Nông dân Yên Bái tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên

Triển khai thực hiện Phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững', 5 năm qua, toàn tỉnh Yên Bái đã có có 197.952 lượt hộ đạt danh hiệu 'Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp'. Các cơ sở hội đã thành lập 20 câu lạc bộ 'Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi' với 340 thành viên.

Đồng chí Giàng A Câu - Chủ tịch HND tỉnh tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Văn Yên.

PHÁT HUY VAI TRÒ CHỦ THỂ CỦA NÔNG DÂN TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng về sản xuất nông nghiệp hàng hóa cho nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội ở nông thôn; hỗ trợ nông dân phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tiếp cận các nguồn vốn, thị trường…

Ban Chấp hành HND tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hàng năm trích ngân sách bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hội viên, nông dân đóng góp, ủng hộ xây dựng Quỹ.

Theo đó, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt trên 33,9 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 70%. Toàn tỉnh hiện có 170 dự án với 769 hộ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua kiểm tra đánh giá, nguồn vốn vay được các hộ sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, nhiều hộ hội viên vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động ở địa phương.

Điển hình như: Dự án "Nuôi trâu sinh sản” ở xã Xuân Lai, Dự án "Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà” tại xã Vĩnh Kiên, xã Hán Đà (Yên Bình); Dự án "Chăn nuôi dê” ở xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải; Dự án "Trồng dâu nuôi tằm” ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; Dự án "Trồng và chăm sóc quế” tại huyện Văn Yên… Ngoài ra, thực hiện chương trình phối hợp với các ngân hàng, các cấp HND đã tích cực triển khai thực hiện đạt kết quả rõ nét.

Hiện, dư nợ ủy thác của HND với Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 1.214,476 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 22.590 hộ hội viên nông dân (HVND) nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển kinh tế; dư nợ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 930,347 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 8.049 HVND vay vốn phát triển sản xuất.

Để hỗ trợ nông dân tiếp cận với khoa học, công nghệ, HND tỉnh đã ký kết và thực hiện chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho nông dân.

Từ năm 2018 đến nay, các cấp HND đã phối hợp tổ chức gần 4.300 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm sản cho trên 170.000 lượt HVND. Thực hiện chương trình ký kết với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các cấp HND đã tư vấn học nghề cho gần 41.000 HVND, phối hợp tổ chức trên 440 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 13.000 HVND, trong đó có trên 50% học viên tham gia học nghề có việc làm.

Hàng năm, các cấp Hội chủ động phối hợp với Công ty Apatit Lào Cai, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Thủy Ngân cung ứng từ 3.000 - 5.000 tấn phân bón trả chậm giúp HVND phát triển sản xuất.

Đồng chí Giàng A Câu - Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Nhằm hỗ trợ HVND quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, Ban Chấp hành HND tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao trách nhiệm của các cấp HND trong giới thiệu, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019 - 2023". Đến nay, HND tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tạo trên 30.000 dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp (tài khoản mua, bán); phối hợp đưa 138 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn và tạo trên 10.000 tài khoản mua và bán của HVND trên các sàn giao dịch điện tử để tiêu thụ nông sản.

Cùng với các hoạt động trên, các cấp HND còn tích cực tuyên truyền, vận động HVND phát huy tinh thần chủ động tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, góp phần hình thành mô hình sản xuất chuyên canh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Điển hình như mô hình trồng lúa nếp 87, tẻ đỏ, trồng cây sơn tra tại huyện Trạm Tấu; mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ; mô hình chăn nuôi gà tại xã Minh Quán, huyện Trấn Yên; mô hình chăn nuôi trâu, bò tại các xã: Động Quan, Tân Lĩnh, Minh Tiến, huyện Lục Yên; mô hình nuôi ong tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái...

Triển khai thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 345.761 lượt hộ HVND đăng ký, qua bình xét có 197.952 lượt hộ đạt danh hiệu "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”. Các cơ sở hội đã thành lập được 20 câu lạc bộ "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” với 340 thành viên.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, các cấp HND trong tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh các phong trào, hoạt động HND, trong đó tập trung vào các khâu đột phá, gồm: đa dạng hóa các hình thức thu hút, tập hợp nông dân phù hợp với xu thế phát triển, trọng tâm là vận động hỗ trợ thành lập các chi, tổ HND theo nghề nghiệp và các câu lạc bộ nông dân; quan tâm phát triển tổ chức Hội trong các hợp tác xã, tổ hợp tác; bồi dưỡng nâng cao năng lực về mọi mặt cho HVND, nhất là tư duy về phát triển kinh tế, kiến thức về khoa học, công nghệ, sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ, về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn: tập trung lãnh đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã.

