Nông dân khá giả với những mô hình 'hái ra tiền' ở Nho Quan

Nhằm bắt nhịp thị trường, nâng sức cạnh tranh cho nông sản, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng an toàn sinh thái, thúc đẩy vai trò của các HTX, doanh nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

HTX Phú An được thành lập từ năm 2013, xuất phát điểm với 8 thành viên, tổng diện tích sản xuất hơn 76 ha. Hoạt động chủ lực của HTX hiện tại là trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp và chăn nuôi theo hướng trang trại. Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang có doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm.

Thu tiền tỷ từ cây ăn quả

Anh Lê Văn Chừng, đại diện HTX Phú An, cho hay ngay sau khi thành lập, HTX đã tiến hành thuê và cải tạo hơn 76 ha đất đồi dốc để phát triển mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP và trồng cây lấy gỗ.

Trong 2 năm đầu, các cây trồng chủ lực của HTX là giống chuối tiêu hồng với diện tích 5 ha, thanh long ruột đỏ khoảng 8 ha, dứa khoảng 7 ha, hơn 50% diện tích còn lại phục vụ trồng cây lấy gỗ lâu năm và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nhờ trang bị đầy đủ về kiến thức khoa học, kỹ thuật, cây chuối tiêu hồng nhanh chóng cho hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng mục tiêu “lấy ngắn nuôi dài” của HTX, giúp thành viên có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất.

Nông dân Nho Quan đang xây dựng thành công nhiều mô hình đem lại giá trị cao (Ảnh: BNB).

Nông dân Nho Quan đang xây dựng thành công nhiều mô hình đem lại giá trị cao (Ảnh: BNB).

Kể từ năm 2016, nhận thấy cây chuối tiêu chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng, HTX mạnh dạn chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Không đơn thuần chỉ trồng để bán quả, HTX chủ động gây giống để bảo toàn nguồn gen quý, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trồng trọt của thành viên.

“Việc linh hoạt, chuyển đổi kịp thời sang trồng thanh long giúp HTX không bị “sa lầy” với cây chuối đang bị xuống giá trầm trọng. Đồng thời, việc vừa trồng vừa gây giống thanh long giúp thành viên HTX chủ động được nguồn giống phục vụ canh tác, không bị các điểm cung cấp giống ép giá”, anh Chừng chia sẻ.

Cùng với cây thanh long ruột đỏ, các loại cây ăn quả khác của HTX như cam, bưởi… cũng đang được phát triển theo hướng khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường.

Đến nay, hơn 90% diện tích sản xuất của HTX đã được phủ kín. 100% diện tích trồng cây ăn quả được triển khai theo quy trình VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm chất lượng. Doanh thu bình quân của HTX hiện đạt trên 5 tỷ đồng/năm. HTX cũng là đơn vị bao tiêu 100% sản phẩm của hộ thành viên, nông dân liên kết.

Thúc đẩy chuỗi liên kết

Trong quá trình phát triển nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân ở Nho Quan, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã và đang là một trong những “ngòi nổ” quan trọng, đặc biệt trong việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện đã hình thành được hàng chục HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả với đầu ra ổn định như Tổ hợp tác chăn nuôi Gà thịt tại xã Đồng Phong, HTX Măng tây xã Văn Phong, HTX Dược liệu xã Cúc Phương, HTX Công, Nông nghiệp sạch Ninh Bình

Trước yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn và hội nhập kinh tế, các HTX đã từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng đến sản xuất an toàn bằng việc sử dụng các loại phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc tự nhiên, để nâng cao giá trị sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Nho Quan tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo chuỗi giá trị, an toàn sinh thái (Ảnh: BNB).

Nho Quan tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo chuỗi giá trị, an toàn sinh thái (Ảnh: BNB).

Đơn cử, sau quá trình canh tác thử nghiệm nhiều loại cây trồng khác nhau, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây ớt, HTX Công, Nông nghiệp sạch Ninh Bình (xã Đồng Phong) đã nhân rộng diện tích trồng cây ớt xanh, ớt chỉ thiên lên hơn 12ha với quy trình canh tác khép kín. Hiện nay, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức thu nhập khá ổn định.

Theo UBND huyện Nho Quan, trong thời gian tới, các HTX trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục được hỗ trợ để phát huy vai trò liên kết nhằm chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

Xóa đói, giảm nghèo bền vững

Chính những thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đang giúp huyện Nho Quan đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, thời gian qua, huyện đẩy mạnh Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025, với dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo".

Trước đây, dù làm đủ thứ nghề nhưng vì không có công việc ổn định nên cuộc sống của bà Ngô Thị Tâm, thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ gặp rất nhiều khó khăn. Đến năm 2022, bà Tâm là một trong 70 hộ nghèo của xã được lựa chọn để tham gia Dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" của huyện.

Tham gia dự án, bà Tâm đã được nhận hỗ trợ một cặp bò sinh sản trị giá 30 triệu đồng. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, cặp bò của bà Tâm đã phát triển tốt. Mỗi ngày, ngoài việc chăm sóc bò, bà Tâm vẫn tranh thủ đi phụ hồ kiếm thêm thu nhập.

“Không chỉ được hỗ trợ bò giống, tôi còn được cán bộ nông nghiệp xuống tận nơi hướng dẫn chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Với sự hỗ trợ của địa phương, tôi hy vọng trong tương lai, cặp bò sẽ ngày càng được nhân lên, đời sống theo đó cũng dần khấm khá hơn”, bà Tâm chia sẻ.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, nhằm khơi dậy ý chí, nghị lực vươn lên của hộ nghèo, cuối năm 2022, địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ mới thoát nghèo (có khả năng lao động) tham gia vào dự án chăn nuôi bò sinh sản (thực hiện Dự án "Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo" của huyện) để phát triển kinh tế gia đình hướng phấn đấu thoát nghèo trong giai đoạn này.

Sự đồng lòng của cả chính quyền và người dân đang giúp diện mạo kinh tế - xã hội huyện Nho Quan ngày càng “thay da đổi thịt”. Trong giai đoạn 2022-2025, huyện Nho Quan phấn đấu mỗi năm sẽ giảm bình quân 318 hộ nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều.

Huyện cũng xác định rõ, để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống thì không có cách nào khác là phải tạo sinh kế cho họ. Những biện pháp hỗ trợ cũng được thực hiện theo hướng "trao cần câu hơn xâu cá", để người nghèo có công cụ sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nong-dan-kha-gia-voi-nhung-mo-hinh-apos-hai-ra-tien-apos-o-nho-quan-1096599.html