'Nóng' vấn đề an toàn thực phẩm trong phiên chất vấn

Chiều nay (7/12), Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XV tiếp tục chương trình với phiên chất vấn, trả lời chất vấn các vấn đề cử tri quan tâm. Trong đó nổi bật là các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Đại biểu Mùa Thị Dính, tổ đại biểu huyện Điện Biên tham gia chất vấn.

Đại biểu Mùa Thị Dính, tổ đại biểu huyện Điện Biên và đại biểu Nguyễn Phú Đức, tổ đại biểu huyện Điện Biên Đông cùng bày tỏ chung trăn trở, băn khoăn của nhiều cử tri liên quan đến thực trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra trên địa bàn trong năm qua. Đặc biệt, năm 2024 tỉnh Điện Biên tổ chức nhiều sự kiện trọng đại như: Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Năm du lịch quốc gia - Điện Biên với chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch… Với số lượng người dân và du khách tập trung đông, nguy cơ xảy ra các vụ việc về vệ sinh ATTP và mức độ ảnh hưởng là rất cao.

Đại biểu Nguyễn Phú Đức, tổ đại biểu huyện Điện Biên Đông chất vấn ngành Y tế.

Giải trình nội dung này, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế thông tin: Từ ngày 1/1 - 5/12/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, với 73 ca mắc và 1 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, cao hơn so với năm 2022 (3 vụ, 9 ca mắc). Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm vi sinh vật trong bún tươi. 100% vụ ngộ độc thực phẩm được điều tra, xác minh, lấy mẫu kiểm nghiệm kịp thời.

Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế trả lời chất vấn.

Qua các vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là 5 vụ do nhiễm vi sinh vật trong bún tươi cho thấy, khi xảy ra vụ việc ngộ độc chưa có sự vào cuộc quyết liệt của ngành được phân công quản lý, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện, thành phố trong việc điều tra, xử lý. Chỉ đến khi xảy ra nhiều vụ liên quan, Ban Chỉ đạo tuyến huyện mới vào cuộc. Nếu ngăn chặn sớm việc mang bún sản xuất không đảm bảo đi các huyện tiêu thụ, thì sẽ hạn chế nhiều hơn các vụ ngộ độc.

Theo Giám đốc Sở Y tế, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, thời gian tới ngành Y tế sẽ phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp đảm bảo ATTP. Trong đó, sẽ nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP; hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và xử lý vi phạm về ATTP. Duy trì và nâng cao năng lực hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ tỉnh tới cấp huyện, cấp xã. Tăng cường truyền thông về ATTP; phát hiện sớm, điều tra, xử trí kịp thời các vụ ngộ độc trong cộng đồng, tổ chức tốt công tác cấp cứu điều trị, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham gia trả lời, làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến ATTP.

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn cũng có ý kiến làm rõ. Trong đó nhấn mạnh công tác đảm bảo vệ sinh ATTP liên quan đến nhiều khâu nên cần phải có sự phối hợp đồng bộ trong kiểm soát: Sản xuất, lưu thông, chế biến, sử dụng thực phẩm. UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến của đại biểu, cam kết sẽ chỉ đạo các cấp, ngành liên quan để thực hiện tốt hơn trong năm tới. Đặc biệt là các ngành: Nông nghiệp, Công thương, Y tế và chính quyền các địa phương. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng cần công bố rộng rãi thông tin cơ sở vi phạm để người dân biết, tránh; đồng thời tạo sức ép dư luận ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo.

Tin, ảnh: Hà Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/211286/%E2%80%9Cnong%E2%80%9D-van-de-an-toan-thuc-pham-trong-phien-chat-van