Nội y, váy ngủ 'áo ỡm ờ, quần chờ 1 phút' trong phim Việt từng táo bạo mức này!

Những bộ trang phục tân thời mang tên 'ngây thơ', 'chinh phục', 'ỡm ờ', 'chờ 1 phút',... từng gây sốt trên phim Việt bối cảnh năm 1930.

Mới đây, một đoạn clip trích dẫn trong bộ phim "Trò đời" được phát sóng vào năm 2013 nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Trong đoạn trích, nhân vật Xuân Tóc Đỏ (Việt Bắc thủ vai) đang giới thiệu cho vợ của ông Típ Phờ Nờ một số mẫu trang phục tân thời như những thiết kế nội y trong suốt, váy ngủ mỏng tang với những tên gọi cực kỳ bắt tai. Ví dụ như những thiết kế hở cánh tay, hở cổ được gọi là "dậy thì", váy ngủ hở nách và nửa vòng 1 gọi là "ngây thơ". Ngoài ra, còn có chiếc quần ngủ "chờ 1 phút" và chiếc áo mỏng dính nửa kín, nửa hở kiểu "ỡm ờ".

Loạt váy áo với những tên gọi hết sức "tân thời" được Xuân Tóc Đỏ giới thiệu cho vợ ông Típ Phờ Nờ, khiến khán giả cười nắc nẻ.

Điển hình nhất là những bộ đồ mang tên "ngây thơ", "chinh phục", "ỡm ờ", "chờ 1 phút",...

Đoạn trích nhận về gần 300 nghìn lượt xem cùng nhiều lượt bình luận. Được biết, bộ phim "Trò đời" do NSƯT Phạm Nhuệ Giang làm đạo diễn và Trịnh Nhã Thanh làm biên kịch, được chuyển thể từ một số tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng như "Số đỏ", "Cơm thầy cơm cô" và "Kỹ nghệ lấy Tây". Đây là bộ phim đầu tiên do VFC hợp tác với Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam và đồng thời là bộ phim đầu tiên lấy ý tưởng từ tác phẩm văn học hiện thực những năm 1930 –1945, nhằm đánh dấu kỷ niệm 100 ngày sinh của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, kể từ thời điểm sản xuất (2013). Ngoài ra, "Trò đời" cũng là một trong số những tác phẩm đưa tên tuổi của diễn viên Bảo Thanh đến gần hơn với công chúng. Năm 2014, bộ phim đạt giải Ấn tượng VTV.

Dưới phần bình luận của đoạn trích trên, rất nhiều người dành lời khen ngợi cho cố nhà văn Vũ Trọng Phụng như: "Vũ Trọng Phụng với tác phẩm để đời một trăm năm sau vẫn mới", "Vũ trọng Phụng quá tài ba. Cả thời nay cũng kkhông có nhà văn hiện thực nào sánh bằng", "Ôi phim hay vậy. Tác phẩm thật là tuyệt. Hiếm có bộ phim nào mang đến tiếng cười trào phúng sâu cay được như vậy", "Ngày xưa khi học tác phẩm "Hạnh Phúc Của Một Tang Gia" của Vũ Trọng Phụng tôi chỉ biết đó là tác phẩm mang tính chất châm biếm. Nhưng khi lớn lên đi làm ăn rồi, tôi lại thấy nó còn đi trước thời đại",...

Ông Típ Phờ Nờ (do Quang Thắng thủ vai) trong phim "Trò đời".

Được biết, vào những năm 1930, đánh dấu sự thay đổi đáng kể về thời trang trên toàn thế giới, đặc biệt là với mốt đồ ngủ, nội y. Ngay cả Pyjama cũng trở thành trang phục tiện dụng mặc ra đường và xuất hiện trên các bãi biển.

Thời điểm đó, váy ngủ và sự cải tiến của nội y là biểu tượng giải phóng của phụ nữ. “Nhìn nhận ở một góc độ nào đó, thay đổi cách sử dụng đồ ngủ có liên quan mật thiết đến việc giải phóng phụ nữ. Họ bước ra khỏi boudoir trong bộ đồ ngủ thanh lịch để tìm kiếm sự bình đẳng giữa nam và nữ. Pyjama đã trở thành biểu tượng của phụ nữ hiện đại, thể hiện sự theo đuổi tự do và phong cách sống năng động”, tác giả Yoshito viết.

Tuy nhiên, vào thời kỳ này ở Việt Nam, thời trang vẫn có tính bảo thủ chủ yếu là áo dài cổ đứng cài khuy, bộ bà ba gấm lụa đắt tiền, mang guốc mộc hoặc hài thêu, tóc búi tó, phụ nữ thì đầu đội khăn vuông gấp tam giác, hoặc khoác trên vai. Nên việc diện những bộ đồ tân thời ra đường là điều khó có thể chấp nhận được. Điển hình là khi nhiều thanh, thiếu nữ đua nhau bỏ Nam phục, theo Âu phục để “cải cách lối sống”. Phong trào ăn mặc tân thời bắt đầu lan rộng khắp cả Hà Nội lẫn Sài Gòn, nhất là phụ nữ. Mặc kệ những chê bai, chỉ trích, các cô vẫn cứ tân thời.

Những năm 1930, Pháp khởi xướng chủ trương "vui vẻ trẻ trung" với phong cách ăn mặc kiểu mới đã làm thay đổi quan niệm thời trang của giới trẻ Hà thành, Sài thành.

Trong tiểu thuyết "Số đỏ", Vũ Trọng Phụng từng miêu tả: “Đây là cái áo ỡm ờ… Đây là cái quần hãy chờ một chút! Đây là cái áo lót hạnh phúc! Đây là cái coọc xê ngừng tay!”.

Còn nhà văn Nguyễn Công Hoan viết truyện ngắn Cô Kếu - gái tân thời trong đó có đoạn: “Cô Bạch Nhạn buồn lắm vì cổ hủ hết cách... Các bạn cô, cô Bích Ngọc thì đã được mặc quần trắng và áo sáu khuy. Cô Song Khê đã được cạo răng. Đến ngay như cô Mộng Lê mà bà cụ cũng chịu để cho đánh phấn và mặc áo màu nữa là! Ức nhất là quanh năm cô chỉ được mặc đồ thâm như người có trở, trông tối sầm như bà cụ”.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/noi-y-vay-ngu-34-ao-om-o-quan-cho-1-phut-34-trong-phim-viet-tung-tao-bao-muc-nay-a594208.html