Nông dân đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai năm 2023

Mặc dù chỉ là nông dân thuần túy nhưng với sự đam mê ngành kỹ thuật cơ khí, anh Nguyễn Công Chính (ngụ ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để chế tạo thành công chiếc máy tỉa hạt giống.

Anh Nguyễn Công Chính (ngụ ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú, H. Xuân Lộc) bên máy gieo hạt giống

Anh Nguyễn Công Chính (ngụ ấp Bình Xuân 1, xã Xuân Phú, H. Xuân Lộc) bên máy gieo hạt giống

Chiếc máy này đã nâng hiệu suất lao động gấp hàng chục lần so với cách làm thủ công trước kia. Đồng thời, anh Chính cũng vinh dự nhận được giải nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai năm 2023 do Sở KH-CN tổ chức.

* Tăng công suất gấp nhiều lần

Trong năm 2023, chiếc máy tỉa hạt của anh Nguyễn Công Chính được hoàn thiện và trình làng trên cánh đồng ấp Bình Xuân 2, xã Xuân Phú. Mỗi giờ, chiếc máy có thể giải quyết khối lượng công việc bằng hàng chục lao động làm việc quần quật trong một ngày. Đó chính là thành quả của quá trình mày mò, nghiên cứu của anh Chính. Cấu tạo chiếc máy gồm: đầu kéo, máy quạt tạo khí, bộ phận tách hạt và bộ phận chọc lỗ. Trong quá trình vận hành, hạt giống sẽ được các ống khí hút qua bộ phận tách hạt, trong đó có thiết kế một bộ phận đóng mở, đảm bảo mỗi hạt sẽ rơi xuống cái lỗ đã được vòng bánh chông tạo ra trước đó, cuối cùng là bộ phận lấp hạt.

Anh Nguyễn Công Chính cho hay: “Cứ mỗi khi tới mùa tỉa bắp, bản thân tôi và bà con nông dân phải khom lưng từ sáng đến tối, rất cực và đau lưng. Từ những trăn trở đó, tôi có ý tưởng sẽ tìm đủ mọi cách để thiết kế ra máy tỉa bắp này. Nguyên lý làm việc của máy là sử dụng phần cơ và khí kết hợp lại để tỉa hạt. Cụ thể thì phần khí để tách hạt, trong khay hỗn độn nhiều hạt nhưng khi lấy lên chỉ lấy 1 hạt thôi. Sau đó, đưa qua hệ thống để định vị rồi thả hạt. Cái bánh lồng sẽ lăn tạo lỗ ở phía trước, máy sau khi định vị xong thì sẽ thả ngay vào vị trí lỗ mà máy vừa đi qua”.

Tùy theo chế độ điều chỉnh, chiếc máy này có thể gieo tỉa tất cả các loại hạt với kích cỡ khác nhau, trên các loại địa hình. Với cấu tạo tỉa 6 hàng kép như hiện nay, mỗi ngày chiếc máy này có thể gieo tỉa được hơn 1ha, bằng một chục công lao động thủ công làm việc trong 2 ngày với tỷ lệ chuẩn xác đạt đến gần 100%. Chiếc máy này không chỉ kéo giảm thời gian xuống giống, mà còn kéo giảm được 1/3 chi phí tiền thuê mướn công lao động.

Anh Hà Phát Minh, nông dân tại ấp Bình Xuân 2, xã Xuân Phú chia sẻ: “Xưa nay, nông dân tỉa bắp bằng cách thủ công như chọc lỗ, dùng máy đi lăn lỗ nên việc làm nông khá vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức. Nhưng bây giờ, khi anh Chính phát minh ra cái máy tỉa bắp này thật sự rất tiện lợi cho người nông dân, giảm được nhiều công sức và thời gian cho khâu gieo hạt”.

* Nhiều sáng tạo được đưa vào ứng dụng

Trong những năm qua, ngoài việc đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ vào sản xuất, rất nhiều nông dân tại H.Xuân Lộc đã không ngừng nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong lao động. Điển hình như anh Nguyễn Công Chính với chiếc máy tỉa hạt, anh Trương Văn Mỹ với chiếc máy cắt cành trên cao, anh Hồ Trung Dũng với ứng dụng ủ bã đậu làm phân sản xuất hồ tiêu sạch… Những cải tiến, sáng tạo đó đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất của bà con nông dân. Hiện tại, anh Chính đang tiếp tục cải tiến, nâng cao hiệu suất lên gấp 3 lần so với hiện tại; đồng thời, tính toán đến việc sản xuất máy để cung cấp cho bà con nông dân trong vùng.

Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc Lê Thị Xuân Trang cho biết: “Ngoài công dụng giảm chi phí, máy tỉa bắp còn giúp rút ngắn thời gian. Thay vì trước đây bà con phải tỉa 2 ngày mới hết 1ha thì bây giờ sử dụng máy chỉ mất 1 ngày là tỉa được 3-4ha, từ đó tạo sự đồng đều cho cây, thuận tiện cho quá trình chăm sóc sau này và năng suất sẽ tăng. Một nỗi khổ của nông dân là đa số người trẻ tuổi đều đi làm ăn xa nên khi tới vụ mùa khó kiếm được nhân công trẻ. Cho nên, việc ứng dụng cơ giới hóa như máy tỉa bắp này vào sản xuất giải quyết được rất nhiều vấn đề của nông dân”.

Là nông dân quanh năm tất bật với công việc đồng áng nhưng anh Nguyễn Công Chính luôn nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt qua khó khăn để chế tạo thành công chiếc máy tỉa hạt, sản phẩm này đã giúp giải phóng sức lao động cho người nông dân, nâng cao hiệu suất hiệu quả lao động, giúp nông dân từng bước làm chủ công nghệ để làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.

Hải Đình - Hoàng Oanh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202401/nong-dan-doat-giai-nhat-cuoc-thi-sang-tao-ky-thuat-dong-nai-nam-2023-ab74b81/