩn bị đón 2 thành viên nhỏ.

Cách tôi làm là hình dung số tiền cơ bản chúng tôi cần để sinh hoạt trong một tháng, sau đó xác định khoản tiết kiệm định kỳ rồi thanh toán hóa đơn học phí, điện, nước. Trừ hết chi phí thiết yếu, phần còn lại tôi cho phép mình dùng tự do, tất nhiên là với sự cân nhắc phù hợp.

Lý do ít phụ nữ theo đuổi lĩnh vực tài chính lâu dài

Trong trí nhớ của tôi, khoa Tài chính Doanh nghiệp của trường Đại học Kinh tế TP.HCM có số lượng sinh viên nữ khá đông. Thời điểm tôi học, thực tế không có nhiều chênh lệch giữa những cá nhân nam, nữ nổi bật.

Sự khác biệt chỉ dần xuất hiện trong quá trình đi làm và phát triển sự nghiệp.

Khoảng năm 2015-2016, bản thân tôi từng lựa chọn rời khỏi lĩnh vực tài chính khi đã sở hữu kinh nghiệm khoảng 10 năm. Dù con đường thăng tiến trong công ty rất rộng mở, tôi chọn dừng lại vì cảm giác áp lực, không hài lòng với chính mình.

Một mặt tôi muốn được viên mãn trong cuộc sống riêng tư, mặt khác tôi vẫn tìm kiếm sự vui thích trong công việc. Lúc đó tôi tin rằng, thế giới tài chính có thể không giúp tôi “vẹn cả đôi đường”.

Tôi nghĩ đâu đó cũng có những người phụ nữ giống tôi.

Không phải họ không có năng lực để theo đuổi ngành tài chính mà khi mục tiêu cuộc đời thay đổi, ví dụ như lập gia đình hay có những ưu tiên khác, họ có xu hướng chọn hướng đi mang lại niềm vui, sự ý nghĩa - thay vì cảm giác thành đạt và quyền lực của người làm sếp.

Đến giai đoạn thích hợp khi nội tâm trưởng thành, tôi mới trở lại ngành với một tâm thế khác. Tôi nhìn thấy sứ mệnh của mình trong việc lan tỏa kiến thức, hỗ trợ người khác đầu tư. Bây giờ, tôi mới thực sự hạnh phúc với điều mình đang làm mỗi ngày.

Đầu tư là quá trình chăm chỉ, kiên nhẫn học

Tôi khởi đầu sự nghiệp tại một ngân hàng cổ phần. Khi ngân hàng niêm yết cổ phiếu vào năm 2006, chính số cổ phần tôi mua đầu đời đã dẫn dắt tôi vào thị trường chứng khoán.

Sau đó, tôi có cơ hội là một trong những nhân sự cốt lõi của một công ty chứng khoán đang trong giai đoạn hình thành. Với bối cảnh này, tôi trở thành nhà đầu tư một cách tự nhiên.

Sự trưởng thành về đầu tư của tôi không đến từ một khoảnh khắc bừng sáng trong nội tâm như Warren Buffett mô tả. Trái lại, nó là quá trình chăm chỉ học tập và cho phép bản thân được kiên nhẫn.

Từ các khoản đầu tư thành công đến những lúc lạc lối, hụt chân, tôi may mắn có những người bạn để tựa vào và từng bước tìm ra triết lý, phương pháp phù hợp nhất với mình.

Với đầu tư giá trị, bạn phải am hiểu ngành nghề và doanh nghiệp ở mức độ nhất định. Hãy đọc nhiều sách, gặp gỡ nhiều người và mở rộng thế giới quan. Ngoài ra, bạn có thể dành thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần, thể chất song song với việc chuyên sâu về đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư lớn tôi biết đều là người dành phần lớn thời gian cho sách và chú trọng vào triết học hơn là kiến thức cứng nhắc. Đó cũng là cách họ vui hưởng thành quả đầu tư, dù nó có thể tốt hoặc chưa tốt trong ngắn hạn.

Giáo dục quyết định góc nhìn, không phải giới tính

Những khác biệt về mặt thể chất, tinh thần giữa phụ nữ và đàn ông là thứ không thể thay đổi. Tôi cho rằng chỉ cần chấp nhận chúng, ta sẽ có sự bình đẳng trong đầu tư cho cả hai giới.

Điều ảnh hưởng đến cách cá nhân dùng tiền không nằm ở giới tính mà nằm ở cách họ được giáo dục. Khi một người nữ trưởng thành trong môi trường xem nhẹ yếu tố độc lập tài chính, cô ấy có thể vô tình bị tước đi cơ hội học hỏi về tiền bạc.

Ước lệ của xã hội về vai trò phụ nữ đối với việc quản lý tiền trong nhà cũng có thể hạn chế họ ra các quyết định lớn về tài chính. Nghịch lý là những người vợ, người mẹ thường phải quán xuyến tiền chợ nhưng lại không có quyền, hoặc ngại ý kiến, với khoản tiền đầu tư.

Cá nhân tôi không quản lý tiền của chồng mình. Từng mảng tài chính của gia đình được chia đều cho hai vợ chồng phụ trách. Tôi tránh sa đà vào việc quản lý thu chi để có thời gian nghiên cứu các cơ hội đầu tư nhiều hơn.

Chúng tôi có một cô con gái và dưới sự giải thích của bố mẹ, bé luôn được tạo điều kiện tự quyết định những gì liên quan đến tiền của mình. Khi tôi và chồng dự tính một kế hoạch quan trọng, vay ngân hàng chẳng hạn, chúng tôi sẽ nói chuyện với các con.

Tôi muốn con gái mình biết rằng, cơ hội trong đầu tư của mọi người là ngang nhau, bất kể giới tính. Chỉ cần con chịu mở lòng, học hỏi và tin bản thân sẽ làm tốt.

Đừng quên giá trị của mình

Đa số học viên của các khóa phát triển bản thân là nữ. Dường như, các bạn dễ cảm thấy mình thiếu sót và cố gắng tìm kiếm sự cân bằng với nửa còn lại.

Không ít người “bật chế độ” trau dồi diện rộng thay vì tìm cách đi theo chiều sâu và phát huy thế mạnh vốn có. Việc đánh giá thấp chính mình sẽ cản trở bạn bước ra khỏi vòng an toàn.

Warren Buffett từng nói: “Khi ta dạy con, tôi nghĩ bài học mà chúng học được chính là điều cha mẹ chúng tập trung. Nếu sự tập trung nằm ở những gì ngoài kia nghĩ về bạn, bạn đang hành xử theo giá trị bên ngoài mà quên mất giá trị nội tại”.

Một điều tôi luôn hướng dẫn con gái mình là quan tâm đến những giá trị cá nhân. Tài chính, thể hiện cụ thể bằng tiền, có thể là phương tiện giúp con đạt được chúng. Nói cách khác, chính giá trị cá nhân sẽ quyết định cách con hành xử với tiền.

Bất kể số tiền ở trong ví là bao nhiêu, khi bạn chọn hành động theo tiếng nói bên trong, bao gồm mục tiêu sống, phát triển bản thân, thành tựu, cống hiến, chắc chắn bạn sẽ có một cuộc sống an lạc.

#HerMoney là series dành cho nữ giới, nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn cá nhân. Với kinh nghiệm và màu sắc của họ, mỗi bài viết gửi đến người đọc một hướng tiếp cận mới về tài chính, công việc và cuộc sống.

Thiên Hân

Đồ họa: Anny Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nu-chuyen-gia-tu-van-tai-chinh-chia-se-cach-dau-tu-day-con-ve-tien-post1300276.html