Nông nghiệp - 'Bệ đỡ' của nền kinh tế

Là một tỉnh phải gánh chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh nhưng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và các địa phương nên kết quả sản xuất nông nghiệp của Quảng Trị vẫn đạt được những kết quả tích cực, luôn khẳng định vị thế là 'bệ đỡ' của nền kinh tế.

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính tại xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: L.A

Hạ tầng thủy lợi đảm bảo

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe khẳng định, hạ tầng thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, là yếu tố để nông nghiệp của tỉnh hướng đến sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Do vậy, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, phục vụ công tác tưới tiêu, phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhiều dự án, công trình nổi bật đã và đang thực hiện trong thời gian gần đây như sửa chữa, nâng cấp hồ Đá Mài-Tân Kim, Trúc Kinh, La Ngà, Hà Thượng, Triệu Thượng 1, Triệu Thượng 2, khắc phục khẩn cấp công trình Nam Thạch Hãn…

Từ nguồn vốn dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập WB 8 đã nâng cấp một số hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh như hồ Dục Đức, Khe Ná, Khóm 2, Cổ Kiềng, Trằm của huyện Vĩnh Linh; hồ Kinh Môn, Đập Hoi 1, 2 của huyện Gio Linh; hồ Km 6 của thành phố Đông Hà; hồ Tân Vĩnh, khóm 7 của huyện Hướng Hóa; hệ thống thủy lợi Ba Hồ-Bản Chùa của huyện Cam Lộ… Các hồ, đập sau khi được đầu tư xây dựng, nâng cấp đã phát huy hiệu quả trong việc cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt; đảm bảo vấn đề an toàn công trình và góp phần quan trọng trong việc tăng cường phòng, chống lũ, lụt cho các khu vực hạ du.

Nhờ hạ tầng thủy lợi đảm bảo, áp dụng các biện pháp tưới tiêu khoa học mà năm 2021 diện tích gieo trồng cây lương thực toàn tỉnh đạt trên 54.800 ha, sản lượng lương thực ước đạt 29,46 vạn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao đạt trên 38.000 ha; diện tích cánh đồng lớn cả năm đạt 11.000 ha. Được biết trong thời gian tới tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các công trình thủy lợi còn lại đáp ứng theo quy chuẩn hiện hành về đảm bảo an toàn, phấn đấu đảm bảo tưới chủ động cho trên 90% diện tích đất trồng lúa 2 vụ, 5.500- 6.000 ha rau màu và cây công nghiệp. Cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 2.500 ha, ngăn mặn giữ ngọt 15.000 ha. Tăng cường khả năng thoát lũ cho các vùng dân cư, chủ động tiêu úng 21.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Dấu ấn công nghệ cao

Vụ hè thu năm nay, lần đầu tiên Hợp tác xã (HTX) Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng liên kết với Công ty Agridrone, Chi nhánh miền Trung đưa vào sử dụng thiết bị bay không người lái (còn gọi là drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho phần lớn diện tích lúa của HTX. Giám đốc HTX Kim Long Nguyễn Hữu Phước chia sẻ, mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn với quy mô từ 20-30 ha, sử dụng cùng một giống lúa, cùng cách chăm sóc… thì việc sử dụng drone để phun thuốc BVTV là hết sức phù hợp bởi không chỉ nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo sức khỏe cho nông dân do không phải trực tiếp phun thuốc trên đồng ruộng, không làm cây lúa bị đổ ngã do dẫm đạp.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bùi Phước Trang thông tin, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha diện tích trồng lúa đưa vào sử dụng drone để phun thuốc BVTV. Với ưu điểm như chỉ cần một người điều khiển, drone có thể bay phun thuốc BVTV cho hơn 20-25 ha/ngày. Lượng thuốc được phân bổ đều, chính xác đối với từng thửa ruộng, không chồng lấn lên nhau nhờ chức năng lập bản đồ địa hình, giảm tổn thất sản lượng lúa 150- 200 kg/ha so với phun thuốc thông thường do không bị giẫm đạp. Với diện tích cánh đồng lớn toàn tỉnh chiếm từ 8.000-10.000 ha, đây là tiềm năng rất lớn cho việc ứng dụng drone nói riêng và các công nghệ hiện đại khác nói chung nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tài nguyên nước và quan trọng nhất là hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người nông dân.

