Nông dân thi đua làm giàu

Hưởng ứng phong trào thi đua 'Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững', những năm qua, hội viên nông dân toàn tỉnh đã sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Anh Tài (áo trắng) kiểm tra sản phẩm gỗ ván bóc trước khi xuất xưởng. Ảnh: tl

Những năm gần đây, thôn Dào Dần Sán của xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai đã có những bước tiến vượt bậc trong công tác giảm nghèo. Thôn có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhưng đến nay chỉ còn 15 hộ nghèo. Có được kết quả này, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh và địa phương là ý chí vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân nơi đây.

Một ngày của chị Thào Thị Súng, thôn Dào Dần Sán bắt đầu từ 5 giờ bằng việc cho đàn gia súc, gia cầm ăn, rồi lên nương trồng, cấy. 5 năm trước, gia đình chị cũng như nhiều hộ khác ở Dào Dần Sán vẫn nằm trong tình cảnh ăn bữa nay lo bữa mai. Không có vốn nên vợ chồng chị chọn cách tự để giống các loại lúa, ngô, vì vậy dù đất sản xuất rộng nhưng năng suất ngô, thóc rất thấp. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, chị Súng đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư phát triển kinh tế. Có vốn, chị dùng một phần mua các loại giống có năng suất cao vào canh tác, phần còn lại chị mua giống lợn bản địa, gà về nuôi. Năm 2019, khi đã có vốn tích lũy, chị mua 4 con trâu sinh sản về nuôi và đầu tư trồng thêm 3 ha rừng. Hiện mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Súng để ra được hơn 100 triệu đồng.

Anh Phùng Thế Tài, thôn Mạ, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên được bà con ngưỡng mộ vì nghị lực vượt khó. Trong ngôi biệt thự khang trang, anh Tài kể cho chúng tôi nghe về quá trình vươn lên trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 1990, anh rời quê hương Phú Thọ lên Lào Cai lập nghiệp khi vừa tròn 20 tuổi với 2 bàn tay trắng. Sau 5 năm bươn trải qua rất nhiều nghề cực nhọc, năm 1995, anh vay vốn ngân hàng đầu tư trồng rừng kinh tế. Sau một thời gian vất vả chăm sóc, diện tích rừng sắp cho quả ngọt thì thiên tai ập đến khiến anh trở về điểm xuất phát chỉ sau 1 đêm. Không nản chí, anh Tài quyết tâm làm lại từ đầu. Sau 6 năm làm thuê tại một xưởng gỗ trên địa bàn, cộng với tiền thế chấp ngôi nhà của gia đình, anh mở xưởng sản xuất ván bóc. Khi xưởng đi vào hoạt động có lãi, anh tích cóp đầu tư trồng rừng để dự trữ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hơn 10 năm gây dựng lại cơ đồ, hiện anh đã có hơn 20 ha rừng trồng và 1 xưởng sản xuất ván bóc, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 200 m3 ván bóc thành phẩm; tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh tích lũy được 600 triệu đồng.

Nhiều năm qua, các hộ ở thôn Nậm Hẻn, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng đã tích cực thi đua vươn lên thoát nghèo. Trong suy nghĩ của mỗi người dân Nậm Hẻn, phát triển kinh tế gia đình không chỉ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình, mà còn góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Gia đình chị Phạm Thị Khuyên là một trong những hộ có nhiều nỗ lực để phát triển kinh tế ở Nậm Hẻn, đến nay gia đình chị đã có cơ ngơi khang trang nhiều người mơ ước. Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp nên chị Khuyên chọn hướng phát triển kinh tế từ nuôi lợn, cấy lúa, nuôi gà, nuôi cá và trồng gần 500 gốc bưởi Diễn, bưởi da xanh, chanh bốn mùa. Chị còn trồng hơn 3 ha quế, mỡ. Mỗi năm, từ các nguồn thu sau khi trừ chi phí, gia đình chị để ra được gần 200 triệu đồng. Chị Khuyên cho biết; Toàn bộ kinh phí hơn 500 triệu đồng để dựng ngôi nhà này đều do vợ chồng tích lũy mà nên.

Chị Khuyên chăm sóc vườn chanh bốn mùa.

Chị Khuyên chăm sóc vườn chanh bốn mùa.

Đó chỉ là 3 trong hàng nghìn hộ nông dân toàn tỉnh vươn lên làm giàu bằng nghị lực của bản thân. Với những sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua, quan tâm biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, các cấp hội nông dân trong toàn tỉnh đã đưa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đến hội viên. Nội dung thi đua phong phú, thiết thực, sát với nhiệm vụ trọng tâm của hội và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các mô hình thi đua phù hợp với hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố đã khích lệ, động viên hội viên nông dân tham gia. Nhờ đó, hằng năm toàn tỉnh có hơn 30.000 hội viên, hộ nông dân đăng ký tham gia thực hiện các phong trào thi đua. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có gần 15.800 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (trong đó, cấp Trung ương có 110 hộ, cấp tỉnh có 1.072 hộ) và 530 hộ nghèo vượt khó vươn lên sản xuất giỏi.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/346321-nong-dan-thi-dua-lam-giau