Nông dân cần tập trung cho sản xuất lúa Đông Xuân 2023 - 2024

Nước lũ rút, đây là thời điểm nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An tập trung vệ sinh đồng ruộng, xuống giống lúa vụ Đông Xuân (ĐX) 2023 - 2024. Hiện các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh tập trung chỉ đạo công tác xuống giống, bảo đảm đúng lịch thời vụ, nhằm hạn chế thấp nhất dịch hại gây ra.

Cần gieo sạ đúng lịch thời vụ

Trước tình hình thời tiết và sinh vật gây hại vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, tác động xấu đến sản xuất, UBND huyện Vĩnh Hưng chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm thắng lợi sản xuất vụ ĐX 2023-2024.

Nông dân vệ sinh đồng ruộng xuống giống lúa Đông Xuân 2023 - 2024

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, đến nay, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống được gần 3.000ha, tập trung nhiều ở các xã Tuyên Bình, Hưng Điền A, Thái Trị, Khánh Hưng, Thái Bình Trung,…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Bằng cho biết: “Kế hoạch vụ ĐX 2023-2024, toàn huyện gieo sạ 28.300ha. Ngành hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ để hạn chế cỏ dại, lúa chét, cày vùi rơm rạ tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan; san phẳng mặt ruộng để hạn chế cỏ dại, ốc bươu vàng; thực hiện nghiêm túc việc gieo sạ tập trung từng vùng, từng cánh đồng theo đúng lịch thời vụ, không gieo sạ tự phát, phân tán;...”.

Anh Nguyễn Thành Trung (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Ngay từ đầu vụ, nông dân được tuyên truyền, hướng dẫn gieo sạ đúng khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Để sản xuất an toàn, tôi chủ động xuống giống theo lịch thời vụ. Hiện 2ha lúa của gia đình đã xuống giống được khoảng 1 tuần, lúa phát triển tốt”.

Nông dân tập trung xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2023

Huyện Tân Hưng có kế hoạch xuống giống 37.000ha lúa vụ ĐX 2023 - 2024. Đến nay, nông dân xuống giống được gần 13.500ha. Hiện số diện tích còn lại trên địa bàn, mực nước trên ruộng còn khá nhiều, trung bình từ 20-50cm nên nông dân chưa thể xuống giống được.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng), những năm trước vào thời điểm này, nông dân xuống giống lúa vụ ĐX khá nhiều nhưng đến nay gần 3ha đất của gia đình chưa thể xuống giống vì nước còn ở mức cao. Công tác chuẩn bị về giống, vật tư cho vụ này đã sẵn sàng, chúng tôi luôn theo dõi thông tin từ các cấp, các ngành gieo sạ đúng lịch thời vụ, để vụ ĐX đạt hiệu quả.

Để vụ Đông Xuân đạt hiệu quả

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo cho biết: Huyện khuyến cáo, ngoài các khâu cày vùi rơm rạ làm cho đất thông thoáng, tăng độ phì nhiêu, cắt đứt mầm sâu, bệnh, giảm ngộ độc hữu cơ, nông dân cần chủ động diệt chuột và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ. Đối với những vùng gò cao, một số diện tích lũ ngập ít nông dân cần cày vùi rơm rạ, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế sâu, bệnh phát sinh và lây lan.

Các xã vùng thấp tận dụng hệ thống đê bao lửng bơm rút nước, gieo sạ theo lịch thời vụ. Các ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa chủ lực có năng suất, chất lượng cao và phù hợp với vùng đất ở địa phương; sử dụng phân bón hợp lý, các biện pháp quản lý dịch hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.

Để bảo đảm thắng lợi sản xuất vụ ĐX 2023-2024, góp phần quan trọng để hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2024, UBND huyện Tân Hưng chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn, các đơn vị có liên quan tập trung củng cố, duy trì hoạt động, thường xuyên bám sát địa bàn và đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, tổ chức diệt chuột, ốc bươu vàng; thực hiện nghiêm túc việc gieo sạ tập trung từng vùng, từng cánh đồng theo đúng lịch thời vụ, không gieo sạ tự phát, phân tán; chủ động kiểm tra, rà soát lại hệ thống thủy lợi, đê bao lửng trên địa bàn sau lũ để có kế hoạch nạo vét, duy tu, sửa chữa bảo đảm phục vụ cho sản xuất; các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của huyện về vấn đề bố trí thời vụ, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tham gia sản xuất theo cánh đồng lớn.

Số diện tích nước lũ chưa rút cạn, nông dân cần chủ động bơm rút để xuống giống kịp thời vụ

Vụ ĐX là vụ lúa chính trong sản xuất hàng năm, nông dân cần tập trung gieo sạ đúng lịch thời vụ, chọn giống phù hợp để mang lại hiệu quả cao. Ngoài việc ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ xuống còn từ 80 -100 kg/ha; sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; nhóm giống lúa thơm, đặc sản: ST 24, ST 25, RVT, VD 20,...; nhóm giống lúa chất lượng cao: OM 5451, OM 4900, OM 18, Đài thơm 8,...

Ngoài ra, các địa phương, ngành chuyên môn cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về diễn biến dịch hại, vận động nông dân thăm đồng, phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, dự tính, dự báo, thông báo; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ứng dụng “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ứng dụng công nghệ sinh thái, hệ thống thâm canh lúa cải tiến. Lịch gieo sạ vụ ĐX 2023 - 2024, đợt 3 (từ ngày 10 đến 25/12)./.

Văn Đát

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nong-dan-can-tap-trung-cho-san-xuat-lua-dong-xuan-2023-2024-a167199.html