HỖ TRỢ NÔNG DÂN TIẾP CẬN CÁC NGUỒN VỐN PHÁT TRIỂN KINH TẾ

HND thị xã Nghĩa Lộ hiện có 14 tổ chức hội xã, phường, 106 chi hội nông dân với 12.133 hội viên. Năm 2023, HND thị xã đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) và các nguồn quỹ hỗ trợ giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, HND thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện giải ngân Dự án "Chăn nuôi trâu sinh sản” và "Chăm sóc và cải tạo chè”; giải ngân 9 dự án như nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi trâu, bò sinh sản…

Cùng với đó, thực hiện chủ trương của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, các cấp HND thị xã đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH triển khai tốt các chương trình cho vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tính đến hết 11/2023 là 133.617 triệu đồng; số tổ tiết kiệm và vay vốn thành lập và quản lý 57 tổ tại 14 đơn vị xã, phường; số thành viên tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn 2.142 khách hàng là hội viên HND. Trong đó, Ngân hàng CSXH thị xã tập trung cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn…

Mô hình trồng bí lấy hạt của hội viên Điêu Văn Vi ở thôn Đêu 4, xã Nghĩa An cho hiệu quả cao.

Theo đánh giá của Ngân hàng CSXH, thông qua nguồn vốn vay, các gia đình hội viên đã mạnh dạn đầu tư, lựa chọn đưa các giống cây, con mới cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của gia đình hội viên ngày càng nâng lên…

Ông Lò Văn Kem - Chủ tịch HND xã Nghĩa Lợi cho biết: "5 năm qua, đã có 76 hộ nghèo được các chi hội thôn, bản trực tiếp và phối hợp giúp đỡ vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của HND các cấp trong việc triển khai Dự án "Chăn nuôi trâu sinh sản” tại Chi hội Sà Rèn với số vốn 500 triệu đồng, giúp cho 10 hộ nông dân vay phát triển chăn nuôi trâu, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn”.

Ông Phan Thanh Nam - Chủ tịch HND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Song song với việc giúp hội viên được vay vốn đầu tư vào sản xuất, HND các xã, phường còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 17 buổi tập huấn khoa học - kỹ thuật cho hội viên với 860 lượt người tham gia; ứng dụng kỹ thuật cao vào mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Phù Nham; mô hình trồng cà chua gốc ghép tại phường Cầu Thia; mô hình sản xuất lúa Séng cù sử dụng phân bón Avi gắn với bao tiêu sản phẩm có quy mô 18 ha với 57 hộ tham gia tại thôn Khá Thượng và Khá Hạ, xã Thanh Lương; triển khai khảo nghiệm 1 mô hình quy mô diện tích 1,2 ha với 6 hộ hội viên tham gia sử dụng phân bón hữu cơ LUCAVI của Công ty TNHH LUCAVI - Bắc Ninh trên cây chè, địa điểm tại xã Nghĩa Lộ...

Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp trên địa bàn và ngoài tỉnh vào đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức được 9 lớp đào tạo nghề cho 332 lượt hội viên tham gia. Kết quả, sau đào tạo nghề đã có 114 hội viên có việc làm.

Ngoài ra, HND thị xã còn phối hợp tuyên truyền, vận động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đưa cơ giới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí và giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Từ phong trào đã hình thành một số vùng chuyên canh trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi như: mô hình trồng dưa hấu xã Thanh Lương; mô hình trồng cây lấy hạt xã Phúc Sơn; mô hình chăn nuôi thủy sản xã Phù Nham; mô hình chăn nuôi trâu sinh sản tại các xã, phường; mô hình homestay đón khách du lịch trong và ngoài nước...

Hội cũng tích cực vận động hội viên tham gia thực hiện Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh. Kết quả đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai thẩm định, nghiệm thu và giải ngân 18 cơ sở và 1 tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò và chăn nuôi lợn với tổng số tiền 633 triệu đồng.

Có thể thấy, thông qua hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế, nhiều gương hội viên đã không những thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu và trở thành hộ nông sản xuất kinh doanh giỏi.

