Nông sản Thủ đô vươn xa nhờ thương mại điện tử

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, thời gian qua, kênh phân phối nông sản qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành kênh tiêu thụ nông sản phù hợp với xu thế. Đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản mà không mất quá nhiều khâu trung gian. Đây được coi là cơ hội cho nông sản Việt nói chung, nông sản Hà Nội nói riêng ổn định đầu ra, tiến tới vươn xa, chinh phục những thị trường khó tính.

Tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản

Thời gian qua, TMĐT xuyên biên giới được đánh giá là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đây còn là lĩnh vực khá mới mẻ do chưa nắm bắt các quy trình, quy định về pháp lý, thủ tục… của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, sự vào cuộc tích cực của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội trong việc tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là việc phối hợp với các sàn TMĐT như Amazon, Vỏ Sò, Lazada… đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành cả nước tiếp cận và bán hàng thành công trên các sàn thương mại điện tử.

Sàn thương mại điện tử giúp nông sản vươn xa và giảm bớt các khâu trung gian.

Đơn cử như ngay từ giữa tháng 6/2023, thời điểm vải thiều Bắc Giang bắt đầu vào mùa thu hoạch chính; nhờ có chuẩn bị từ sớm, thông qua sàn TMĐT Postmart, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã đưa hàng chục tấn vải thiều đến các điểm bán hàng trên toàn quốc, đặc biệt là thị trường khu vực các tỉnh phía Nam. Việc phân phối vải thiều qua sàn TMĐT Postmart cho thấy nỗ lực rất lớn của Bưu điện Việt Nam trong việc gắn kết đưa trái vải vào tiêu thụ tại các điểm bán của Bưu điện. Với mạng lưới các điểm phục vụ phủ rộng khắp 63 tỉnh thành, những trái vải chất lượng của Bắc Giang nhanh chóng đến tay người tiêu dùng với chất lượng và giá cả hợp lý.

Cùng với một số sàn TMĐT phía Bắc, tại thành phố Hồ Chí Minh, sàn TMĐT Lazada cũng đang triển khai chương trình quảng bá, kinh doanh các sản phẩm vải thiều, đặc sản của Bắc Giang như: Vải U hồng, vải thiều Lục Ngạn và vải Lai sớm... Tất cả sản phẩm này đều được thu mua từ vườn trực tiếp, sau đó qua quy trình lựa chọn và phân loại kỹ càng, bảo quản và đóng gói theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt; sản phẩm sẽ được giao tới tay người tiêu dùng với chi phí thấp hơn từ 25 - 30% so với giá bán trên thị trường với thời gian nhanh chóng từ 2 - 4 giờ.

Cùng với các địa phương trên cả nước, thời gian qua, Hà Nội cũng đã đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, phần nào đã giúp các địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế số; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung.

Chia sẻ về lợi ích mang lại từ sàn TMĐT, ông Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội), cho biết, thông qua các sàn TMĐT, hợp tác xã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. “Có những thời điểm, một số nơi do áp lực thời vụ, ổi chỉ bán được giá 10.000 đồng/kg nhưng sản phẩm này của hợp tác xã vẫn bán được tại hệ thống cửa hàng tiện ích và các sàn TMĐT với giá 25.000 đồng/kg”, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong chia sẻ.

Cũng như Hợp tác xã Khánh Phong, nhờ nhanh nhạy tìm đến các kênh bán hàng trên sàn TMĐT Sendo và thông qua một số trang mạng xã hội, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao (Chương Mỹ, Hà Nội) đã thành công với sản phẩm cà gai leo. Theo ông Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm cà gai leo đã phủ khắp thị trường cả nước, khắc phục được hạn chế về khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận nên doanh thu tăng gấp 2 - 3 lần so với phương thức bán hàng truyền thống.

Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kênh phân phối nông sản qua sàn TMĐT ngày càng có nhiều lợi thế cạnh tranh vì người mua, người bán đều trực tiếp giao dịch mà không phải qua quá nhiều khâu trung gian với các khoản chi phí cho nhân công, điểm tập kết hàng. Bên cạnh đó, với kênh TMĐT, các hợp tác xã, hộ nông dân có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng lớn hơn một cách nhanh chóng và dễ dàng. Mặt khác, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản trên kênh TMĐT đang dần tạo ra thói quen tiêu dùng mới.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tiếp cận việc thông qua các nền tảng số, nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... Có 50% doanh nghiệp đã tìm hiểu về TMĐT và nhiều doanh nghiệp trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khai thác tốt kênh phân phối hàng hóa của mình trên các nền tảng số chưa phải là nhiều. Các sàn TMĐT là kênh phân phối mới có nhiều ưu điểm và hiệu quả, có tốc độ phát triển nhanh trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, muốn phát huy đầy đủ hiệu quả của kênh bán hàng này, vẫn cần sự phối hợp hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, bộ ngành liên quan.

Để hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp Thủ đô lên sàn TMĐT, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội.

Theo đó, sản phẩm nông nghiệp sẽ được quảng bá, giới thiệu lên các sàn TMĐT Postmart và Vỏ Sò. Thành phố cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bên liên quan và các sàn TMĐT sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, quản lý logistics cho các hộ sản xuất trên nền tảng TMĐT. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia tiêu thụ trên sàn TMĐT; kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm các sản phẩm nông sản. Sở Công Thương hỗ trợ các sàn TMĐT thủ tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Với việc nắm vững những kỹ năng TMĐT, doanh nghiệp, nhà sản xuất hay hợp tác xã nông nghiệp mới có thể chủ động vận hành được kênh bán hàng TMĐT của riêng mình một cách hiệu quả.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nong-san-thu-do-vuon-xa-nho-thuong-mai-dien-tu-157487.html