Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Sơn La

Năm 2023, Sơn La đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực như: Sản xuất nông, lâm, thủy sản, hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp...

Sản xuất nông - lâm - thủy sản tạo dấu ấn

Năm 2023, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vươn lên và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng trưởng dương so với năm 2022; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương. Thu ngân sách trên địa bàn Sơn La đạt 4.258 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La thường xuyên được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ảnh: Lâm Hiển

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La thường xuyên được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ảnh: Lâm Hiển

Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Điểm sáng được đánh giá cao của Sơn La là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa mà trọng tâm là phát triển cây ăn quả trên đất dốc, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra đạt 84.160 ha, sản lượng đạt trên 455.000 tấn, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 31.388 ha, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; có trên 20.000 ha cà phê Arabica, sản lượng đạt trên 215.000 tấn quả tươi, giá trị ước đạt trên 2.570 tỷ đồng; 27 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ, tăng 03 sản phẩm so với năm 2022; 05 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng 03 vùng so với năm 2022; 280 chuỗi cung ứng thực phẩm, thủy sản an toàn, tăng 39 chuỗi so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, dịch vụ được đẩy mạnh; cung, cầu hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 30.800 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản được thực hiện hiệu quả; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 186,8 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong lĩnh vực du lịch tăng trưởng mạnh; năm 2023, tổng số lượt khách du lịch đến Sơn La ước đạt 4,5 triệu lượt người, tăng 41% so với năm trước; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 58,2% so với năm trước. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu lần thứ hai được vinh danh là Điểm đến khu vực hàng đầu châu Á và thế giới.

Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp tiếp tục được quan tâm phát triển. Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển biến theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng. Các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động an toàn. Tích cực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; đưa vào vận hành Nhà máy chế biến cà phê Sơn La; Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc; dây chuyền chế biến trà Cascara của Công ty cổ phần Phúc Sinh.

Nhiều điểm sáng trong xúc tiến đầu tư

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại Sơn La tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ. Sơn La đã hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phủ kín quy hoạch phân khu đô thị trên quy hoạch chung. Chuẩn bị đầu tư dự án đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; Cảng hàng không Nà Sản đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sơn La tập trung thu hút 25 dự án vào lĩnh vực công nghiệp từ nay đến năm 2025

Sơn La tập trung thu hút 25 dự án vào lĩnh vực công nghiệp từ nay đến năm 2025

Trong công tác xúc tiến, hỗ trợ, thu hút đầu tư, đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký 17.507,6 tỷ đồng; trong đó có các dự án phát triển đô thị hiện đại, quy mô lớn, như dự án Khu dân cư dịch vụ cửa ngõ huyện Mộc Châu - vốn đăng ký 2.591 tỷ đồng; dự án Khu dân cư dịch vụ du lịch Đồi chè - vốn đăng ký 12.314 tỷ đồng. Doanh nghiệp, hợp tác xã được quan tâm phát triển; toàn tỉnh hiện có 3.462 doanh nghiệp (tăng 8,6%) và 994 hợp tác xã tăng 12,95% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, Sơn La đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng, đặc biệt là Lễ hội Cà phê Arabica lần thứ nhất năm 2023 gắn với các hoạt động Kỷ niệm 128 năm thành lập tỉnh Sơn La và Kỷ niệm 15 năm thành lập TP. Sơn La; Ngày hội du lịch văn hóa "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới" tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; Tuần Văn hóa Du lịch Tây Bắc tại tỉnh Luông Pha Bang, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; tổ chức sự kiện du lịch "Sắc màu Sơn La - Tây Bắc" trong Tuần lễ du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc...

Sơn La có rất nhiều danh lam thắng cảnh và nét văn hóa đặc sắc.

Sơn La có rất nhiều danh lam thắng cảnh và nét văn hóa đặc sắc.

Phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu. Với những giải pháp phù hợp thực tiễn, Đảng bộ chính quyền tỉnh Sơn La đãcó những bước phát triển mới, cách làm hay không ngừng tích lũy nội lực để vươn lên xứng tầm vị thế thủ phủ Tây Bắc trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nong-nghiep-tiep-tuc-la-tru-do-quan-trong-trong-co-cau-kinh-te-cua-son-la-299681.html