Nóng 'chủ nghĩa bảo hộ' tại hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ

Tối qua theo giờ Mỹ, tức sáng sớm nay, theo giờ Việt Nam, hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ gồm ba nước Mỹ-Canada-Mexico vừa diễn ra ở thủ đô Washington, Mỹ.

Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ kể từ năm 2016, khi mà hội nghị thường niên này bị gián đoạn dưới thời tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới Washington kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ hồi đầu năm nay. Theo Nhà Trắng, tại hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ lần này, ba nhà lãnh đạo Mỹ, Canada và Mexico thảo luận về những vấn đề nóng của khu vực như đối phó với đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, di cư và hợp tác kinh tế.

Không giống như người tiền nhiệm của mình, ông Biden luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ nội khối Bắc Mỹ. Chính vì thế mà tại hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ lần đầu tiên sau 5 năm bị gián đoạn, nội dung thu hút sự chú ý của dư luận là việc các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ xem xét việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới và những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa bảo hộ.

Lần đầu tiên sau 5 năm gián đoạn, cuộc gặp trực tiếp của ba nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ-Canada-Mexico thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là cuộc gặp hàng năm được tổ chức kể từ năm 2005 với mục đích làm giảm nhẹ các căng thẳng về thương mại và kinh tế giữa ba nước. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã bị gián đoạn kể từ năm 2016 dưới thời Tổng thống Donald Trump, người đã hủy bỏ Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và sau đó đàm phán một thỏa thuận mới thay thế NAFTA và tất nhiên cả Canada và Mexico đều không thoải mái với điều này. Chính vì vậy, cuộc gặp lần này được coi là một thay đổi trong chính sách của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden và đây có thể được coi là một cơ hội để ông Biden tái khẳng định quan hệ giữa Mỹ với hai quốc gia láng giềng ở Bắc Mỹ, xây dựng lại lòng tin và tạo tiền đề cho việc giải quyết các vấn đề gai góc nhất giữa ba nước đồng thời vạch ra định hướng cho việc phục hồi kinh tế khu vực từ dịch bệnh Covid-19.

Các nội dung thảo luận bao gồm tăng cường phối hợp nhằm khắc phục các hậu quả do Covid-19 gây ra đối với các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị tích hợp ở khu vực Bắc Mỹ, cải thiện khả năng cạnh tranh của khu vực Bắc Mỹ trước Trung Quốc và các quốc gia khác, đầu tư cho các lực lượng lao động ở châu Mỹ như các ngành công nghiệp chuyển đổi số, ứng phó một cách sáng tạo với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng xanh, và giải quyết các thách thức bao gồm di cư, an ninh mạng và tội phạm xuyên biên giới. Tuy nhiên, để có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trên, Mỹ, Canada và Mexico vẫn phải giải quyết được bất đồng trong một số vấn đề như người nhập cư, năng lượng và thương mại.

Mặc dù kỳ vọng về một kết quả cụ thể từ cuộc gặp này là không cao, các quan chức chính phủ, các chuyên gia khu vực và một số nhà cựu ngoại giao đều lạc quan rằng lãnh đạo ba nước ít nhất sẽ xây dựng được thiện chí và sẽ đưa ra được một cam kết mạnh mẽ hơn về hợp tác trong thời gian tới.

Dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump, mối quan hệ đối tác chiến lược giữa ba nước Bắc Mỹ đã bị xấu đi bởi chủ nghĩa bảo hộ của chính phủ Mỹ. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden dường như có ý định xúc tiến chiến lược “Mua của Mỹ” trong lĩnh vực ô tô và các dự án cơ sở hạ tầng, , những căng thẳng liên quan tới ô tô và chủ nghĩa bảo hộ đã phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh rất được chờ đợi này.

Mục đích chính của cuộc họp là tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế chung giữa ba nước, nhưng cả Canada và Mexico đã bày tỏ lo ngại về các điều khoản “Mua hàng Mỹ” của Chính quyền Tổng thống Biden và khoản tín dụng thuế dành cho ô tô điện, mà theo đó sẽ ủng hộ các hãng sản xuất có nhà máy tại Mỹ.

Cả Canada và Mexico đều muốn có một sân chơi bình đẳng khi họ cạnh tranh để thu hút các công ty thiết lập nhà máy cho chuỗi cung ứng ô tô điện. Tuy nhiên, dự luật chi tiêu xã hội và khí hậu của Tổng thống Biden đang được Quốc hội Mỹ xem xét bao gồm khoản tín dụng thuế lên đến 12.500 USD cho ô tô điện do Mỹ sản xuất.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp các thành viên của cả hai đảng tại Quốc hội Mỹ ngày 17/11, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland nói rằng ô tô điện có nguy cơ trở thành vấn đề nổi trội trong mối quan hệ song phương Mỹ-Canada. Bộ trưởng Freeland cho biết, cả bà và Thủ tướng Justin Trudeau đã nói rõ về tầm quan trọng của Canada đối với đề xuất khuyến khích xe điện.

Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế Mexico, bà Tatiana Clouthier cũng lên tiếng chê bai Mỹ vì đã tự đóng cửa, đồng thời cảnh báo rằng các chính sách bảo hộ của Chính quyền Tổng thống Biden có thể làm trầm trọng thêm vấn đề di cư hàng loạt.

Quan hệ giữa Mỹ và hai nước láng giềng Bắc Mỹ chắc chắn sẽ thay đổi dựa trên quan điểm chính sách của Tổng thống Biden đó là tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác, điều này khá khác biệt so với chính sách “nước Mỹ trên hết” của chính quyền tiền nhiệm. Trên thực tế, việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ, Canada và Mexico đều mang lại lợi ích cho cả ba nước. Ba nước này chia sẻ một trong những mạng lưới đồng sản xuất và thương mại lớn nhất thế giới với giá trị giao thương lên tới 2 triệu đô la mỗi phút qua biên giới chung giữa các nước. Các hoạt động giao thương đó hỗ trợ 12 triệu việc làm cho người lao động và nông dân Mỹ cũng như hàng triệu người khác ở Canada và Mexico.

Trong khi đó, Canada và Mexico là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và hai nước này cùng với Mỹ đồng sản xuất ra các sản phẩm hoàn thiện nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Nếu quan hệ giữa ba nước được quản lý tốt, hợp tác ba bên có thể có ảnh hưởng tích cực lớn trong việc đối phó với tội phạm ma túy xuyên biên giới, ứng phó với các đại dịch trong tương lai, xây dựng các chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi tốt hơn và đáng tin cậy hơn cho các ngành công nghiệp và nông dân, ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi để hướng tới các ngành công nghiệp xanh và hiệu quả hơn. Trên phương diện quốc tế, một khu vực Bắc Mỹ liên kết chặt chẽ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường toàn cầu và tất nhiên là người dân của cả ba nước sẽ được hưởng lợi từ điều này.

Những lợi ích nêu trên chính là cơ sở để chính quyền Tổng thống Biden cân nhắc trong điều chỉnh quan hệ với Canada và Mexico và quan hệ giữa Mỹ và hai nước này được cải thiện tới đâu còn tùy thuộc vào việc các nước xử lý các bất đồng còn tồn tại ra sao và điều này chắc chắn sẽ không thể được giải quyết trong nay mai được./.

Phạm Huân/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nong-chu-nghia-bao-ho-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-bac-my-906028.vov