Nông dân Gia Lai 'đổi đời' nhờ trồng sầu riêng hữu cơ

Những năm gần đây, sầu riêng đã trở thành loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân tỉnh Gia Lai. Tận dụng lợi thế, tỉnh Gia Lai đã định hướng phát triển cây sầu riêng theo hướng chuyên canh sâu và mở ra cơ hội lớn xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường nước ngoài, từ đó mang lại hiệu quả cao trong việc tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu nên những năm qua, bên cạnh các loại cây ăn quả khác, Gia Lai đã tập trung phát triển diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh.

Tạo sinh kế cho người dân

Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 29.000 ha cây ăn quả; trong đó, diện tích sầu riêng chiếm khoảng 4.000 ha. Với năng suất bình quân gần 15 tấn/ha, hiện tại sản lượng sầu riêng của Gia Lai đạt khoảng 25.000 tấn. Dự kiến đến năm 2025, Gia Lai sẽ nâng diện tích sầu riêng lên 5.000 ha.

Sầu riêng ở Gia Lai chủ yếu được trồng ở các địa phương như: Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh, Chư Pưh, Đak Đoa, Đức Cơ… Đáng chú ý, phần lớn diện tích sầu riêng tại các địa phương này đều đang được nông dân đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Gia Lai đã tập trung phát triển trồng cây sầu riêng theo hướng hữu cơ.

Gia Lai đã tập trung phát triển trồng cây sầu riêng theo hướng hữu cơ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Siu Luynh cho biết, địa phương có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu nên các loại cây ăn quả phát triển khá tốt, đặc biệt là cây sầu riêng. Đến thời điểm này, huyện đã có khoảng 300 ha sầu riêng và đang tiếp tục có chiều hướng tăng lên.

Cũng chính nhờ đó, người dân nhiều địa phương tại Gia Lai đã có thu nhập đáng kể từ khi tập trung trồng sầu riêng. Theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Trọn (làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ), trang trại sầu riêng 70 ha của gia đình ông đầu tư sản xuất theo quy trình VietGAP và theo hướng hữu cơ.

“Năm nay, với 20 ha sầu riêng cho thu hoạch, gia đình tôi thu 2 đợt được 70 tấn quả, dự kiến đợt cuối được khoảng 30 tấn nữa. Trước khi vào vụ thu hoạch, tôi đã ký hợp đồng bán cho đối tác với giá 64-74 nghìn đồng/kg tùy loại, tính ra cũng thu về được khoản khá lớn”, ông Trọn phấn khởi nói, đồng thời cho biết, để sản phẩm sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ngay từ khâu chọn giống phải tuyển chọn rất kỹ. Trong canh tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học theo hướng hữu cơ sinh học để cây sai trái, đạt chất lượng hơn.

Nhằm thuận tiện trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, giữa năm 2022, ông Trọn đã thành lập HTX Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên (huyện Đức Cơ) với năng lực thu mua hơn 2.000 tấn/năm với các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Cùng với đó, đầu tư xây dựng thêm hệ thống xưởng sơ chế và kho đông lạnh bảo quản sầu riêng phục vụ cho yêu cầu xuất khẩu.

Nhân rộng mô hình cây trồng chủ lực

Nhận thấy ích lợi từ việc chuyển hướng sang phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tỉnh Gia Lai đã khuyến khích người dân liên kết, thành lập các HTX gắn với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ nhân rộng mô hình mà còn tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm.

Trên tinh thần đó, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) đã ra đời với nhiều kỳ vọng của người dân về một hướng sản xuất hiệu quả và bền vững trong trồng cây sầu riêng.

Theo ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn, ông đã kêu gọi, vận động một số hộ dân có chung định hướng để thành lập HTX, định hướng của HTX sẽ phát triển bền vững, ổn định hơn trong tương lai và mang lại hiệu quả cao hơn.

“Những năm qua, HTX đã liên kết với 62 hộ dân canh tác hơn 250 ha sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, giá trị sản phẩm tăng cao và được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh”, ông Bình thông tin.

Không chỉ vậy, cùng với HTX Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (xã Ia Rong), HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn được huyện Chư Pưh chọn làm điểm trong mô hình vừa làm dịch vụ gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đây là những mô hình điểm mà huyện Chư Pưh chọn để triển khai việc đầu tư liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi, nâng cao giá trị hàng hóa cho cây trồng chủ lực tại địa phương.

Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh cho hay, việc tìm một hướng đi chung cho các HTX đang được địa phương đặt ra để tạo tiền đề cơ bản vận động xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và liên kết tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Đến nay, huyện Chư Pưh đã xây dựng và phát triển được 22 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đưa sầu riêng xuất ngoại

Để ổn định đầu ra cho sản phẩm chủ lực địa phương, bên cạnh việc khuyến khích người dân tham gia liên kết chuỗi, việc kêu gọi các doanh nghiệp, HTX liên kết với nông dân trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ trái sầu riêng, tìm hướng xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường tiềm năng đang là hướng đi đúng của tỉnh Gia Lai.

Hướng đến phát triển và hình thành các vùng chuyên canh sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó chú trọng xây dựng quy trình canh tác tiên tiến theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Sầu riêng ở Gia Lai được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Sầu riêng ở Gia Lai được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Cùng với đó, để đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài thời gian tới, các doanh nghiệp, HTX và người nông dân cần liên kết với nhau để xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về mã vùng trồng, mã đóng gói.

Đại diện UBND huyện Chư Pưh cho biết, để hỗ trợ người dân canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… hướng đến mục tiêu xuất khẩu chính ngạch, huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và một số doanh nghiệp, vận động bà con nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng mã vùng trồng.

Theo đó, các địa phương sở hữu diện tích sầu riêng từ 300 ha đến hơn 700 ha đang nỗ lực đầu tư canh tác cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tích cực rà soát lại diện tích để định hướng hỗ trợ nông dân, HTX hoàn thiện các thủ tục để được cấp mã số vùng trồng, nhằm đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

Được biết, hiện HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn đã liên kết với doanh nghiệp có uy tín làm hồ sơ, thủ tục để xin cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng. “Hiện HTX có 177,4 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Ngoài ra, HTX đã ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Group để bao tiêu sản phẩm xuất khẩu”, Giám đốc HTX Đại Ngàn cho biết.

Hiện toàn tỉnh đã có 17 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cấp cho cây sầu riêng với tổng diện tích 360,74 ha. Đồng thời, sản phẩm sầu riêng của địa phương được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong vụ thu hoạch năm nay, với giá cao đã đem lại lợi nhuận lớn cho nông dân dù năm nay, tình hình thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sầu riêng.

Vụ sầu riêng năm nay, các thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn rất phấn khởi vì sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. “Năm nay, tuy năng suất vườn cây không đạt như năm ngoái do ảnh hưởng bất lợi bởi thời tiết nhưng giá bán lại cao hơn vụ trước 10-15 ngàn đồng/kg giúp người trồng có khoản thu khá”, ông Nguyễn Viết Bình phấn khởi nói.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, thời gian tới, ngành NN&PTNT định hướng người dân giữ vững diện tích sầu riêng hiện có, không nên mở rộng. Đồng thời, khuyến khích người dân tập trung đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây bằng những giống sầu riêng mới cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

“Đặc biệt, các địa phương và doanh nghiệp cần sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ phù hợp với thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Gia Lai nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất”, ông Có nhấn mạnh.

Giang Nam

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-gia-lai-doi-doi-nho-trong-sau-rieng-huu-co-1093809.html