Nông dân U70 kiếm tiền tỷ nhờ nuôi loài chim lớn nhất hành tinh

Bà Nguyễn Thị Bình (SN 1962) ở phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn (Hải Dương), là một trong hai gương mặt ở tỉnh được vinh danh 'Nông dân Việt Nam xuất sắc' năm 2023.

Từ 60 con đà điểu đầu tiên năm 2009 đến nay, trang trại của bà đã có gần 1.000 con đà điểu sinh sản và thương phẩm, thu lãi từ 1-3 tỷ đồng mỗi năm. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi sinh sản và thương phẩm theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường của tỉnh Hải Dương được người dân trong cả nước đến tham quan học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Bà Bình cho đà điểu ăn rau. Ảnh: Nguyễn Việt/ Dân Việt.

Chia sẻ với Vietnam+, bà Bình cho biết, năm 2004, đi dự Hội chợ Cánh diều Vàng ở Hải Phòng, bà được tìm hiểu cách thức và phương pháp chăn nuôi đà điểu tại gia đình. Qua tìm hiểu, bà nhận thấy đà điểu là giống mới chưa được nuôi ở Hải Dương. Từ niềm đam mê với con đà điểu, bà đã tìm hiểu quy trình và cách thức nuôi đà điểu của các nhà khoa học tại Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội). Tại đây, bà được hướng dẫn về cách chọn giống, cho ăn, chăm sóc, sinh sản tại hộ gia đình.

Năm 2009, bà mạnh dạn nhập 60 con đà điều giống đầu tiên về nuôi thử tại trang trại của gia đình ở thị xã Kinh Môn. Sau thời gian nuôi, bà nhận thấy đà điểu dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn chủ yếu là cỏ trong vườn và cám được làm từ bột gạo và ngô. Đà điểu nuôi tại trang trại lớn nhanh, thích nghi tốt với môi trường, khí hậu ở địa phương và không có bệnh tật.

Từ 60 con đà điều đầu tiên, đến nay, trang trại trên 10ha của gia đình bà Nguyễn Thị Bình thường xuyên có 800 con đà điểu, trong đó khoảng 250 con trong độ tuổi sinh sản, 500 con thương phẩm. Mỗi năm, trang trại cung cấp ra thị trường trên 1.000 con giống, trên 2.000 trứng đà điểu và 5 tấn thịt thương phẩm.

Đà điều vốn có nguồn gốc hoang dã nên khỏe mạnh, kháng bệnh tốt. Ảnh: Dân Việt.

Tại trang trại của bà Bình, chuồng trại luôn bảo đảm được quét dọn sạch sẽ, thoáng mát, máng ăn dùng bằng nhựa hoặc cao su không dùng máng có các góc cạnh nhọn sắc dễ gây chấn thương cho đà điểu.

Máng uống được thiết kế tự động có bề mặt rộng để đà điểu thuận tiện khi uống. Nguồn nước phải sạch sẽ không có mùi, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rác thải tại chuồng. Vì vậy, từ khi nuôi đến nay, đà điểu chưa lần nào bị dịch bệnh.

Vừa nuôi vừa phát triển dần, đến nay trang trại đà điểu của bà Bình có hơn 20 chuồng, phòng nuôi bao gồm: khu chuồng nuôi đà điểu sinh sản, chuồng đà điểu con, chuồng nuôi đà điểu thịt, phòng ấp trứng, phòng nuôi úm đà điểu mới nở.

Đáng chú ý, từ khi nuôi đà điểu đến nay, trang trại của bà không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào. Chăn nuôi đà điểu được thực hiện theo quy trình khép kín, phân đà điểu được thu gom để bón cho cây và cỏ trong trang trại, hệ thống nước được thu gom vào ao nuôi cá, nuôi bèo. Cỏ và bèo được tận thu làm thức ăn cho đà điểu. Nuôi đà điểu là nghề nuôi bán hoang dã, lợi nhuận cao hơn 2-3 lần so với nuôi trâu, bò truyền thống.

Hiện nay, trang trại của bà cung cấp nhiều sản phẩm ra thị trường gồm: đà điểu giống, trứng đà điểu (sản phẩm OCOP 4 sao), đà điểu thịt, chế biến các sản phẩm từ đà điểu như: Giò đà điểu, xúc xích đà điểu.

Doanh thu của trang trại năm sau đều cao hơn năm trước, năm 2020 tổng thu của trang trại đạt 8,6 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi trên 1,3 đồng, năm 2021 tổng thu đạt 15,5 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi trên 2,5 tỷ đồng và những năm gần đây luôn duy trì mức lãi hơn 2 tỷ đồng.

Trang trại đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với mức lương từ 6 – 15 triệu đồng/người/tháng.

Chị Vũ Thị Huyền đã gắn bó với trang trại từ những ngày đầu thành lập. Chị chia sẻ: "Từ lúc đầu chăn nuôi, chúng tôi được đào tạo về kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đà điểu. Nuôi đà điểu không khó, đà điểu rất khỏe ít bệnh tật, hàng ngày trang trại tận dụng cỏ trong vườn cho đà điểu ăn, phân đà điểu được thu gom để bón cho cây trong trang trại nên không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào. Nhờ thu nhập ổn định, làm việc trong môi trường sạch thân thiện với môi trường, người lao động rất yên tâm".

Hiện nay, ngoài cung cấp giống ra thị trường, trang trại nuôi đà điểu của bà Nguyễn Thị Bình còn cung cấp nhiều sản phẩm đạt OCOP 4 sao như thịt đà điểu, giò, xúc xích, cao đà điểu...được thị trường ưa chuộng. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ với Dân Việt về dự định trong tương lai, bà Bình cho biết: "Trong thời gian tới, trang trại tiếp tục đầu tư, mở rộng nâng quy mô nuôi đà điểu lên 2.000 con, trong đó có khoảng 300 đến 500 con đà điểu sinh sản trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp con giống an toàn, phục vụ nhu cầu chăn nuôi cho các hộ nông dân trong và ngoài tỉnh".

Ông Trần Khắc Quyền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Minh Tân, cho biết trang trại của bà Nguyễn Thị Bình là một trong những trang trại thân thiện với môi trường.

Hàng năm, bà đã giúp đỡ cho hàng chục hộ nghèo khó khăn về vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bà Bình thường xuyên tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương; phổ biến hướng dẫn về khoa học kỹ thuật về cách nuôi và chăm sóc đà điểu cho người dân có nhu cầu ở trong và ngoài tỉnh, được chính quyền đánh giá cao.

Với những nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội, bà Nguyễn Thị Bình nhiều lần được nhận các cấp, các ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương trao tặng nhiều Bằng khen, Danh hiệu… Tiêu biểu năm 2013 bà Bình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2023 bà được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bầu chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc…

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nong-dan-u70-kiem-tien-ty-nho-nuoi-loai-chim-lon-nhat-hanh-tinh-a659661.html