Nông dân hưởng lợi từ sản xuất nông nghiệp thông minh

PTĐT - Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đang được triển khai ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung nước ta. Tại Phú Thọ, Dự án được triển khai từ năm 2014, gồm 4 hợp phần: Trong đó hợp phần 3 là 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu' (CSA).

Cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới, tiêu chủ động, tiết kiệm nước tại huyện Tam Nông tạo tiền đề xây dựng và nhân rộng các mô hình thí điểm thực hành kỹ thuật CSA trên địa bàn.

Cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới, tiêu chủ động, tiết kiệm nước tại huyện Tam Nông tạo tiền đề xây dựng và nhân rộng các mô hình thí điểm thực hành kỹ thuật CSA trên địa bàn.

>>> Khơi dậy tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Sau gần 7 năm triển khai hợp phần này đã phát huy hiệu quả tích cực “tiếp sức” nông dân trong canh tác, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lý thủy lợi, theo định hướng chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (The World Bank - WB) trong khuôn khổ Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7), Phú Thọ đã được chuyển giao và đang áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất vàn cao hạn theo hướng tăng hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng nước, giảm khí thải nhà kính và thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) theo mô hình cải thiện hệ thống tưới, tiêu cùng với thúc đẩy phát triển và ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt thích ứng BĐKH (climate smart agriculture - CSA).
Hợp phần 3 của dự án WB7 tỉnh Phú Thọ tập trung vào các nội dung hỗ trợ xây dựng 4 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các thực hành CSA. Thông qua lựa chọn và xây dựng các mô hình thí điểm thực hành kỹ thuật CSA, để nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu ích sử dụng nước, tăng thu nhập cho nông dân và giảm tính dễ tổn thương với BĐKH, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính gây tác động tiêu cực tới môi trường từ sản xuất nông nghiệp. Từ đó, đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng trên toàn vùng dự án và trên địa bàn tỉnh. Mô hình được triển khai theo phương pháp khuyến nông có sự tham gia của nông dân, trong đó nông hộ tham gia về công lao động trực tiếp, được hỗ trợ kỹ thuật, giống và chế phẩm vi sinh, vật tư triển khai...

Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa tại HTX rau an toàn Tu Vũ giúp tiết kiệm nước, cung cấp đủ nước cho quá trình cây sinh trưởng phát triển.

Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa tại HTX rau an toàn Tu Vũ giúp tiết kiệm nước, cung cấp đủ nước cho quá trình cây sinh trưởng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Liên là một trong những chủ hộ canh tác lúa theo mô hình thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông cho biết: “Trước khi xây dựng mô hình, mỗi hộ có nhiều mảnh ruộng trên cánh đồng, độ cao giữa các ruộng khác nhau và các hộ phải tự dẫn nước vào ruộng. Tham gia mô hình, ngoài được hỗ trợ giống lúa, phân bón, chúng tôi được tiếp cận với những kỹ thuật canh tác hiện đại như: Làm đất trên cánh đồng mẫu lớn giảm việc tiêu hao năng lượng sử dụng máy móc; gieo sạ thẳng hàng giúp tiết kiệm được lượng thóc giống và điều chỉnh được mật độ lúa cho phù hợp; làm cỏ bằng tay kết hợp sục bùn tạo độ thông thoáng cho đất thay cho phun thuốc trừ cỏ trước đây từ đó góp phần hạn chế sử dụng hóa chất, đảm bảo chất lượng nguồn đất, nước và tạo điều kiện để rễ lúa sinh trưởng và phát triển tốt; áp dụng biện pháp tưới tràn có khống chế nhờ hệ thống tưới tiêu hoàn thiện (trên mương tưới, dưới mương tiêu) giúp tiết kiệm 15-20% lượng nước tưới so với đại trà... Chính vì vậy, hiện nay mỗi héc ta lúa của gia đình tôi thu hoạch cho năng suất lên đến 54 - 61 tạ/ha, cao hơn 5- 10 tạ /ha so với canh tác truyền thống, lợi nhuận kinh tế mỗi héc ta cũng cao hơn gần chục triệu đồng”.Còn bà Dương Thị Chanh ở khu 3, xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng thì phấn khởi: Tham gia mô hình, ngoài áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh, chúng tôi còn được hỗ trợ áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại vào sản xuất; giúp tiết kiệm nước, phân bón cho cây bằng cách cho phép nước tưới nhỏ giọt từ từ vào rễ của cây thông qua hệ thống đường ống dẫn nước, van bù áp,... Với ưu điểm tốc độ tưới chậm, lượng nước ngấm dần dần vào đất, đảm bảo độ ẩm phân bố đồng đều, không bị thất thoát, bốc hơi, tiết kiệm nước tưới; giúp cây bưởi dễ dàng hấp thụ nước, phân bón, sinh trưởng, phát triển tốt. Vụ bưởi năm 2019, năng suất vườn bưởi nhà tôi bình quân đạt từ 135- 140tạ/ha, tăng 10 - 15% so với sản xuất đại trà, hiệu quả mô hình cho thu nhập lãi bình quân 300 - 400 triệu đồng/ha.Theo ông Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT: Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm cải thiện hệ thống tưới, tiêu tại hai huyện Tam Nông và Thanh Thủy; lập các báo cáo, kế hoạch hiện đại hóa thủy lợi, kế hoạch thành lập/củng cố các tổ chức hợp tác dùng nước, báo cáo đề xuất giải pháp phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh... Dự án đã giúp tỉnh thiết kế, xây dựng và trình diễn 4 mô hình nông nghiệp thông minh, theo hướng tăng hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng nước, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng BĐKH (CSA), bao gồm: Mô hình sản xuất lúa theo hướng cánh đồng mẫu lớn và đa dạng cây màu vụ đông cho vùng đất vàn trũng tại huyện Tam Nông, diện tích 19,5ha; Mô hình sản xuất rau, màu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng cánh đồng mẫu lớn tại huyện Thanh Thủy, diện tích 20,83ha; Mô hình sản xuất chè xanh chất lượng cao theo hướng VietGAP tại huyện Thanh Sơn, diện tích 19,3ha; Mô hình Thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng tại huyện Đoan Hùng, diện tích 20,23ha. Đến nay, đã bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng cơ sở hạ tầng mô hình bưởi, mô hình rau và mô hình lúa. Đang hoàn thiện các tồn tại tại công trường và chuẩn bị các thủ tục để nghiệm thu mô hình chè.Từ hiệu quả thực hiện các mô hình, đến nay đã nhân rộng ra toàn tỉnh, trong đó: Xây dựng được mô hình canh tác lúa theo cánh đồng mẫu lớn trên quy mô 800ha; mô hình sản xuất rau an toàn trên quy mô 300ha; mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng cây bưởi trên quy mô 563ha (mô hình trồng mới 51ha, thâm canh vườn bưởi sẵn có 512ha); mô hình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP trên quy mô 382ha. Đối với kế hoạch nhân rộng đại trà, được triển khai tại huyện Tam Nông và Thanh Thủy, với quy mô diện tích là 3.980ha. Trong đó, đến cuối năm 2019 đã mở rộng mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn trên quy mô 3.500ha, mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn trên quy mô 200ha, mở rộng được mô hình canh tác cây ăn quả theo hướng nâng cao năng suất chất lượng trên quy mô 280ha (năm 2019 thực hiện 135ha, năm 2020 thực hiện 145ha).Đặc biệt, các mô hình CSA áp dụng quy trình mới, sử dụng phân bón vi sinh hay chế phẩm phân bón làm tăng chi phí đầu tư sản xuất so với sản xuất đại trà từ 5-10%; tăng hiệu quả sản xuất, lợi nhuận đều tăng từ 15-40% so với sản xuất thông thường. Các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm có chất lượng cao nên đã nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hóa, tiếp cận được nhiều thị trường hơn, thúc đẩy hoạt động sản xuất phát triển, đặc biệt là sản phẩm rau của HTX rau an toàn Tu Vũ. Kết quả của mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động BĐKH trong hoạt động sản xuất. Các tổ chức xã hội (hội phụ nữ, hội nông dân) đã tham gia quản lý sản xuất và góp phần vào việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ sản xuất mới. Tăng cường bình đẳng giới, vai trò, kiến thức, kỹ năng, sự tham gia của người phụ nữ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cán bộ địa phương và người dân đã thấy được những hiệu ích thiết thực mang lại từ mô hình như: Phương thức tổ chức sản xuất hợp lý, cơ giới hóa sản xuất, hệ thống tưới tiêu đồng bộ, từ đó, mở rộng áp dụng cho các vùng sản xuất khác ở địa phương và các vùng lân cận. Với những lợi ích thiết thực về nhiều mặt, cải thiện hệ thống tưới, tiêu cùng với thúc đẩy phát triển và ứng dụng các thực hành nông nghiệp tốt thích ứng BĐKH triển khai tốt sẽ là “luồng gió mới” cho nông nghiệp Phú Thọ “bật dậy”, vươn tới phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại.

Hải Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202008/nong-dan-huong-loi-tu-san-xuat-nong-nghiep-thong-minh-172474