'Nóng mắt' với Anh, Argentina kiến nghị vấn đề này lên Liên hợp quốc

Argentina cho biết sẽ đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu Vương quốc Anh nối lại các cuộc đàm phán về chủ quyền quần đảo Malvinas mà Anh gọi là Falklands.

Argentina kiến nghị với Liên hợp quốc triển vọng đàm phán với Anh về chủ quyền của quần đảo Malvinas. (Nguồn: GETTY)

Argentina kiến nghị với Liên hợp quốc triển vọng đàm phán với Anh về chủ quyền của quần đảo Malvinas. (Nguồn: GETTY)

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Argentina, Ngoại trưởng nước này Santiago Cafiero sẽ dẫn đầu một phái đoàn tham dự phiên họp của Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra ngày 20/6 tại New York (Mỹ), trong đó người đứng đầu ngành ngoại giao Argentina đưa ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của quốc gia Nam Mỹ đối với Quần đảo Malvinas, Nam Georgia và Nam Sandwich và các vùng biển biển xung quanh.

Ngoài ra, ông Cafiero cũng nhắc lại các cam kết của Chính phủ Argentina về thúc đẩy tiến trình giải quyết tranh chấp chủ quyền tại các vùng lãnh thổ này dựa trên các nghị quyết do Đại hội đồng LHQ đưa ra.

Trong khuôn khổ chuyến thăm trụ sở LHQ ở New York, Ngoại trưởng Argentina Cafiero còn có cuộc gặp với Tổng thư ký António Guterres, trong đó hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề chủ quyền của Quần đảo Malvinas.

Quần đảo Malvinas nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650km và cách Anh gần 8.000km. Argentina tiếp quản quần đảo này từ Tây Ban Nha và triển khai lực lượng quân sự đến đó từ năm 1820. Tuy nhiên, đến năm 1883 Anh chiếm giữ những hòn đảo này và khẳng định chủ quyền tại đây.

Đến năm 1982, Argentina đã tấn công quân đồn trú của Anh và chiếm lại được quần đảo này trong 74 ngày, nhưng sau đó lại bị đánh bại. Cuộc xung đột vũ trang này đã cướp đi sinh mạng của 649 binh sỹ Argentina và 255 lính Anh.

Mặc dù Malvinas thuộc quyền quản thác của Anh, nhưng Argentina vẫn luôn tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Về phía Anh, bất chấp các nghị quyết của LHQ yêu cầu nước này đàm phán với Argentina, London vẫn làm ngơ và ra điều kiện đàm phán chỉ trong trường hợp người dân quần đảo đề nghị. Khoảng 3.000 người dân tại Malvinas, phần lớn là người Anh hoặc hậu duệ của họ, không muốn chịu kiểm soát từ Argentina.

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/no-ng-ma-t-vo-i-anh-argentina-kie-n-nghi-van-de-na-y-len-lien-hop-quoc-231578.html