Nông dân tích cực chăm sóc địa lan Tết

Thời điểm này, người trồng địa lan trên địa bàn thị xã Sa Pa đã đưa lan xuống vùng thấp để chăm sóc, sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong dịp tết Nguyên đán 2024.

1 tuần nay, anh Vàng A Phảng, thôn Suối Thầu, xã Tả Phìn tất bật vận chuyển những chậu địa lan Trần Mộng xuống khu vực xã Cốc San (thành phố Lào Cai) tiếp tục chăm sóc. Để vận chuyển những chậu địa lan từ Tả Phìn xuống xã Cốc San, anh thuê 3 nhân công đưa lan lên ô tô chở đến nơi tập kết. Trước đó, anh Phảng đã thuê đất, dựng rào, căng lưới che… làm nơi chăm sóc lan. Dịp tết Nguyên đán 2024, anh Phảng dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 100 chậu địa lan Trần Mộng.

Anh Phảng tâm sự: Cành hoa địa lan khi còn non rất mềm, dễ gãy nên phải bó cẩn thận, quá trình vận chuyển, chỉ một sơ suất nhỏ có thể làm gãy, dập nát nụ, hỏng cả chậu hoa. Hơn 1 tuần chúng tôi mới đưa hết 100 chậu hoa từ xã Tả Phìn về xã Cốc San. Năm nay thời tiết thuận lợi, địa lan nhiều nhành, nhiều nụ hơn năm trước nên hy vọng giá lan sẽ cao, lượng tiêu thụ tốt hơn năm trước.

Những ngày này, anh Vàng A Phàng, thôn Lủ Khấu, xã Tả Phìn cũng dồn sức chăm chút những chậu địa lan tết của gia đình. Ngoài việc thuê đất, di chuyển lan về vùng thấp, căng lưới che nắng cho lan, anh cắt tỉa lá vàng, nhành xấu, nụ hoa bị dập, thối, nấm. Với những chậu ghép mới, anh còn sử dụng phân chuồng hoai mục trộn với mùn cưa để bổ sung dưỡng chất cho lan.

Nói về việc chăm sóc địa lan, anh Phàng cho biết: Địa lan là cây trồng có giá trị kinh tế cao, hợp với thời tiết lạnh như ở xã Tả Phìn nên chăm sóc không quá khó. Thông thường, 1 năm, người trồng lan sẽ có 2 lần chuyển chậu, bổ sung phân chuồng hoai mục trộn trấu hoặc mùn cưa làm giá thể cho cây phát triển. Cách tết Nguyên đán 2 tháng, lan được đưa về vùng thấp chăm sóc, dưỡng hoa. Mặc dù năm 2023 nhuận 1 tháng âm lịch nhưng không ảnh hưởng nhiều đến thời điểm ra hoa vì người trồng lan nắm rõ quy luật sinh trưởng, phát triển của loại hoa này. Tất cả các vườn đều áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp để cây ra hoa đúng dịp tết.

Không chỉ đưa địa lan xuống vùng thấp, cắt tỉa, chăm sóc, nhiều hộ trồng địa lan ở Sa Pa còn tăng cường tìm kiếm thị trường, tiếp thị địa lan trên internet, mạng xã hội. Anh Vàng A Páo, một hộ trồng lan ở xã Tả Phìn cho biết: Hiện tại, trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm buôn bán địa lan với số lượng hàng chục nghìn thành viên, nên ngoài bán trực tiếp, chúng tôi cũng đăng bán trên các trang này. Nhờ có mạng xã hội, việc tiêu thụ địa lan trong những năm gần đây thuận lợi hơn.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, trên địa bàn thị xã Sa Pa đang trồng khoảng 100.000 chậu địa lan, chủ yếu là giống địa lan Trần Mộng. Ngoài ra, một số hộ bắt đầu đưa các giống mới như địa lan vàng Hoàng Hậu, địa lan Sato… vào trồng thử nghiệm. Đa số địa lan của thị xã Sa Pa được trồng ở các xã Tả Phìn, Hoàng Liên, Ngũ Chỉ Sơn và phường Hàm Rồng. Dự kiến dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, có gần 30.000 chậu địa lan đủ điều kiện phục vụ thị trường. Hiện các hộ kinh doanh, trồng lan đang tích cực đưa cây về vùng thấp chăm sóc, điều tiết thời gian hoa nở phục vụ thị trường tết.

Theo đánh giá của các chủ vườn, năm nay hoa lan nhiều nhành, nụ mập đồng đều, màu lá xanh, có thể nở đẹp đúng dịp tết Giáp Thìn 2024. Nếu thị trường thuận lợi, người dân Sa Pa có thể thu về hàng chục tỷ đồng từ địa lan.

Điều kiện tự nhiên phù hợp, nhiều năm qua, người dân các địa phương trên địa bàn thị xã Sa Pa đã phát triển mô hình trồng địa lan theo hướng hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. Địa lan tiếp tục là cây trồng chủ lực được chú trọng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Sa Pa.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nong-dan-tich-cuc-cham-soc-dia-lan-tet-post377631.html