Theo đó, năm 2023, đã có 4.697 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; qua bình xét đánh giá có 3.617 hộ đạt, chiếm 35,43% tổng số hộ hội viên toàn thị xã. Các hoạt động của Hội đã góp phần củng cố, xây dựng tổ chức HND thị xã Nghĩa Lộ ngày càng vững mạnh; tăng cường sự gắn bó, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hội viên và nông dân; tạo động lực khích lệ hội viên hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

NHỮNG NÔNG DÂN SÁNG TẠO DÁM NGHĨ, DÁM LÀM Ở LỤC YÊN

Từ năm 2021 đến nay, các cấp HND huyện Lục Yên đã xây dựng 200 mô hình điển hình, tiên tiến trong phát triển kinh tế. Trong đó, nhiều mô hình phát huy tốt sản phẩm đặc sản địa phương, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, giúp nông dân vươn lên làm giàu.

Những năm gần đây, Hợp tác xã (HTX) Thái Sơn, xã Tân Lĩnh là một trong những đơn vị tiên phong trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện Lục Yên. Được thành lập từ năm 2016, sau hơn 4 năm nỗ lực, HTX đã thực hiện chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm lạc - sản phẩm chủ lực của địa phương có chất lượng đủ điều kiện tiêu thụ trên thị trường.

Năm 2016, nhận thấy lạc đỏ có thể tạo ra sản phẩm dầu lạc có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, ông Đàm Văn Việt, xã Tân Lĩnh đã thành công ép tinh dầu từ các loại lạc, đậu tương.

Mô hình nuôi gà trống thiến của ông Tống Văn Anh, ở thôn Sơn Thượng, xã Mai Sơn.

Theo ông Đàm Văn Việt - Giám đốc HTX Thái Sơn, HTX tổ chức thương thảo, liên doanh, liên kết và ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm lạc, vừng, đỗ tương cho bà con trong vùng; tiến hành đăng ký chất lượng sản phẩm; đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm dầu lạc Thái Sơn. Sản phẩm dầu lạc của HTX sản xuất được bình chọn và đạt giải Nhất cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018 tỉnh Yên Bái. Sản phẩm dầu thực vật do HTX sản xuất được tiêu thụ không chỉ trong huyện, tỉnh mà còn có mặt ở thị trường Hà Nội, Thái Bình, Lào Cai...

Đến thời điểm này, HTX đã có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao bao gồm dầu lạc đỏ Thái Sơn, lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn, dầu lạc trắng, dầu đỗ tương, dầu vừng Thái Sơn.

Nhận thấy việc nuôi gà trống thiến bán tết được nhiều người ưa chuộng, ông Tống Văn Anh ở thôn Sơn Thượng, xã Mai Sơn đã tìm tòi, nghiên cứu ra nhiều bí quyết chăn nuôi đem lại hiệu quả vượt trội cho trang trại gà của gia đình. Gà trống thiến Lục Yên là giống gà ri địa phương, phương thức chăn nuôi hoàn toàn chăn thả tự nhiên và không sử dụng thức ăn công nghiệp.

Sau khi chế biến, gà có da màu vàng, thịt thơm đặc trưng, săn chắc và đặc biệt không dai, vị đậm, da giòn ngậy. Nói về phương pháp chăn nuôi, ông Tống Văn Anh cho biết, không giống như nuôi gà công nghiệp là nuôi nhốt và chỉ cho ăn cám, gà trống thiến phải được nuôi theo phương thức bán chăn thả.

Theo đó, chuồng trại thoáng mát và có sân chơi để gà tự đào bới tìm thức ăn, tùy thời điểm bổ sung thêm cám, bắp… để đảm bảo chất dinh dưỡng. Năm 2020, huyện Lục Yên đã xây dựng thương hiệu gà thịt đạt tiêu chuẩn OCOP gồm 2 loại là gà ri và gà trống thiến, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 4 vạn con thịt thương phẩm, trong đó gà thiến khoảng 5.000 con.

Đây là sản phẩm nổi tiếng của Lục Yên bán đắt nhất vào dịp tết nguyên đán. Ngoài ra còn nhiều mô hình sáng tạo của nông dân đem lại hiệu quả kinh tế cao như: hộ ông Lục Vân Anh tổ dân phố 9, thị trấn Yên Thế với mô hình "6 không Farm”; mô hình nuôi bò thương phẩm và sinh sản thực hiện theo Nghị quyết 69/HĐND tỉnh với 10 con bò, sử dụng đệm lót sinh học của hộ hội viên sản xuất kinh doanh giỏi Hoàng Thị Chi, thôn Ngòi Tầu, xã Liễu Đô; mô hình trồng na Đài Loan của hội viên Lại Đăng Hiệp, thôn 4, xã Tân Lĩnh được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện; Tổ hợp tác thâm canh cây dưa hấu, dưa lê tại thôn Khuân Pục, xã Minh Tiến; Tổ hợp tác nuôi cá lồng tại xã Phan Thanh, An Phú; HTX cam Lục Yên; mô hình nuôi trâu, bò thương phẩm trên 10 con tại thôn Khau Ca, Khau Sén, xã An Phú.