Năng suất lúa tiếp tục được giữ ổn định - Ảnh: L.A

Năm 2021 cũng là năm tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao với việc hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Có thể kể đến như các công nghệ tưới tiết kiệm, thủy canh, nhà lưới, nhà màng, canh tác theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, canh tác hữu cơ, canh tác tự nhiên… với quy mô ngày càng tăng. Toàn tỉnh hiện có gần 60 dự án phát triển nông nghiệp trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản...

Hơn 30 nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ, quả an toàn chất lượng cao; hơn 500 ha cây trồng sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm; hơn 50 ha nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (biofloc, semi-biofloc); 54 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, một số mô hình rừng sản xuất bằng giống nuôi cấy mô… Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên được chú trọng phát triển trên các cây trồng chủ lực như lúa với diện tích hơn 400 ha/ năm, hơn 50 ha cây ăn quả đặc sản; hơn 300 ha hồ tiêu, cà phê, cây dược liệu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã ứng dụng công nghệ sấy, bảo quản, chế biến nông sản; công nghệ nhân giống nuôi cấy mô tế bào... tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có giá trị kinh tế cao làm nền tảng thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trên địa bàn.

Liên kết sản xuất để phát triển

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải cho biết, để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, huyện Hải Lăng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu sản phẩm “Gạo Hải Lăng” với tổng diện tích gần 20 ha. Sử dụng các giống lúa chất lượng cao như Lộc Trời 1, Đài thơm 8, ST4…và sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm. Tăng cường việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với tổng diện tích 331 ha. Đặc biệt, huyện đang tích cực phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC Việt Nam khảo sát, quy hoạch gần 1.500 ha đảm bảo các điều kiện thiết yếu để sản xuất lúa hữu cơ. Trước mắt, huyện Hải Lăng đang tập trung chỉ đạo việc liên kết sản xuất, tiêu thụ 18 ha lúa hữu cơ tại HTX Kim Long và 25 ha lúa VietGAP tại HTX Lương Điền, HTX Văn Quỹ trong vụ đông xuân tới.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích sản xuất có liên kết tiêu thụ ngày càng tăng với hơn 7.000 ha lúa, cà phê, hồ tiêu, cây dược liệu, sắn…Có hơn 60 doanh nghiệp, cơ sở liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Qua đó, đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với chế biến, ổn định thị trường tiêu thụ như lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, chanh leo, cao su, hồ tiêu, cà phê, sắn... Nhiều mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp/nhà máy chế biến đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Đơn cử như đã mở rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ chanh leo với Công ty Nafood Tây Bắc lên gần 100 ha. Liên kết với Công ty cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phát triển lúa hữu cơ, canh tác tự nhiên hơn 240 ha. Mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong với diện tích hơn 3.500 m2 . Mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh với diện tích hơn 170 ha liên kết với Công ty Organics More tại thành phố Hồ Chí Minh để hợp tác xuất khẩu toàn bộ số hồ tiêu hữu cơ trên địa bàn sang thị trường Châu Âu. Hạt tiêu sau khi thu hoạch, chế biến được công ty thu mua tận hộ gia đình với giá cao hơn so với giá thị trường tại cùng thời điểm từ 18.000-20.000 đồng/kg.

Các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức cho người nông dân, thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích cao hơn cho người sản xuất. Thông qua liên kết với doanh nghiệp nhiều sản phẩm nông sản đã xây dựng được thương hiệu và tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế như gạo hữu cơ, hồ tiêu hữu cơ, cà phê Khe Sanh, cao dược liệu, gỗ rừng trồng FSC, con tôm, tinh bột sắn.

Theo dự báo, sản xuất nông nghiệp năm 2022 tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, với nhiều chính sách mang tính đột phá đã và đang triển khai chính là tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp hiện thực hóa mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo 3 trụ cột chính về kinh tế, xã hội, môi trường, qua đó khẳng định vị thế “bệ đỡ” của nền kinh tế tỉnh.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164643&title=nong-nghiep--%E2%80%9Cbe-do%E2%80%9D-cua-nen-kinh-te