Nông dân Bảo Yên thi đua làm kinh tế giỏi

Chúng tôi về Nghĩa Đô khi vụ lúa xuân bắt đầu vào mùa thu hoạch, những nương dâu xen lẫn rừng quế xanh mướt một màu. Chị Lương Thị Việt (bản Nà Khương) đang nhanh tay hái dâu để chăn tằm. Đây là lứa tằm thứ 4 kể từ khi gia đình chị Việt tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm theo chương trình '5 cây, 3 con' của huyện Bảo Yên.

Hội Nông dân huyện Bảo Yên thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình chị Việt.

Chị Việt cho biết, hơn 4 sào đất vườn trồng vải trước đây cả năm chỉ thu được 3 triệu đồng, nhưng nay gia đình chị đã thay thế bằng cây dâu, tận dụng gầm nhà sàn làm nơi nuôi tằm. Mỗi vòng tằm chừng 10 ngày cũng cho thu 4 - 5 triệu đồng. Gia đình chị đã thu được 3 lứa tằm và tận dụng nguồn phân tằm để trồng rau, bón ruộng. Cùng với trồng dâu nuôi tằm, gia đình chị Việt còn trồng 7 vạn cây quế, nuôi hàng trăm con vịt bầu, gà thả vườn lấy trứng, nuôi cá…

Cũng như gia đình chị Lương Thị Việt, nhiều hộ nông dân ở Nghĩa Đô luôn tâm niệm rằng, làm nghề nông thì phải chịu thương, chịu khó, bắt kịp với thị trường để tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn. Gia đình ông Lương Văn Măng ở bản Kem là một trong những hộ duy trì nghề nuôi vịt đặc sản địa phương, được xem là điểm sáng trong phát triển chăn nuôi ở Nghĩa Đô. Tận dụng diện tích ao vườn của gia đình và dòng suối Nậm Luông, ông mạnh dạn đầu tư phát triển đàn vịt bầu. Để có chất lượng thịt vịt thơm ngon hơn, ông chủ yếu nuôi bằng thức ăn như cám ngô, cám gạo và thân cây chuối kết hợp chăn thả tự nhiên ở suối (để vịt ăn thêm thức ăn tự nhiên). Mỗi năm gia đình ông Măng xuất bán 2 lứa vịt bầu thương phẩm, mỗi lứa khoảng 500 con, giá bán trung bình 250 - 300 nghìn đồng/con.

Không chỉ ở Nghĩa Đô, nhiều địa phương khác trong huyện Bảo Yên những năm qua cũng dấy lên phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo chuyển biến tích cực, nông dân trong huyện đã nêu cao tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Bảo Yên, năm 2019 có 1.283 hộ đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp; 227 trong tổng số 242 thôn, tổ dân phố có hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 866 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như gia đình Cư Seo Cấu (dân tộc Mông, xã Thượng Hà) thu nhập hơn 600 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi trâu và trồng quế; gia đình ông Hoàng Xuân Thủy (dân tộc Tày, xã Xuân Hòa) thu nhập hơn 700 triệu đồng từ mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp; gia đình ông Bàn Văn Long (dân tộc Dao ở xã Thượng Hà) thu nhập mỗi năm hơn 1,5 tỷ đồng từ kinh doanh dịch vụ và trồng rừng…

Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Yên khẳng định: Phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Bảo Yên những năm qua đã tạo sức thu hút và gắn bó ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức hội với hội viên nông dân, khẳng định vai trò hội nông dân các cấp trong việc đoàn kết nông dân giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phong trào đã khích lệ, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, tính cần cù, chịu khó, ý chí tự lực, tự cường, tạo sự đồng thuận và tham gia tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và giữ vững ổn định chính trị nông thôn.

Phong trào ngày càng có bước phát triển tốt, nhiều hộ kỳ trước đạt danh hiệu cấp xã vươn lên danh hiệu cấp huyện, từ danh hiệu cấp huyện vươn lên danh hiệu cấp tỉnh và Trung ương. Các xã: Xuân Thượng, Xuân Hòa, Cam Cọn, Nghĩa Đô, Bảo Hà, Thượng Hà, Phúc Khánh và thị trấn Phố Ràng duy trì, phát triển tốt phong trào thi đua. Thu nhập của hộ nông dân không ngừng tăng, có 118 hộ thu nhập mỗi năm từ 150 triệu đồng trở lên. Từ phong trào đã tạo việc làm cho hơn 400 lượt lao động, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm đưa cây giống, con giống mới vào sản xuất cho gần 167 hộ nông dân ngay tại thôn, bản.

Đặc biệt, phong trào có tác động lớn đến chương trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng như phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương không chỉ tạo ra sản phẩm hàng hóa và vùng sản xuất hàng hóa nông sản, mà còn năng động trong việc liên kết với doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc trưng của huyện, như thịt trâu sấy Vĩnh Yên, khoai môn Việt Tiến, hồng không hạt Bảo Hà, vịt bầu Nghĩa Đô, gà đồi Điện Quan, quế Xuân Hòa, chè Đại Hưng… Trong số đó đã có nhiều sản phẩm được xếp hạng và công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Kiều Lê

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/nong-dan-bao-yen-thi-dua-lam-kinh-te-gioi-z36n20200614092402548.htm