Từ những kết quả đạt được, Hội Nông dân huyện Lục Yên tiếp tục chú trọng tuyên truyền cho nông dân, chủ trang trại, gia trại tích cực đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản hàng hóa; tăng cường phối kết hợp với các ngành, đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp để tạo nguồn lực lớn cho các hoạt động của Hội. Vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, dịch vụ phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm, thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên.

NHỮNG NÔNG DÂN HẠNH PHÚC

Thôn 1 xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên có 192 hộ với 847 nhân khẩu. Thu nhập chính của người dân từ nông nghiệp, lâm nghiệp, trong đó sản xuất nông nghiệp đang dần chuyển sang phát triển hàng hóa với các mô hình chế tác đá mỹ nghệ, gia công may mặc...

Năm 2022, thôn 1 đã xây dựng và chính thức ra mắt "Chi hội nông dân hạnh phúc” - địa phương thực hiện làm điểm mô hình. Mô hình này nhằm thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động HND cơ sở tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2020 - 2023” do HND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp cơ sở Hội xây dựng.

Theo đó, thôn phấn đấu duy trì thu nhập của HVND đạt bình quân 40 triệu đồng/người/năm; 70% số hội viên đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; hội viên chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Để được tham gia mô hình "Chi hội nông dân hạnh phúc”, các chi hội phải đạt đánh giá, xếp loại "hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; HVND trong Chi hội có đời sống kinh tế, vật chất ổn định; có 60% trên số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở trở lên; tích cực phối hợp tham gia xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Đồng chí Giàng A Câu - Chủ tịch HND tỉnh tặng hoa chúc mừng "Chi hội nông dân hạnh phúc” thôn 1, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên.

HVND thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường sống; chi hội xây dựng được ít nhất một trong các mô hình: tuyến đường tự quản, tuyến đường thắp sáng đường quê, mô hình bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp…

Đồng chí Lương Vân Hường - Chủ tịch HND huyện Lục Yên cho biết: "Thời gian qua, các cấp HND huyện luôn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn HVND tích cực tham gia mô hình nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm và huy động sự vào cuộc của các cấp Hội, HVND. HND huyện duy trì 5 "Chi hội nông dân hạnh phúc” năm 2022 tại 4 xã: Tân Lĩnh, An Lạc, Mường Lai, Yên Thắng với 467 hội viên. Năm 2023, chỉ đạo các cơ sở thành lập 9 "Chi hội nông dân hạnh phúc” với 658 hội viên; nâng tổng số "Chi hội nông dân hạnh phúc” toàn huyện lên 14 chi hội tại 13 xã với 1.125 hội viên”.

Quan tâm, hỗ trợ mô hình "Chi hội nông dân hạnh phúc”, thời gian qua, HND tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; thẩm định và giải ngân 174 dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với tổng nguồn vốn vay 34,782 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 50 mô hình "Chi hội nông dân hạnh phúc” tại 50 xã với 2.489 thành viên.

Đồng chí Giàng A Câu - Chủ tịch HND tỉnh khẳng định: "Tham gia mô hình, đông đảo HVND sẽ được thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước gắn với tình hình thực tiễn của địa phương; trao đổi các kiến thức về phát triển kinh tế, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; kiến thức về ứng xử trong gia đình, trong cộng đồng; công tác bình đẳng giới; phòng, chống các tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương...”.

Bên cạnh đó, HND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phối hợp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản cho nông dân...

Với cách làm hay, sáng tạo, những kết quả bước đầu đã đạt được từ mô hình "Chi hội nông dân hạnh phúc” đã thể hiện sự nỗ lực, đoàn kết từ các cấp Hội; sự phấn đấu vươn lên của HVND toàn tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng các mô hình, điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần tích cực nâng cao chỉ số hạnh phúc cho HVND.

Hồng Oanh - Mai Linh - Trần Ngọc - Anh Dũng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/305087/nong-dan-yen-bai-tu-luc-tu-cuong-khat-vong-vuon-len.aspx